Vì sao Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris?
Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã chính thức thông báo tới Liên hợp quốc rằng Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Sau hai năm kể từ khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, ngày 4/11, Washington thông báo khởi động quá trình rút khỏi Hiệp định được đàm phán dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama. Theo đó, Mỹ sẽ hoàn tất quá trình rút khỏi Hiệp định Paris trước ngày 4/11/2020.
Mỹ, nước phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới về lịch sử, sẽ trở thành quốc gia duy nhất đứng ngoài Hiệp định. Với quyết định này, Tổng thống Trump hứa sẽ thúc đẩy các ngành công nghiệp dầu khí và than của Mỹ.
Kể từ khi nhậm chức, ông Trump với tôn chỉ “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” và chính sách “Nước Mỹ trên hết” đã gạch bỏ đi khá nhiều di sản của người tiền nhiệm Obama, từ môi trường đến tự do thương mại và Hiệp định Paris là một trong số đó. Trước đây, chính quyền Obama đã đưa Mỹ tham gia vào hiệp ước hồi năm 2015, hứa hẹn đến năm 2030 sẽ cắt giảm 26-28% lượng khí thải nhà kính của Mỹ so với mức năm 2005.
Hiệp định Paris là gì?
Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu là cam kết toàn cầu đầu tiên về khí hậu, được đàm phán trong Hội nghị lần thứ 21 của các Bên của Công ước Khung của LHQ về biến đổi khí hậu ở Paris (COP21). Hiệp định được 197 quốc gia ký kết ngày 12/12/2015, 185 nước thông qua và chính thức có hiệu lực ngày 4/11/2016.
Về cơ bản, các quốc gia ký kết Hiệp định đều nhất trí cắt giảm lượng khí CO2 và khí thải khác từ đốt nhiên liệu hóa thạch, nhằm kiềm chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu. Theo đó, các quốc gia thành viên COP21 đã nhất trí hạn chế mức tăng nhiệt độ Trái Đất không quá 2 độ C so với thời kỳ tiền Cách mạng công nghiệp và cố gắng đưa con số này về mức 1,5 độ C. Nếu không, các nhà khoa học cảnh báo, Trái Đất sẽ tiến đến ngưỡng thảm họa mà không thể xoay chuyển được. Để đạt mục tiêu này, các nhà khoa học khuyến cáo, thế giới cần cắt giảm đến một nửa lượng khí thải carbon vào năm 2030.
Ngoài ra, thỏa thuận này cũng đặt ra mục tiêu các nước phát triển đóng góp ngân quỹ tối thiểu 100 tỷ USD mỗi năm để giúp các nước đang phát triển chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang các dạng năng lượng tái sinh ít phải thải hơn, cũng như tăng cường khả năng ứng phó với thảm họa thiên nhiên do biến đổi khí hậu gây ra, như hạn hán hay lũ lụt.
Cái lý của Mỹ…
Tổng thống Trump được coi là một người hoài nghi về biến đổi khí hậu, từng bác bỏ quan điểm cho rằng khí nhà kính do con người gây ra khiến Trái Đất ấm lên nhanh chóng và kích hoạt các hiện tượng thời tiết cực đoan. Ông thậm chí bác bỏ cả nỗ lực quốc tế nhằm giảm thiểu khí nhà kính, gọi đây là trò lừa bịp do Trung Quốc tạo ra nhằm làm tê liệt ngành công nghiệp Mỹ.
Hồi năm 2017, phát biểu tại một buổi lễ ở Vườn Hồng của Nhà Trắng, nhà lãnh đạo Mỹ chỉ trích Hiệp định Paris là gánh nặng về tài chính và kinh tế, khiến nhiều người mất việc làm, gây xói mòn chủ quyền quốc gia và đặt Washington vào thế bất lợi so với các nước khác, nhất là trong ngành công nghiệp than đá. Ông còn khẳng định quyết định rút khỏi Hiệp định này “tượng trưng cho sự tái khẳng định chủ quyền Mỹ”.
Đối với Tổng thống Trump, dường như Hiệp định Paris chẳng khác gì ngoài cam kết ép Mỹ phải chi thêm 100 tỷ USD viện trợ nước ngoài cho phần còn lại của thế giới, chống phá và làm suy yếu nến kinh tế của nước này.
Trong khi đó, Mỹ luôn tự tin rằng mình là quốc gia đi đầu trong việc chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Ngày 4/11, Ngoại trưởng Mike Pompeo đăng lên Twitter rằng “Mỹ tự hào về thành tích đứng đầu thế giới trong việc cắt giảm tất cả các loại khí thải, nuôi dưỡng khả năng bền bỉ, tăng trưởng kinh tế và đảm bảo năng lượng cho công dân của chúng ta”.
Ông Pompeo cũng khẳng định rằng Mỹ có cách tiếp cận thực tế khi sử dụng hỗn hợp tất cả các loại năng lượng một cách sạch sẽ và hiệu quả nhất, trong đó có cả nhiên liệu hóa thạch, năng lượng hạt nhân và năng lượng tái tạo.
… và thực tế đáng lo ngại
Hiệp định Paris được coi là một cam kết đòi hỏi các quốc gia thành viên phải đưa ra những hành động thiết thực và có những con số tích cực vì sự sống còn của Trái đất. Tuy nhiên, các nước ký kết đang đối mặt với bài toán khó để thực hiện cam kết đưa ra mà vốn là “vấn đề lương tâm” hơn là pháp lý.
Theo báo cáo của UEF, EU, chiếm 9% lượng phát thải là “có hành động quyết liệt đối phó với biến đổi khí hậu”. EU dự kiến sẽ cắt giảm đến 58% lượng phát thải của họ cho đến năm 2030 so với mức năm 1990 mặc dù cam kết đưa ra trong Thỏa thuận Paris chỉ là “cắt ít nhất 40%”. |
Đầu tháng 11 vừa qua, tổ chức Quỹ Sinh thái Toàn cầu (UEF) đã công bố báo cáo Sự thật đằng sau các cam kết khí hậu cho thấy phần lớn quốc gia tham gia Hiệp định Paris đều không thực hiện cắt giảm khí thải đúng như cam kết.
Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng có gần ba phần tư quốc gia cam kết trong Hiệp định Paris “không đủ để làm chậm lại biến đổi khí hậu” và “một số nước phát thải lớn nhất vẫn sẽ tiếp tục phát thải”. Trong đó, hơn nửa lượng khí thải nhà kính xuất phát từ Trung Quốc (26,8%), Mỹ (13,1%), Ấn Độ (7%) và Nga (4,6%).
Mặc dù Ấn Độ và Trung Quốc đều đưa ra cam kết giảm cường độ phát thải carbon trên mỗi đơn vị GDP cho đến năm 2030 và khẳng định có thể thực hiện được cam kết này. Thế nhưng, lượng khí carbon của cả hai nước đều tiếp tục tăng trong 10 năm tới do nhu cầu phát triển kinh tế. Ấn Độ trong kỳ họp COP 21 (2015) ký Hiệp định Paris nhưng lưu ý thế giới về tình trạng của đất nước họ, bao gồm khả năng tài chính, quy mô dân số và nhu cầu phát triển thì tại một quốc gia mà hàng trăm triệu người vẫn chưa có điện nước thì chống biến đổi khí hậu là vấn đề xa xỉ.
Còn cam kết của tất cả các nước còn lại, vốn chiếm 32,5% lượng phát thải toàn cầu thì lại cần có sự hỗ trợ kỹ thuật và ngân quỹ 100 tỷ USD hàng năm từ các nước phát triển, trong khi Mỹ và Australia đều đã ngưng đóng góp cho quỹ này. Mức độ cắt giảm phát thải mà các nước khác nhau cam kết không giống nhau do “các nước không có trách nhiệm như nhau về biến đổi khí hậu” xét trên quá trình phát thải tích lũy trong lịch sử, tỷ lệ phát thải trên đầu người và nhu cầu phát triển.
Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu vô cùng phức tạp, đòi hỏi từ ngân sách cho đến công nghệ, điều kiện kinh tế-xã hội và nhu cầu phát triển. Do đó, chỉ có quốc gia đã phát triển như Mỹ và EU có thể giải quyết từng phần chứ những quốc gia đang phát triển khó lòng mà tự giải quyết được.
Sự rút lui của Mỹ có thể xem như một “bước lùi” đối với chính Washington bởi nước này từng giữ vai trò đầu tàu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Bước đi của Mỹ khiến cho toàn bộ thế giới lúng túng, khi giải pháp bảo vệ Trái Đất không có sự hậu thuẫn của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Hơn bao giờ hết, vấn đề cấp thiết đặt ra là các quốc gia trên thế giới cần thể hiện hơn nữa vai trò trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu để có thể đảm bảo cho tương lai vốn đang bấp bênh của Hiệp định Paris.
Dù có muốn, nhưng Mỹ không được phép rút ra khỏi Hiệp định Paris ngay lập tức. Theo các điều khoản của Hiệp định, tiến trình rút khỏi thỏa thuận toàn cầu này sẽ kéo dài một năm. Điều này đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ không còn là thành viên của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu vào ngày 4/11/2020 - một ngày sau ngày bầu cử Tổng thống. Đến khi đó, người ta mới biết chắc chắn được liệu Mỹ có tiếp tục cam kết chung với thế giới để chống lại biến đổi khí hậu hay không. Bởi ngược lại với việc rút ra, quá trình xin gia nhập lại Hiệp định chỉ diễn ra trong vòng 30 ngày với hai bức thư, một gửi tới Tổng Thư ký LHQ và một để thông báo tới Hiệp định, biến ngày 19/2/2021 là ngày sớm nhất mà Mỹ có thể trở lại làm một thành viên của Hiệp định. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận