Vì sao có hiện tượng nghẽn lệnh liên tiếp trên HOSE?
Trong bối cảnh thị trường có những diễn biến nhanh và đang ở giai đoạn nhạy cảm thì hiện tượng “nghẽn” lệnh khiến giới đầu tư bức xúc. Lãnh đạo Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) đã có những giải đáp về hiện tượng này.
Ông Lê Hải Trà, Phụ trách Hội đồng quản trị Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) thông tin, việc nhập lệnh, chuyển lệnh đến HOSE trong vài phiên gần đây có một số biểu hiện khác. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh diễn biến này khác hoàn toàn so với sự việc từng xảy ra trong quá khứ.
HOSE đã từng gặp lỗi khiến thị trường không thực hiện được khớp lệnh định kỳ cuối phiên. Sở phải áp dụng đến kịch bản dùng giá gần nhất trước phiên khớp lệnh định kỳ làm giá đóng cửa ngày giao dịch. Tuy nhiên, trong những phiên gần đây, tình trạng này không xảy ra.
Ông Trà cho biết, hệ thống của HOSE diễn ra bình thường. HOSE vẫn ghi nhận lệnh giao dịch và kết nối sở với các công ty chứng khoán. Các hiện tượng trên thị trường gần đây vẫn đang được bộ phận công nghệ thông tin của sở theo dõi, giám sát kết hợp với công ty chứng khoán, để giải thích hiện tượng này thỏa đáng và cần thời gian, dữ liệu cụ thể để phân tích.
Lãnh đạo HOSE cho biết, giữa hệ thống Công ty Chứng khoán với Sở Giao dịch là đường truyền. Các lệnh chuyển đi từ công ty chứng khoán không có nghĩa sẽ đến sở ngay lập tức.
Các lệnh có quá trình di chuyển và HOSE chỉ ghi nhận khi lệnh đi qua “cửa” hệ thống của mình. Cơ quan này đang phối hợp với các nhà mạng để nghiên cứu việc các lệnh đến cổng, tìm hiểu nghiên cứu việc có dấu hiệu bị ùn ứ hoặc vấn đề khác, để cố gắng làm rõ.
Ông Trà cũng đề cập đến việc thị trường chứng khoán năm qua tăng trưởng với thanh khoản cao. Theo số liệu của Top 20 công ty chứng khoán hàng đầu, số lượng lệnh từ đầu năm đến nay tăng từ 3 - 12 lần so với năm trước. Đây là con số tăng đột biến. Trong khi đó, năng lực dự phòng của hệ thống công nghệ thông tin có giới hạn nhất định, việc này có thể là lý do dẫn đến tình trạng không thể đáp ứng được các yêu cầu.
Ông Trà lấy ví dụ, nếu xem đường truyền giữa HOSE và công ty chứng khoán là đường ống nước, thì về mặt nguyên lý, đường ống này không thể phình, nở ra theo số lượng nước phát sinh tăng đột biến.
Bên cạnh đó, ông Trà cũng đề cập việc một số công ty chứng khoán sử dụng phần mềm giao dịch tự động, thuật toán. Điều này có thể khiến số lượng lệnh tăng đột biến trong một thời điểm, đây là điều khó có thể kiểm soát.
Chia sẻ về quá trình đổi mới hệ thống, lãnh đạo HOSE cho hay, HOSE có dự án công nghệ thông tin mới sẽ thay đổi toàn bộ nền tảng công nghệ thông tin của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Năm nay, hệ thống dự tính được hoàn thành, tuy nhiên, do dịch COVID-19, các chuyên gia của nhà thầu xây dựng hệ thống không thể sang Việt Nam để hoàn thiện các khâu cuối cùng. Do đó, việc đưa hệ thống vào vận hành bị chậm trễ. Năm 2021, triển khai hệ thống giao dịch là nhiệm vụ trọng tâm của HOSE.
Trước mắt, HOSE đang đề xuất việc tăng đơn vị giao dịch lô tối thiểu lên 100 chứng khoán. Theo ông Trà, điều này sẽ làm giảm 18% lệnh giao dịch trên thị trường, trong quá trình chờ hệ thống mới.
“Mặt khác, hệ thống mới có năng lực gấp nhiều lần hệ thống trước đó. Tuy nhiên do thị trường tăng là bất định, nên nếu giao dịch lên đến 20.000 tỷ đồng, hay 50.000 tỷ đồng thì lại là câu chuyện khác”, ông Trà nói.
Theo ông Vũ Quang Trung - Ủy viên Hội đồng quản trị, Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành HOSE, trước mắt dù không mong muốn nhưng hiện tượng nghẽn lệnh có thể còn tiếp diễn trong điều kiện dòng tiền vào đang rất mạnh và chưa hết đà tăng. Do vậy, HOSE mong nhận được sự thông cảm và chia sẻ của cộng đồng nhà đầu tư khi chưa đáp ứng được kỳ vọng.
Về dài hạn, HOSE đang phối hợp tích cực với các đơn vị thụ hưởng là Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HNX) và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) khẩn trương đẩy nhanh tiến độ dự án công nghệ thông tin mới cho toàn thị trường.
Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng vừa kiên quyết yêu cầu về tiến độ, vừa tạo điều kiện để triển khai nhanh nhất có thể để đưa hệ thống này vào hoạt động. Thực tế, trong hơn 1 tuần qua, nhiều công ty chứng khoán đã gửi thông báo tới các nhà đầu tư về việc gián đoạn giao dịch.
Cụ thể, vào phiên 17/12, nhà đầu tư phản ánh không đặt được lệnh mua bán chứng khoán trong phiên ATC đối với các cổ phiếu niêm yết trên HOSE. Lỗi tương tự cũng diễn ra sau 14 giờ 20 phút ngày 22/12.
Đến phiên 23/12, khoảng từ 14 giờ lệnh giao dịch bị “treo” khi đặt lệnh mua trên sàn HOSE, thậm chí không huỷ lệnh được. Tiếp đến phiên giao dịch hôm 24/12, lỗi treo lệnh, huỷ lệnh và chậm trả kết quả cũng được nhà đầu tư phản ánh trong cuối phiên sáng.
Sang phiên chiều, việc khớp lệnh cũng chỉ diễn ra khoảng hơn chục phút đầu phiên, sau đó nhà đầu tư không thể vào lệnh bình thường suốt thời gian còn lại của phiên giao dịch.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận