menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hải Long

Vì sao không buộc Công ty Nhật Cường trả lại 19 tỷ đồng?

Có ý kiến cho rằng, Công ty Đông Kinh bỏ nhân lực, thiết bị, phần mềm để thực hiện gói thầu, tại sao VKS không đề nghị buộc Công ty Nhật Cường liên đới bồi thường?

Chiều 30/12, đại diện VKS đưa ra quan điểm đối đáp với ý kiến các luật sư trong vụ án can thiệp gói thầu số hóa xảy ra tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội.

Trước đó, tại phần luận tội, VKS xác định, hành vi can thiệp thầu của các bị cáo đã khiến nhà nước thiệt hại hơn 26 tỷ đồng. VKS đề nghị tòa buộc Công ty Đông Kinh phải bồi thường 6,6 tỷ đồng. Các bị cáo còn lại thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư và doanh nghiệp phải liên đới bồi thường số tiền còn lại. Đồng thời, giành quyền khởi kiện cho các bị cáo đối với Bùi Quang Huy (cựu Giám đốc Công ty Nhật Cường - hiện đang bỏ trốn) trong vụ án dân sự khác.

Có ý kiến luật sư cho rằng, Công ty Đông Kinh bỏ nhân lực, thiết bị, phần mềm để thực hiện gói thầu, tại sao lại không buộc Công ty Nhật Cường liên đới bồi thường? Ý kiến khác cho rằng, Công ty Nhật Cường đang tồn tại, chưa làm thủ tục giải thể, phá sản, chỉ là không có mặt đại diện theo pháp luật.

Đối đáp ý kiến trên, đại diện VKS cho hay, rất mong luật sư thông tin Công ty Nhật Cường đang ở đâu, ai là người đại diện theo pháp luật, hoạt động như nào, vui lòng cung cấp cho cơ quan tố tụng.

“Đây là vụ án thứ 2 liên quan đến Nhật Cường, người đại diện theo pháp luật bỏ trốn, phó tổng giám đốc, giám đốc tài chính… đang bị giam giữ. Công ty bỏ địa chỉ kinh doanh, không còn hoạt động nữa, xác minh không còn tài sản gì. Vậy thì trong vụ án đồng phạm, các bị cáo phải liên đới trách nhiệm.

Tại sao buộc các bị cáo phải bồi thường và giành quyền khởi kiện với Bùi Quang Huy bởi lẽ đây là quan hệ dân sự bồi hoàn lại, không phải khởi tố Bùi Quang Huy các bị cáo mới có quyền yêu cầu bồi thường?”, đại diện VKS giải thích.

Cũng theo vị đại diện VKS, để đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhà nước, việc buộc các bị cáo phải bồi thường là có căn cứ đúng pháp luật. Các bị cáo đã nộp tiền bồi thường như bị cáo Võ Việt Hùng (cựu giám đốc Công ty Đông Kinh) nộp 2,1 tỷ đồng; Lê Duy Tuấn (cựu giám đốc kinh doanh Công ty Đông Kinh) nộp 300 triệu đồng…

Theo VKS, vụ án xuất phát vào sáng 16/5/2016 từ sau 3 cuộc điện thoại chỉ đạo của bị cáo Nguyễn Đức Chung - cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội gọi cho bị cáo Nguyễn Văn Tứ - cựu giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nội yêu cầu dừng gói thầu số hóa năm 2016.

“Đây là vụ án đồng phạm, là chuỗi hành vi vi phạm quy định pháp luật về đấu thầu, từ việc bị cáo Tứ tiếp nhận thông tin chỉ đạo của bị cáo Chung, giao cho bị cáo Nguyễn Tiến Học (cựu phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư) và tổ chuyên gia thực hiện hoạt động ban hành văn bản tạm dừng thầu.

Ngay tại buổi xét hỏi đầu tiên, bị cáo Tứ thừa nhận ngay hành vi này là vi phạm nhưng luật sư bào chữa cho bị cáo Tứ đưa ra quan điểm, luận cứ kết luận bị cáo Tứ không vi phạm, không gây thiệt hại. Quan điểm này trái ngược nhận thức của bị cáo Tứ…

Vậy hành vi lựa chọn dừng thầu, bị cáo Học, Tuyến và Hường cũng thừa nhận là vi phạm, bởi lẽ rất rõ ràng chỉ có 5’ gói thầu thầu được mở, nhưng ngay sau đó ra quyết định dừng thầu đột ngột, rõ ràng là không minh bạch”, VKS lập luận.

Theo VKS, gói thầu được thực hiện từ việc thông thầu, có hoạt động của quân xanh, quân đỏ, vậy có đảm bảo công bằng không? Theo luật có phải hủy kết quả đấu thầu không? Cơ quan chuyên môn là Bộ Kế hoạch và Đầu tư có quan điểm rõ ràng, có đủ căn cứ để hủy. Sau khi trúng thầu, nhà thầu có vi phạm không? Bị cáo Võ Tiến Hùng, Lê Duy Tuấn thừa nhận Nhật Cường giao thẳng hợp đồng cho Công ty Đông Kinh. Trong luật ghi rõ nếu bán thầu 100% là vi phạm.

Mặt khác, mục đích của gói thầu là Sở Kế hoạch và Đầu tư phải nhận được sản phẩm "tròn trịa", phát huy được hiệu quả. Gói thầu gồm 2 phần là số hóa và đẩy tài liệu lên hệ thống dữ liệu quốc gia. Hiệu quả dự án không đạt được do việc đính số liệu vẫn chưa hoàn thành.

“Cơ quan điều tra phối hợp với cán bộ kế toán của 2 doanh nghiệp, đã tính đúng, tính đủ và xác định thiệt hại là hơn 26,5 tỷ đồng”, VKS khẳng định.

Trong vụ án này, ngay sau khi trúng 2 gói thầu dự án số hóa năm 2016, 2017, Công ty Nhật Cường đã chuyển nhượng hợp đồng cho Công ty Đông Kinh. Sau phi vụ này, Công ty Nhật Cường hưởng lợi 19 tỷ đồng.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại