Vì sao nhà thầu liên quan vụ án cao tốc 34.000 tỷ được tham gia cao tốc Bắc – Nam?
Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, những nhà thầu liên quan tới cao tốc Đà Nẵng Quảng Ngãi mà chưa có người bị khởi tố, thì Bộ GTVT vẫn có thông tin từ cơ quan chức năng để xem xét, đánh giá năng lực tham gia dự án cao tốc Bắc - Nam.
Vụ án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi 34.000 tỷ đồng do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam làm chủ đầu tư vẫn đang trong quá trình điều tra. Tuy nhiên, việc một số nhà thầu liên quan tới dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vẫn được tham gia dự án cao tốc Bắc – Nam đang được dư luận quan tâm.
Dự án cao tốc Bắc - Nam với chiều dài 654 km, có 11 dự án thành phần. Trong đó, 3 dự án đầu tư công và 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP). Hiện, các dự án cơ bản hoàn thành phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán. Các địa phương cũng cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.
Ngày, 30/9, Bộ GTVT sẽ chính thức khởi công 3 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam chuyển đổi sang đầu tư công gồm: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Phan Thiết - Dầu Giây và Vĩnh Hảo - Phan Thiết.
Đáng chú ý, dự án này cũng đang xuất hiện một số thông tin về việc những nhà thầu từng thi công cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi 34.000 tỷ đồng gây bức xúc dư luận trong những năm qua về chất lượng kém vẫn được tham gia dự án cao tốc Bắc – Nam.
Đến nay, vụ án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã được Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án và khởi tố nhiều bị can, lệnh khám xét và áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với hàng chục bị can về tội 'vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng', quy định tại điều 224 Bộ luật hình sự năm 2015.
Vụ án này, vẫn đang trong quá trình được Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an mở rộng để điều tra làm rõ sai phạm của các đối tượng có liên quan. Như vậy, việc những nhà thầu liên quan tới cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vẫn được tham gia dự án cao tốc Bắc – Nam có đảm bảo tính minh bạch, đảm bảo chất lượng, tiến độ dự án hay không, vẫn đang là dấu hỏi (?) được nhiều người đặt ra.
Thông tin về việc này, ông Nguyễn Duy Lâm, (Cục trưởng Cục QLXD&CLCTGT - Bộ GTVT) cho biết: "Trong quá trình xây dựng hồ sơ mời thầu, chúng tôi đã phối hợp với các cơ quan có liên quan của Bộ Công an, Bộ KH&ĐT để đưa ra các điều kiện trong hồ sơ mời thầu đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật.
"Đối với các nhà thầu từng tham gia vào dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đang bị cơ quan có thẩm quyền kết luận các gói thầu có vi phạm về chất lượng và đã bị khởi tố thì không được đưa những gói thầu đó làm công trình tương tự để tham gia các gói thầu của 3 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam sắp khởi công", ông Lâm cho hay.
Trả lời câu hỏi của PV Dân Việt, về việc trong trường hợp những nhà thầu liên quan tới cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đang tham gia thực hiện dự án cao tốc Bắc – Nam mà bị khởi tố Bộ GTVT sẽ có phương án thay thế ra sao? Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết: "Trên cơ sở của các cơ quan năng gồm có việc khởi tố các nhà thầu thi công cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi thì nhà thầu đó sẽ không được xem xét năng lực".
Về kinh nghiệm của nhà thầu đối với dự án, "Ví dụ: Nhà thầu lấy hồ sơ, hợp đồng của dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi làm cơ sở thể hiện năng lực kinh nghiệm để tham gia dự án cao tốc Bắc – Nam thì sẽ không được xem xét hồ sơ này. Nhưng nếu, nhà thầu lấy hồ sơ năng lực kinh nghiệp từ dự án khác thì vẫn được xem xét", Thứ trưởng Đông lấy ví dụ.
Thứ trưởng Đông cho hay: "Những nhà thầu liên quan tới cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi mà chưa có người bị khởi tố, thì Bộ GTVT vẫn có thông tin từ cơ quan chức năng để xem xét, đánh giá năng lực tham gia dự án cao tốc Bắc - Nam. Những nhà thầu này khi tham gia dự án cao tốc Bắc - Nam sẽ không được thi công những gói thầu tương tự như đã tham gia ở cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi".
Trong trường hợp nếu, nhà thầu đang tham gia cao tốc Bắc – Nam mà bị khởi tố liên quan tới cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, về giải pháp xử lý vấn đề này, Thứ trưởng Đông khẳng định: "Công tác đấu thầu dự án đã rất công khai minh bạch, nếu các hồ sơ, nhà thầu được đánh giá không đạt thì chúng ta lại phải tổ chức đấu thầu lại.
Trước đó, Bộ Trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cũng đã có văn bản đề nghị Bộ Công an phối hợp giám sát trong quá trình thực hiện các dự án thành phần một số đoạn trên tuyến cao tốc Bắc - Nam sắp triển khai.
Thứ trưởng Đông giải thích: "Không phải gọi là giám sát mà là sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan với nhau. Đây không phải là lần đầu tiên Bộ GTVT gửi văn bản đề nghị Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước cùng tham gia phối hợp, bởi trước đây làm dự án nâng cấp, mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, việc này đã được thực hiện.
Mỗi cơ quan có một chức năng riêng và khi các bên có sự hỗ trợ, phối hợp, chia sẻ thông tin với nhau sẽ rất hữu hiệu trong quá trình triển khai dự án đảm bảo quy định của pháp luật, giúp dự án hiệu quả, chất lượng.
Trong văn bản gửi tới Bộ Công an, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, thực hiện các quyết định của Quốc hội và Chính phủ, để đảm bảo quá trình hoàn thành các dự án vào cuối năm 2022, Bộ GTVT đang phối hợp với các địa phương tự động triển khai thực hiện GPMB trên 11 dự án thành phần.
Để đảm bảo việc triển khai dự án cao tốc Bắc – Nam tuân thủ các quy định của pháp luật và thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Các dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phải là dự án mẫu mực, phòng chống tham nhũng, bảo đảm chất lượng, tiến độ.
"Bộ GTVT đề nghị Bộ Công an chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp và hỗ trợ Bộ GTVT trong quá trình triển khai thực hiện dự án, từ công tác GPMB, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu và trong suốt quá trình thi công. Bộ GTVT sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Bộ Công an trong quá trình thực hiện", văn bản do Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể ký nêu rõ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận