Vì sao miền Bắc ngập lụt lịch sử?
Năm ngày sau bão Yagi, miền Bắc chìm trong cảnh tượng hoang tàn chưa từng thấy. Nhiều tỉnh thành bị nhấn chìm trong biển nước, giao thông cắt đứt trong khi mực nước nhiều sông lớn vượt ngưỡng lịch sử.
"Đây là đợt mưa lũ hiếm gặp ở miền Bắc", ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn (KTTV) Quốc gia, nói.
Sau bão Yagi, lượng mưa lớn đẩy mực nước nhiều sông ở Bắc Bộ như sông Hồng, Thái Bình, sông Thao, sông Lô... vượt báo động 3 (BĐ3) - mức lũ nguy hiểm nhất - từ 3 đến 4 m. Đặc biệt, mực nước sông Thao tại Lào Cai và Yên Bái đã vượt giá trị lịch sử.
Các con sông thuộc lưu vực sông Hồng, Thái Bình - hệ thống sông lớn nhất miền Bắc - vốn thường xuyên ngập lụt do lũ, nhưng hiếm khi xảy ra quy mô rộng lớn với nhiều mức vượt ngưỡng như hiện nay. 20/25 tỉnh, thành phía Bắc "chìm trong biển nước".
Lưu vực sông Hồng - Thái Bình (bắt nguồn từ Trung Quốc) là hệ thống sông lớn nhất miền Bắc, với 16 tuyến sông chính. Nguồn: Đồ hoạ theo bản đồ trong Quy hoạch PCTT và thuỷ lợi 2021-2030 của Bộ NNPTNT.
Dữ liệu trên các trạm quan trắc cho thấy, mực nước sông lên rất nhanh và liên tục tăng cấp báo động từ ngày 7/9, khi bão Yagi đổ bộ. Trạm Lào Cai ở thượng nguồn sông Thao ghi nhận mức tăng cao nhất. Đây cũng là tỉnh thiệt hại nặng nề nhất sau bão với 82 người chết và 95 người mất tích tính đến nay.
Chỉ hai ngày sau bão, lũ sông Thao vượt đỉnh lịch sử tồn tại 53 năm, sông Cầu vượt kỷ lục 65 năm. Tại Hà Nội, mực nước sông cũng ghi nhận mực nước cao nhất 20 năm.
Lũ lụt lịch sử lần này chủ yếu do đợt mưa lớn nhất Bắc Bộ hơn 30 năm, cả về lưu lượng lẫn diện tích.
Yagi được xem là cơn bão dị thường, chưa từng có trong lịch sử, đã tạo ra lượng nước khổng lồ trút xuống vùng núi phía Bắc.
Theo ông Khiêm, đợt mưa năm nay phổ biến 150-300 mm, vượt qua giai đoạn mưa lịch sử sau bão số 6 năm 2008.
Tại 83/84 trạm đo, lượng mưa cao hơn 4-6 lần so với trung bình nhiều năm trong 10 ngày đầu tháng 9. Ví dụ, trạm Sa Pa (Lào Cai) ghi nhận 517 mm, cao hơn 440%; Lục Yên (Yên Bái) 503 mm, cao hơn 461%; Định Hóa (Thái Nguyên) 545 mm, cao hơn 677%; Sơn Động (Bắc Giang) 386 mm, cao hơn 488% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
"Điều này cho thấy mức độ bất thường và nghiêm trọng của đợt mưa lũ này. Đây là dấu hiệu cảnh báo biến đổi khí hậu và yêu cầu biện pháp ứng phó khẩn cấp để đảm bảo an toàn cho người dân, giảm thiểu thiệt hại", ông Khiêm nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận