Vì sao giá điện châu Âu chuyển sang âm?
Trong bối cảnh thời tiết ôn hòa hơn ở châu Âu và công suất năng lượng tái tạo ngày càng tăng, châu Âu bỗng đối mặt với tình trạng dư cung điện và dẫn tới giá điện chuyển sang âm.
Theo các chuyên gia, nhiều yếu tố đã dẫn tới giá điện bán buôn chuyển sang âm ở châu Âu trong vài tuần qua.
Chuyên viên phân tích năng lượng Gerard Reid cho rằng xu hướng giá điện âm không chỉ bắt nguồn từ nguồn cung năng lượng tái tạo ngày càng dồi dào và điều kiện thời tiết thuận lợi, mà còn đến từ những trở ngại trong việc phát điện.
Ông Reid minh chứng Đan Mạch “liên tục đáp ứng 85% nhu cầu năng lượng hàng tuần từ năng lượng tái tạo. Nhưng trong những ngày trời nhiều gió, nước này có thể xuất khẩu tới 50% lượng điện dư thừa sang các nước láng giềng. Điều này thể hiện lợi ích của sự kết nối, nhưng cũng bộc lộ những hạn chế khi châu Âu thừa điện".
Khi dư cung, các nhà sản xuất có thể để giá điện bán buôn rơi xuống mức âm để đẩy lượng điện dư thừa ra khỏi lưới điện và tránh tình trạng quá tải hệ thống.
"Các nước như Tây Ban Nha, Hà Lan, Đức, Đan Mạch và Thụy Điển đều đã ghi nhận giá điện bằng 0 hoặc rơi xuống âm vì dư cung, trong họ đã đạt đến giới hạn những gì có thể tiêu thụ, thậm chí xuất khẩu", ông cho hay.
Ngoài ra, theo vị chuyên gia này, giá điện bán buôn giảm xuống mức 0 hoặc âm ở Bắc Âu “bắt nguồn từ tình trạng băng tan đáng kể ở Na Uy, Thụy Điển và Phần Lan, từ đó cung cấp nhiên liệu cho các tuabin thủy điện và tạo ra một lượng điện lớn”.
Cách thời tiết dẫn tới tình trạng giá điện âm
Nhà khí tượng học MetDesk Theo Gkousarov lý giải thêm về cách điều kiện thời tiết dẫn tới giá điện âm.
“Khu vực áp suất cao chiếm ưu thế ở phần lớn Trung và Tây Bắc Âu đã dẫn tới một lượng lớn năng lượng mặt trời trên toàn khu vực", ông cho biết.
Tương tự, tại Phần Lan, tình trạng băng tan nhanh vào mùa xuân khiến các nhà máy thủy điện tăng tốc độ tạo điện và dẫn tới dư thừa.
Tuy nhiên, vấn đề thời tiết không chỉ tạo ra nguồn cung điện tái tạo dồi dào đến mức dư thừa, mà còn khiến các nhà vận hành lưới điện khó khăn hơn. “Việc điện hạt nhân không thể điều chỉnh linh hoạt cũng khiến tình hình thêm tồi tệ”, Reid cho biết.
Thêm vào đó, khu vực này còn bổ sung một lượng lớn công suất phát điện vào năm ngoái. Ngoài lò phản ứng hạt nhân mới ở Phần Lớn với công suất 1.6 GW, các quốc gia này còn có thêm tổng cộng 5 GW năng lượng gió.
"Trong khi đó, nhu cầu về điện đang khá yếu ớt ở Bắc Âu, chủ yếu do môi trường kinh tế yếu kém của Thụy Điển. Điều đó càng làm trầm trọng hơn nữa vấn đề cung vượt quá cầu", ông Reid chia sẻ. “Kết quả là các nhà máy điện đang phải gánh chịu chi phí để giảm tải lượng điện dư thừa, nhất là những nhà máy hoạt động kém linh hoạt như nhà máy thủy điện và hạt nhân”.
Cả ông Reid và ông Gkousarov đều nhấn mạnh rằng giá điện bán buôn ở châu Âu đã biến động cực kỳ mạnh trong 10 ngày qua. Vào cuối tuần trước, giá điện âm đã lan tới phần lớn khu vực châu Âu ở một số thời điểm vào ban ngày.
Ông Reid cho rằng "Điều đó thật điên rồ".
Giải pháp là gì?
Theo ông, vấn đề nằm ở tính thiếu linh hoạt của hệ thống. Các công ty buộc phải trả tiền để người dân sử dụng bớt lượng điện thừa.
Để giải quyết vấn đề này, ông Reid đề xuất một số giải pháp dài hạn như xây thêm hồ thủy điện tích năng, nâng cấp các cơ sở thủy điện hiện có, thúc đẩy nhu cầu linh hoạt và xây dựng cơ sở hạ tầng lưới điện.
Tuy vậy, trước mắt, vị chuyên gia này cho rằng pin ngắn hạn có thể giúp xoa dịu tình hình.
"Pin sẽ trở thành thành phần không thể thiếu trong hệ thống điện tương lai”, Reid chia sẻ. “Câu hỏi cấp thiết đặt ra là liệu các nhà máy điện truyền thống có thể hành động đủ nhanh để tránh thiệt hại từ việc sản xuất và bán điện dưới chi phí vận hành hay không", ông cho biết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận