Vì sao khối ngoại liên tục bán ròng?
Khối ngoại bán ròng 10 phiên liên tục, với giá trị 8.300 tỷ đồng từ đầu tháng 8, so với việc mua ròng gần 5.000 tỷ đồng trong tháng 7.
Chốt phiên giao dịch 23/8, VN-Index đạt 1.298,66 điểm, giảm 2,3% (tương đương 30,57 điểm). Điều này đồng nghĩa thành quả 1 tháng tăng điểm của chỉ số chính đã không còn chỉ sau 2 phiên giao dịch (phiên 20/8 mất 45 điểm). Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 cũng giảm 2,65% (giảm 38,45 điểm) – mức giảm lớn hơn cả VN-Index.
Một trong những điểm nhấn của phiên giao dịch hôm nay là việc khối ngoại mạnh tay bán ròng hơn 11,7 triệu đơn vị, tương đương tổng giá trị giao dịch 381,67 tỷ đồng trên HOSE. Trong đó, họ tập trung bán ròng FUEVFVND (-227 tỷ đồng), HPG (-85,2 tỷ đồng), MSN (-78,6 tỷ đồng), NVL (-53,1 tỷ đồng), VIC (-48,3 tỷ đồng)...Ở chiều ngược lại, họ mua ròng VHM (+74,6 tỷ đồng), SSI (+68,2 tỷ đồng), CTG (+59,7 tỷ đồng), NLG (+26,8 tỷ đồng), VNM (+23,3 tỷ đồng)...
Như vậy, khối ngoại đã bán ròng trong 10 phiên giao dịch liên tiếp (từ ngày 10/8 - 23/8) với tổng giá trị hơn 8.300 tỷ đồng. Động thái này của khối ngoại có phần bất ngờ với giới đầu tư, bởi trước đó trong tháng 7/2021, NĐTNN đã mua ròng 4.941 tỷ đồng – điều khiến nhiều người tin rằng có thể dòng vốn này đã đảo chiều sau nhiều tháng bán ròng miệt mài.
Dù vậy, nhìn vào thống kê từ đầu năm đến nay, có thể thấy rằng TTCK Việt Nam vẫn nằm trong xu hướng bị bán ròng.
Lực bán ròng của khối ngoại thời gian gần đây có sự đóng góp không nhỏ của quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF (Đài Loan). Số liệu cho thấy trong 2 tuần giao dịch đầu tiên của tháng 8/2021, nhóm này đã rút ròng gần 1.000 tỷ đồng. Ông Huỳnh Minh Tuấn - Giám đốc môi giới hội sở của Mirae Asset Việt Nam nhận định, có thể Fubon FTSE Vietnam ETF đang bị các cổ đông tại Đài Loan yêu cầu rút vốn và do đó họ buộc phải bán chứng khoán cơ sở tại Việt Nam để hoàn trả.
Ông cũng cho rằng, dòng vốn rút ra khỏi ETF này sẽ chững lại và sẽ tăng trở lại khi hoạt động cơ cấu danh mục của nhóm cổ đông hoàn tất.
Nhóm NĐTNN thứ 2 rút vốn mạnh khỏi TTCK Việt Nam từ các quỹ Hàn Quốc. Ông Tuấn đánh giá, nhóm quỹ này đã rút vốn ròng rã 1 năm qua với quy mô khá lớn và có lẽ là dòng vốn rút chủ đạo của nước ngoài tại Việt Nam.
Để lý giải điều này, ông cho rằng cần nhìn lại trạng thái TTCK Hàn Quốc, đồng tiền Won và bối cảnh vĩ mô của nước này. Cụ thể, GDP quý II/2021 của Hàn Quốc chỉ tăng 0.7% - mức rất thấp, cho thấy bối cảnh tăng trưởng kinh tế của Hàn đang yếu, đi kèm với đó là đồng Won liên tục mất giá mạnh so với USD. Đây chính là 2 yếu tố trọng yếu khiến dòng vốn này đảo nghịch tại Việt Nam để rút về chính quốc với nhiều động cơ, trong đó mục đích cơ cấu danh mục là trọng yếu nhất.
Ngoài ra, tỷ giá USD/Won tiếp tục tăng mạnh gần 8% kể từ tháng 6 tới đây đã làm cho VND tăng gần 10% so với đồng Won theo tính chất bắc cầu. Từ đó, cho thấy dòng vốn Hàn có thêm động cơ tận dụng mức chênh tỷ giá này (bán tại Việt Nam và quy đổi ra USD rồi tới Won) sẽ mang lại mức lợi từ 8-10% cho nhóm quỹ này.
Một nguyên nhân khác dẫn đến trạng thái bán ròng của NĐTNN là do một số cổ phiếu thực hiện tăng vốn nhưng không nằm trong kế hoạch của các quỹ. Ở trường hợp này, các quỹ đang nắm giữ những cổ phiếu này sẽ buộc phải bán ra để tránh phải thực hiện quyền.
Ông Tuấn cũng cho biết đà rút ròng của khối ngoại có thể chững lại khi họ giải quyết xong những vấn đề và mục tiêu cơ cấu. Vì vậy, nhà đầu tư nên tập làm quen với xu thế này và có chiến lược đầu tư phân bổ danh mục sao cho hợp lý.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận