24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Tiến Hoàng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Vì sao nhiều doanh nghiệp nhỏ sụt giảm doanh số bán hàng trên Facebook?

Những khó khăn do dịch bệnh đang khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ sụt giảm doanh số bán hàng trên facebook. Có tới 76% doanh nghiệp Việt Nam vừa tham gia khảo sát ghi nhận sụt giảm, tỷ lệ này tăng 14% so với giai đoạn đầu năm...

Dựa vào kết quả cuộc khảo sát được thực hiện vào tháng 7- 8/2021 trên 35.000 nhà lãnh đạo doanh nghiệp nhỏ tại 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, Facebook vừa công bố báo cáo về tình hình doanh nghiệp nhỏ.

TỶ LỆ DOANH NGHIỆP SỤT GIẢM DOANH SỐ TIẾP TỤC TĂNG

Theo khảo sát, tình hình hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ tại Việt Nam đã có dấu hiệu khởi sắc so với đầu năm, khi mà có tới 80% doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng Facebook cho biết họ đang duy trì vận hành hoặc có các hoạt động tạo ra doanh thu, tăng nhẹ so với số liệu 78% ghi nhận hồi tháng 2.

Tuy nhiên, so với báo cáo hồi đầu năm, các doanh nghiệp nhỏ tại Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn trong thời điểm hiện tại, đặc biệt do doanh số bán hàng sụt giảm đáng kể. Trong khi chỉ có 17% doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam hoạt động trên Facebook ghi nhận sự tăng trưởng trong doanh số bán hàng so với cùng kỳ năm ngoái, thì có tới 76% ghi nhận doanh số sụt giảm so với khảo sát giai đoạn hồi đầu năm.

Trong báo cáo về tình hình doanh nghiệp nhỏ hồi đầu năm nay, đã có “62% doanh nghiệp vừa và nhỏ đang hoạt động trên Facebook tại Việt Nam cho biết doanh số bán hàng của họ trong tháng qua thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, giai đoạn trước khi xảy ra đại dịch". Con số này trong báo cáo mới nhất được ghi nhận là 76%, tăng 14% so với giai đoạn đầu năm.

Phân tích về những con số trên, Facebook cho rằng, nhu cầu khách hàng sụt giảm vẫn luôn là thách thức chính dẫn đến sự sụt giảm trong doanh số bán hàng của các doanh nghiệp. Có 46% số doanh nghiệp vừa và nhỏ đang hoạt động trên Facebook có thể sẽ phải đối mặt với những thách thức liên quan đến dòng tiền.

Bên cạnh đó, 55% quan ngại về những thách thức liên quan đến nhu cầu khách hàng giảm hoặc thiếu hụt khách hàng trong vài tháng tới, tăng hơn gấp đôi so với con số hồi đầu năm, lần lượt là 19% và 24%.

Thực tế này cũng đã buộc nhiều doanh nghiệp phải đưa ra những quyết định khó khăn. Có tới 53% doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tham gia khảo sát cho biết đã phải cắt giảm nhân sự trong thời kỳ dịch bệnh, tăng 13% so với giai đoạn đầu năm. Bên cạnh đó, chỉ 36% doanh nghiệp tự tin vào khả năng duy trì hoạt động trong ít nhất 12 tháng tới, nếu tình hình hiện tại vẫn tiếp diễn.

Ngoài ra, chia sẻ với VnEconomy về tình trạng này, một chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, một trong những nguyên nhân chính là việc vận chuyển giao hàng ở nhiều vùng không lưu thông trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, phức tạp và giãn cách xã hội.

Ngay cả trong trường hợp có đơn vị giao hàng thì tỷ lệ hàng hoàn trả (khách hàng không nhận vì nhiều lý do) trong thời gian này cũng rất cao. Khi bị hoàn đơn, các chủ doanh nghiệp kinh doanh không chỉ mất chi phí mà còn ảnh hưởng tới chất lượng hàng hóa...

Những lý do này khiến các nhà bán hàng trên facebook không còn “mặn mà” với việc kinh doanh. Thậm chí ngay cả khi có đơn đặt hàng nhưng các đơn vị cũng không dám nhận vì không thể vận chuyển giao hàng. Thực tế có nhiều đơn vị đã đóng cửa shop kinh doanh online.

Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp, nặng nề tới doanh số, doanh thu bán hàng trên Facebook của các đơn vị giảm mạnh, nhất là các mặt hàng thời trang, mỹ phẩm…, dẫn đến lượng hàng tồn rất nhiều. Chưa kể, tỷ trọng các mặt hàng thời trang, mỹ phẩm chiếm khá lớn trong các hàng online.

Đại diện một đơn vị cung cấp giải pháp nền tảng công nghệ hỗ trợ shop bán hàng online thông tin, những tháng 7 và 8 của quý 3/2021 ghi nhận phần lớn các đơn vị kinh doanh trên mạng xã hội sụt giảm doanh thu so với quý 2/2021.

ỨNG DỤNG CÔNG CỤ SỐ, ĐÓN XU HƯỚNG VÀ CƠ HỘI MỚI

Theo đánh giá của một chuyên gia trong lĩnh vực này, trong bối cảnh dịch Covid vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn và do một số yếu tố nhu cầu người dùng, ít nhất từ nay tới cuối năm, thậm chí quý 1 năm sau thì tình hình này mới cải thiện, phục hồi.

Khi dịch được kiểm soát, nhu cầu chi tiêu mua sắm sẽ tăng, việc kinh doanh trên mạng xã hội sẽ tiếp tục trở lại “guồng quay” và thậm chí còn phát triển mạnh hơn.

Về xu hướng bán hàng trên mạng xã hội facebook trong thời gian tới, vị chuyên gia trên cho rằng, hiện nay đang có sự chuyển dịch rất lớn trong xu thế này. Bên cạnh những đơn vị bán hàng nhỏ lẻ trên trang cá nhân, xu hướng bán hàng trên marketplace của Facebook đang khá phát triển.

Marketplace là một hình thức thương mại điện tử, nơi kết nối giữa người mua và người bán. Thông qua các nền tảng kết nối trung gian người bán chỉ cần đăng tải hàng hóa và người mua chỉ cần click chuột là đôi bên sẽ thực hiện được cuộc giao dịch, mua bán của mình. Đây là xu hướng kinh doanh của nhiều doanh nghiệp và dự báo sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới, chuyên gia này nói.

Khi các hoạt động bán hàng, tiếp thị trực tiếp gặp khó do các biện pháp giãn cách xã hội, việc chuyển đổi sang mô hình trực tuyến trở thành xu thế tất yếu và đã giúp rất nhiều doanh nghiệp nhỏ gặt hái thành công.

Ở quy mô toàn cầu, Facebook cho biết, việc áp dụng các công cụ kỹ thuật số tăng lên trong thời kỳ đại dịch khi có tới 88% tổng số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết họ đã sử dụng các công cụ số vào hoạt động kinh doanh, tăng 7% so với đầu năm. Trong đó, hơn một nửa các doanh nghiệp vừa và nhỏ cho biết họ sẽ tăng cường ứng dụng các công cụ kỹ thuật số vào trong hoạt động kinh doanh lâu dài. Đối với các doanh nghiệp, số hóa là cách để họ duy trì ổn định hoạt động kinh doanh, cũng như mở ra những cơ hội mới.

Tại Việt Nam, 46% doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết doanh số từ bán hàng online trong thời gian qua chiếm ít nhất 25% tổng doanh thu. Doanh nghiệp vừa và nhỏ là động lực chính để thúc đẩy sự phục hồi và phát triển kinh tế, đặc biệt tại Việt Nam.

Theo thống kê, hiện có hơn 200 triệu doanh nghiệp trên toàn thế giới sử dụng các ứng dụng của Facebook mỗi tháng để tiếp cận khách hàng. Cùng đó có hàng triệu doanh nghiệp sử dụng các công cụ của mạng xã hội lớn nhất thế giới này để thực hiện chuyển đổi trực tuyến từ khi bắt đầu đại dịch.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả