Vì đâu SCIC thoái vốn Nhà nước chậm dù thị trường chứng khoán đang thăng hoa?
Thống kê từ những thông tin được công bố trên thị trường chứng khoán, tính đến 29/12, đã có 30 thương vụ thoái vốn qua đấu giá tại HNX và HoSE, nhà nước thu về hơn 7.700 tỷ đồng.
Cụ thể, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, năm 2020, HNX đã tổ chức 16 phiên đấu giá, trong đó tất cả đều là các phiên đấu giá thoái vốn, với tổng số cổ phần chào bán đạt 96,9 triệu cổ phần.
Số cổ phần trúng giá đạt 92 triệu cổ phần, tương ứng với tỷ lệ thành công đạt 94,9%, tổng số tiền trúng giá đạt hơn 3.042 tỷ đồng.
Trong khi đó, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) đã tổ chức 14 phiên đấu giá thành công và hủy bỏ 26 phiên trong năm. Tổng khối lượng cổ phiếu giao dịch thành công qua đấu giá đạt 311 triệu cổ phần, giá trị đạt hơn 6.800 tỷ đồng.
Như vậy, loại trừ một số trường hợp doanh nghiệp huy động vốn qua đấu giá công khai như Becamex IJC, An Phát Holdings, Biwase, nhà nước đã thu về hơn 7.700 tỷ đồng qua đấu giá tại HoSE và HNX trong năm 2020.
Kẻ sốt sắng, người bình chân như vại
Trong năm 2020, Bộ Xây dựng và các đơn vị trực thuộc tiến hành thoái vốn tại 8 doanh nghiệp và ghi nhận thành công tại 4 doanh nghiệp. Bộ đã bán thành công 191,6 triệu cổ phiếu, giá trị thu về 5.188 tỷ đồng, chiếm 68% tổng thu thoái vốn nhà nước thực hiện đấu giá qua HNX và HoSE.
Đáng chú ý, 3 thương vụ thoái vốn nhà nước của Bộ Xây dựng có giá trị lớn nhất năm 2020 bao gồm: Bộ xây dựng thoái thành công vốn tại IDICO thu về 2.909 tỷ đồng; HUD thu về 1.185 tỷ sau khi bán vốn tại HUD Kiên Giang; Bộ Xây dựng bán gần 45 triệu cổ phiếu CC1, thu về 1.027 tỷ đồng.
Thương vụ thành công còn lại là Hancorp thoái vốn CC4 ghi nhận giá trị thu hồi 67 tỷ đồng.
Tuy nhiên, quá trình thoái vốn của Bộ Xây dựng khỏi Tổng công ty Sông Hồng (UPCoM: SHG), Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp, UPCoM: HAN) không hoàn thành. Nguyên nhân do phiên đấu giá lô cổ phần Hancorp không được tổ chức do hết thời hạn đăng ký và đặt cọc không có nhà đầu tư tham gia. Phiên đấu giá Tổng công ty Sông Hồng tạm hoãn do vướng Nghị định 140/2020/NĐ-CP không quy định điều khoản chuyển tiếp đối với các đơn vị đã được phê duyệt phương án thoái vốn Nhà nước trước ngày 30/11.
Trong khi đó, Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), đơn vị mệnh danh là "tổ chức tài chính chuyên nghiệp, hàng đầu Việt Nam" đã chăm chỉ thoái vốn nhất năm 2020 tại HoSE và HNX. Tuy nhiên, SCIC chỉ ghi nhận 4 phiên thành công tại HoSE và 1 phiên trên HNX. Tổng khối lượng bán được gần 53 triệu cổ phiếu, thu về hơn 1.000 tỷ đồng.
Đây được cho là con số "rất thấp" với danh sách dự kiến thoái vốn của SCIC trong năm với 85 doanh nghiệp. Trong đó, có 28 doanh nghiệp đang giao dịch cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Có nhiều doanh nghiệp đã xuất hiện liên tục trong kế hoạch bán vốn những năm gần đây như CTCP FPT; CTCP Xuất nhập khẩu Sa Giang (SGC); Tổng công ty công nghiệp dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex, mã: VOC)...
SCIC và những đợt thoái vốn “mang đến lại mang về"
Đáng nói, mặc dù những doanh nghiệp kể trên đều hoạt động kinh doanh hiệu quả, tình hình tài chính lành mạnh, giá chào bán thấp hơn/ngấp nghé thị giá nhưng việc thoái vốn nhà nước lại không hề dễ dàng.
Đơn cử, CTCP Xuất nhập khẩu Sa Giang (HoSE: SGC) là doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm từ gạo như bánh phồng tôm, hủ tiếu, phở, bún gạo lứt, bánh tráng, sản phẩm từ thịt và nước uống đóng chai. Trong đó, phồng tôm là sản phẩm chủ lực đóng góp trên 90% doanh thu mỗi năm với công suất 7.000 tấn mỗi năm.
Doanh nghiệp hiện vận hành ba xí nghiệp và một chi nhánh tại TP. Hồ Chí Minh. Ngoài sản xuất phục vụ nội địa, Sa Giang cũng xuất khẩu sản phẩm đến EU, châu Á tại hơn 40 quốc gia, theo thông tin tự bạch của công ty.
Năm 2019, công ty ghi nhận doanh thu gần 319 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 32,6 tỷ đồng - tăng lần lượt 10,4% và 42,3% so với năm trước. Riêng 9 tháng đầu năm nay, công ty báo doanh thu đi ngang 229 tỷ đồng, lợi nhuận tăng 9% đạt 23,3 tỷ đồng.
Tương tự, Vocarimex là ông lớn của ngành dầu ăn khi sở hữu trực tiếp và là cổ đông lớn của các thương hiệu dầu ăn như Voca, Soby, Ruby, Sun Go, Neptune, Simply, Meizan, Marvela...
Ngoài ra, doanh nghiệp này còn nắm giữ quỹ đất khủng, với hàng loạt các bất động sản có giá trị lớn trải dài từ Hà Nội cho đến TP. HCM, tọa lạc trên các vị trí đắc địa với tổng diện tích 37.800 m2 như: lô đất số 8 Cát Linh (Hà Nội) có diện tích 334 m2, lô đất 58 Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1, TP. HCM) rộng 3.245 m2, lô đất 509 m2 tại 138-142 Hai Bà Trưng (quận 1, TP. HCM)...
Lũy kế 9 tháng năm 2020, tình hình làm ăn của Vocarimex được cải thiện, doanh thu thuần ghi nhận ở mức 2.022 tỷ đồng, lãi trước thuế 163 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với cùng giai đoạn năm trước.
Tính tại ngày 30/9/2020, tổng tài sản của Vocarimex đạt 2.521 tỷ đồng, giảm 4% so với cuối năm 2019. Trong đó, công ty có 308 tỷ đồng tiền nhàn rỗi, các khoản phải thu ngắn hạn là 294 tỷ đồng, hàng tồn kho là 84,7 tỷ đồng. Còn lại chiếm 1.633 tỷ đồng là nhóm tài sản dài hạn.
Nguyên nhân đến từ đâu?
Năm 2020, mặc dù đại dịch Covid -19 đã tác động tiêu cực đến nhiều ngành nghề trong nền kinh tế, nhưng ngành chứng khoán là một ngoại lệ. Giới chuyên môn đánh giá, Covid-19 đã tạo nhiều cảm xúc cho chứng khoán trong năm 2020, không chỉ ở các lần lao dốc, lập đỉnh mà còn cho thấy sức mạnh của nhà đầu tư cá nhân và những phiên không thể giao dịch vì "quá nhiều tiền".
Hơn 2/3 giá trị vốn Nhà nước thu về qua đấu giá công khai trong năm 2020 trên 2 Sàn là của Bộ Xây dựng. Và không khác SCIC, Bộ Xây dựng cũng phải bán trọn lô.
Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất trong thoái vốn Nhà nước của Bộ Xây dựng và SCIC là Quyết định 908/QĐ-TTg phê duyệt danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020. Theo đó, Bộ Xây dựng phải thoái vốn tại 4 tổng công ty trên trước ngày 30/11/2020. Nếu không hoàn thành thoái vốn thì phải hoàn thành chuyển giao về SCIC trước 31/12/2020.
Bộ Xây dựng đã "rốt ráo" trong công tác phê duyệt chủ trương, khi chỉ trong chưa đầy một tháng (từ ngày 20/10 đến 17/11), Bộ đã có tới 4 quyết định về phương án thoái vốn nhà nước tại IDC; CC1;Hancrop và SHG.
Trong khi đó, SCIC Nghị định 140/2020/NĐ-CP có thể đã ảnh hưởng đến tiến trình thoái vốn Nhà nước của tổ chức này. Tuy nhiên, không có nhà đầu tư đăng ký tham gia đủ để có thể tổ chức phiên đấu giá được xem là nguyên nhân chính. Dù vậy, thực tế cho thấy nghịch lý rằng, 3 thương vụ thoái vốn nhà nước của SCIC tại tổ chức FPT, SGC hay VOC đều là những thương vụ được nhà đầu tư mong chờ/kỳ vọng từ nhiều năm qua.
Phải chăng, SCIC, tổ chức tài chính chuyên nghiệp, hàng đầu Việt Nam đang gặp "hạn" trong thoái vốn Nhà nước tại các tổ chức?
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận