Vì sao các doanh nghiệp ở TPHCM liên tục cắt giảm lao động?
Việc các doanh nghiệp lớn thực hiện cắt giảm lao động với số lượng lớn cho thấy tình hình lao động, việc làm trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều khó khăn.
Theo báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ 10 tháng đầu năm 2023 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TPHCM, trong tháng 9, Sở đã tiếp nhận thông báo cho người lao động thôi việc của 6 doanh nghiệp với số lao động mất việc là 292 người. Lý do cho lao động thôi việc do công ty thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế.
Từ đầu năm đến nay, Sở tiếp nhận thông báo cho người lao động thôi việc của 46 doanh nghiệp với số lao động mất việc là 4.022 người trong tổng số 40.423 người; tăng 27 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2022, số lao động mất việc tăng 3.847 người.
Công nhân một nhà máy tan ca (Ảnh minh họa: Hữu Khoa).
Tình hình các doanh nghiệp tại TPHCM cắt giảm số lượng lớn lao động diễn ra khá nhiều trong năm 2023.
Trong báo cáo tài chính gần đây của công ty cổ phần Garmex Sài Gòn cho thấy, công ty có 3.780 lao động vào cuối năm 2021. Trong năm 2022, công ty cắt giảm 1.679 lao động, đến cuối năm chỉ còn 2.101 người. Trong năm 2023, công ty tiếp tục cắt giảm hơn 2.000 lao động, đến ngày 27/9 chỉ còn 35 nhân sự.
Từ đầu năm đến nay, công ty TNHH Pouyuen Việt Nam cũng đã tiến hành 3 lần cắt giảm lao động. Lần thứ nhất, công ty cắt giảm hơn 2.300 người trong tháng 2. Lần thứ 2, doanh nghiệp giảm thêm hơn 5.700 người, chia thành 2 đợt thực hiện vào tháng 6 và tháng 7. Tháng 9, công ty tiếp tục cắt giảm hơn 1.200 người.
Trong tháng 9, Sở LĐ-TB&XH tiếp nhận 12.211 hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp, ban hành quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 13.640 người lao động, tiếp nhận 61.587 lượt trường hợp người lao động đến thông báo về tìm kiếm việc làm.
Tính đến ngày 30/9, Sở đã tiếp nhận 128.477 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, ban hành quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 125.707 người lao động, tiếp nhận 491.066 lượt người lao động đến thông báo về tìm kiếm việc làm.
So với cùng kỳ năm 2022, số trường hợp nộp hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp tăng 9,3% (10.945 người), có quyết định hưởng tăng 11,86% (tăng 13.329 trường hợp).
Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM, đánh giá: "Công tác tiếp nhận hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng 10.232 trường hợp và việc các doanh nghiệp lớn thực hiện cắt giảm lao động với số lượng lớn cho thấy tình hình lao động - việc làm trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức".
Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM (Ảnh: Tùng Nguyên).
Theo ông Thinh, trong 2 tháng cuối năm, ngành lao động sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan theo dõi, nắm bắt tình hình lao động, việc làm, quan hệ lao động trong các doanh nghiệp nhằm giải quyết kịp thời các vụ việc phát sinh.
Ông Thinh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc có biện pháp thích hợp để ngăn ngừa, giảm thiểu các tranh chấp lao động, đình công phát sinh trên địa bàn, có thể gây ra tình trạng mất trật tự, an toàn xã hội, nhất là vào dịp trước Tết Dương lịch 2024.
Đồng thời, Sở LĐ-TB&XH TPHCM cũng tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp thành phố; các nội dung của đề án Chiến lược lao động việc làm trên địa bàn thành phố giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn năm 2030.
Trọng tâm hoạt động của 2 tháng cuối năm là tăng cường các hoạt động kết nối, phát triển mạng lưới thông tin để giải quyết nhu cầu việc làm và nhu cầu nhân lực phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận