Vì sao nhiều người dân Italy rơi vào cảnh nghèo kỷ lục?
Số lượng người Italy sống trong tình trạng nghèo đói (dưới mức thu nhập hàng tháng từ 569,56 đến 839,78 euro mỗi người, tùy thuộc vào khu vực) đã đạt kỷ lục vào năm ngoái kể từ năm 2005, khi số liệu thống kê được bắt đầu được tổng hợp.
Thông tin trên được TASS tham khảo số liệu của Cơ quan Thống kê quốc gia Italy. Theo đó, vào năm 2020, hơn 5,6 triệu người và hơn 2 triệu gia đình rơi vào tình trạng nghèo đói ở Italy. Hơn 2,6 triệu gia đình sống trong tình trạng nghèo (ít hơn 1001,86 euro cho một gia đình 2 người). Ngoài ra, có 767 nghìn gia đình có con chưa thành niên cũng sống trong tình trạng nghèo đói.
Theo Bloomberg, nợ quốc gia của Italy vào năm 2021 sẽ là mức tối đa trong một thế kỷ và lên tới gần 160% GDP. Thậm chí, nước này sẽ vượt quá chỉ số của năm đầu tiên sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc, khi tỷ lệ nợ công và GDP là 159,5%.
Thâm hụt ngân sách dự kiến sẽ tăng lên 11,8% trong năm nay khi nền kinh tế lớn thứ 3 của châu Âu tìm kiếm các khoản vay bổ sung hàng tỉ euro để giúp bảo vệ công dân và doanh nghiệp khỏi tác động của đại dịch Covid-19.
Trước đó, trong năm 2020, chính phủ các nước châu Âu cũng như Liên minh châu Âu đã chi hàng trăm tỉ euro để cứu các nền kinh tế, trong đó trọng tâm là bảo vệ các doanh nghiệp, tránh tối đa việc sa thải hàng loạt lao động. Tuy nhiên, do tiềm lực kinh tế khác nhau nên sự trợ giúp của mỗi chính phủ khác nhau.
So với nhiều nơi khác trên thế giới, chính phủ các nước châu Âu được đánh giá là đã có nhiều chính sách rất rộng tay để cứu trợ các lao động trong đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, xu hướng nghèo hóa tại châu Âu đã diễn ra trong nhiều năm qua, từ trước khi Covid-19 xuất hiện nên việc các chính phủ tung hàng trăm tỉ euro cũng không thể đảo ngược được xu thế này, đặc biệt khi nguồn lực của các nước gần như đã được huy động hết và sức chịu đựng của nhiều doanh nghiệp đã cạn kiệt, làn sóng phá sản và sa thải nhân công đang diễn ra ở nhiều nơi.
Theo số liệu của Eurostat, cứ 10 người lao động châu Âu thì có 1 người nằm trong diện nguy cơ nghèo đói và phải nhờ đến sự trợ giúp của các ngân hàng lương thực. Làn sóng “nghèo đói mới” được dự đoán có thể bao trùm cả châu Âu nếu đại dịch tiếp tục kéo dài.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận