Vì sao giá USD thế giới liên tục tăng cao?
Chính sách lãi suất của Mỹ và xung đột tại Trung Đông khiến USD liên tiếp lập đỉnh so với các tiền tệ khác trên toàn cầu.
Từ đầu năm, giá đôla Mỹ liên tục đi lên. Dollar Index - chỉ số đo sức mạnh của đồng bạc xanh với rổ tiền tệ lớn trên thế giới - hiện quanh 106 điểm, sát mức đỉnh 5 tháng xác lập hôm 16/4.
Tuần trước, Dollar Index tăng 1,7% - mạnh nhất kể từ tháng 9/2022. Năm nay, chỉ số này đã tăng 5%.
Hôm 16/4, yen có thời điểm xuống thấp nhất 34 năm so với USD. Từ đầu năm, yen đã mất giá gần 9% , hiện về 154,6 JPY một USD.
USD tuần này cũng lên đỉnh 5 tháng so với euro. Hiện tại, mỗi euro đổi được 1,06 đôla Mỹ.
Số liệu của Bloomberg cũng cho thấy gần như toàn bộ 23 tiền tệ các nước mới nổi đều mất giá so với đồng bạc xanh năm nay. Giá rupee Ấn Độ xuống thấp kỷ lục. Giá ringgit Malaysia cũng tiến sát mức thấp nhất kể từ khủng hoảng tài chính châu Á 1998.
Diễn biến Dollar Index trong một năm qua. Đồ thị: Market Watch
Lạm phát Mỹ vài tháng qua tăng tốc trở lại. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 công bố tuần trước cho thấy giá cả tại đây tăng 3,5%, gần gấp đôi mục tiêu của Fed.
Ngay sau khi số liệu này phát ra, nhà đầu tư đặt cược Fed sẽ chỉ giảm lãi suất 50 điểm cơ bản (0,5%) năm nay. Trong khi đó, đầu năm nay, họ cho rằng Fed sẽ giảm tới 150 điểm cơ bản.
Ngược lại, nhà đầu tư cũng tin rằng các ngân hàng trung ương lớn khác, như châu Âu, Canada và Thụy Điển, sẽ dễ dàng nới lỏng chính sách tiền tệ hơn. Quan điểm này thay đổi so với vài tháng trước, khi nhiều người cho rằng Fed sẽ là cơ quan đầu tiên giảm lãi.
"Chúng ta từng tin chắc rằng Fed sẽ hành động đầu tiên. Nhưng các số liệu gần đây đang làm xói mòn niềm tin đó. Tôi nhận thấy USD có triển vọng tăng giá rõ ràng", Eric Leve - Giám đốc Đầu tư tại công ty quản lý tài sản Bailard nhận định.
Chênh lệch lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 2 năm của Mỹ và Đức cuối tuần trước lên cao nhất kể từ năm 2022, sau khi ECB ra tín hiệu có thể giảm lãi suất ngay từ tháng 6. Điều này khiến trái phiếu Mỹ hấp dẫn nhà đầu tư hơn.
Chính sách của các ngân hàng trung ương vài tháng qua cũng ngày càng khác nhau. Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ tháng trước giảm lãi suất thêm 25 điểm cơ bản. Đây là lần đầu tiên họ giảm lãi trong 9 năm qua. Ngân hàng Trung ương Thụy Điển ra tín hiệu giảm lãi trong tháng 5 nếu lạm phát tiếp tục đi xuống. Ngân hàng Trung ương Canada cũng ám chỉ sẵn sàng hành động.
Ngược lại, Australia, Anh và Na Uy vẫn chần chừ với việc nới lỏng chính sách. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản thì đã loại trừ khả năng nâng lãi để hỗ trợ nội tệ.
Eric Merlis - Giám đốc các thị trường toàn cầu tại Citizens cho rằng USD sẽ còn tiếp tục tăng giá, do quan điểm của Fed hiện thắt chặt hơn so với ECB. Euro năm nay đã mất giá gần 4% so với đồng bạc xanh.
"USD còn dư địa để tăng giá. Mỹ là nền kinh tế mạnh nhất hiện tại, trong bối cảnh châu Âu vẫn chật vật với tăng trưởng", ông giải thích.
USD mạnh lên sẽ làm phức tạp cuộc chiến chống lạm phát của các nền kinh tế khác, do nội tệ của họ mất giá. Còn tại Mỹ, các công ty đa quốc gia sẽ bị giảm doanh thu quốc tế khi quy đổi sang USD. Các hãng xuất khẩu cũng bị giảm khả năng cạnh tranh ở nước ngoài, do hàng hóa đắt đỏ hơn.
Vài tháng qua, xung đột tại Trung Đông ngày càng leo thang. Cuối tuần trước, Iran tập kích Israel để đáp trả vụ không kích tòa lãnh sự Iran tại Syria hồi đầu tháng. Hôm 16/4, Ngoại trưởng Anh David Cameron cho biết Israel đã quyết định trả đũa Iran vì vụ tập kích cuối tuần trước. Các diễn biến này sẽ càng kéo nhu cầu USD lên cao.
Northern Trust từng dự báo USD tăng giá 5% từ nay đến cuối năm - khi bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra. Tuy nhiên, "diễn biến của thị trường tuần này cho thấy việc đó có thể xảy ra sớm hơn dự kiến", hãng dịch vụ tài chính này cho biết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận