Vì sao IMF cho rằng kinh tế Việt Nam sẽ “hạ cánh mềm” trong năm 2019?
IMF dự báo kinh tế Việt Nam sẽ “hạ cánh mềm” trong năm 2019 và trong trung hạn do chịu nhiều tác động từ bên ngoài, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2019 ước đạt 6,5%.
Theo nhận xét của IMF trong báo cáo công bố ngày 16/7/2019, căng thẳng thương mại và biến động của ngành tài chính tác động chung đến các nền kinh tế mới nổi trong năm 2018 và Việt Nam không phải ngoại lệ. IMF cũng cho rằng có thể thấy rõ tác động cả ở việc thị trường chứng khoán điều chỉnh.
Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại vẫn diễn biến ổn định, tăng trưởng năm 2018 đạt mức 7,1%, cao nhất trong 10 năm.
Kinh tế Việt Nam tăng trưởng đồng đều trong tất cả các ngành, nền kinh tế được hỗ trợ bởi việc thu nhập người dân cải thiện và tiêu dùng tăng trưởng tốt, tầng lớp trung lưu thành thị ngày một phình to, nông nghiệp phát triển và ngành sản xuất tăng trưởng mạnh. Lạm phát tại Việt Nam năm 2018 trung bình ở mức 3,5%.
Động lực tăng trưởng mạnh của nền kinh tế dự kiến sẽ vẫn tiếp tục trong năm 2019, được hỗ trợ bởi chi phí lao động cạnh tranh và nhiều yếu tố căn bản khác trong đó phải kể đến cấu trúc thương mại đa dạng, nhiều hiệp định thương mại mới được ký kết giúp đẩy nhanh quá trình cải tổ.
IMF dự báo kinh tế Việt Nam sẽ “hạ cánh mềm” trong năm 2019 và trong trung hạn do chịu nhiều tác động từ bên ngoài, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2019 ước đạt 6,5%. Lạm phát nhiều khả năng sẽ tăng nhẹ trong năm 2019 do tác động từ một số loại giá cả được điều chỉnh tăng, thế nhưng vẫn dưới mức 4% theo mục tiêu đề ra của chính phủ.
Chính sách kinh tế vĩ mô của Việt Nam cũng được thắt chặt trong những năm gần đây. Thâm hụt ngân sách giảm cũng với một số biện pháp hạn chế mới từ chính phủ kết hợp với việc kinh tế tăng trưởng tốt trong năm 2016 – 2018 đã giúp cho nợ công giảm xuống mức tương đương 55,5% GDP ở thời điểm cuối năm 2018, thấp hơn so với mức 60% ở thời điểm cuối năm 2016.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) vẫn tiếp tục giảm bớt tăng trưởng tín dụng, tuy nhiên thanh khoản vẫn dồi dào trong năm 2018 nhờ vào nguồn tiền từ bên ngoài cũng như thị trường vốn tăng trưởng tốt. SBV đang hướng dẫn các ngân hàng thực thi đúng chuẩn Basel II vào năm 2020 và lên kế hoạch tái cấp vốn một số ngân hàng thương mại nhà nước.
Các biện pháp cải tổ vẫn đang tiếp tục được thực thi trên nhiều phương diện: hệ thống tiền tệ và tài khóa được dần hiện đại hóa, nhà nước tiếp tục bán cổ phần tại một số doanh nghiệp nhà nước lớn. Cuộc chiến chống tham nhũng mang đến nhiều kết quả tích cực.
Thế nhưng IMF cho rằng Việt Nam vẫn cần cải tổ mạnh hơn nữa để mang đến sân chơi công bằng cho đầu tư tư nhân cũng như làm giảm rào cản hành chính, rào cản thương mại.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận