Vì COVID, nhiều công ty Mỹ rời Trung Quốc và chuyển sang Đông Nam Á
Gần 20% số công ty Mỹ cắt giảm đầu tư tại Trung Quốc trong năm nay, kết quả khảo sát mới nhất của Phòng Thương mại Mỹ ở Thượng Hải cho thấy.
Trong năm 2022, 19% công ty tham gia khảo sát cho biết đang giảm đầu tư vào Trung Quốc, gần gấp đôi mức 10% của năm 2021.
Những lý do được nhắc tới nhiều nhất là do các đợt phong tỏa vì COVID, hạn chế đi lại và gián đoạn chuỗi cung ứng. “Niềm tin đã bị lung lay,” Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải cho biết.
Trước đó, Thượng Hải đã hứng chịu một trong những đợt phong tỏa khắc nghiệt nhất ở Trung Quốc. Sự suy yếu trong hoạt động kinh tế ở thành phố này khiến Trung Quốc gần như không tăng trưởng trong quý 2/2022. Mức tăng 3.9% trong quý 3 đã đưa tăng trưởng GDP cả năm lên 3% - thấp hơn nhiều so với mục tiêu chính thức là khoảng 5.5%.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự kiến tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ tăng từ 3.2% trong năm nay lên 4.4% trong năm tới, trong khi của Mỹ sẽ chậm lại từ 1.6% năm nay xuống còn 1% trong năm tới.
Theo khảo sát của AmCham Thượng Hải, tiềm năng tăng trưởng của Trung Quốc là lý do hàng đầu khiến 30% công ty tham gia khảo sát muốn tăng cường đầu tư vào nước này. Tuy nhiên, con số này thấp hơn so với 38% của năm ngoái.
Tìm tới Đông Nam Á
Khoảng 1/3 công ty tham gia khảo sát đã chuyển hướng các khoản đầu tư dự kiến tại Trung Quốc sang các điểm đến khác trong 12 tháng qua, cuộc khảo sát cho thấy. Con số này gần gấp đôi so với năm ngoái. Trong đó, điểm đến được nhiều công ty nhắc tới nhất là Đông Nam Á, kế đó là Mỹ.
Cuộc khảo sát cho thấy Đông Nam Á thu hút phần lớn các công ty có ý định chuyển hướng khỏi Trung Quốc, nhất là trong lĩnh vực công nghệ, logistics và bán lẻ.
Cuộc khảo sát có sự tham gia của 307 công ty trong khoảng thời gian từ ngày 14/07-18/08, trước khi Mỹ áp các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới nhất đối với ngành bán dẫn.
Trong vòng 1-3 năm tới, một công ty bán lẻ và một công ty sản xuất cho biết họ đã chuyển toàn bộ hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Tổng cộng, cuộc khảo sát cho thấy 9 công ty đã chuyển hơn 30% năng lực sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Trong báo cáo, đại đa số các công ty trong ngành hóa chất, dược phẩm, thiết bị y tế và khoa học đời sống đã lên kế hoạch duy trì hoạt động ở Trung Quốc.
Bắc Kinh nhấn mạnh mong muốn tập trung nhiều hơn vào sản xuất hàng cao cấp hơn, trong khi công ty trong các ngành thâm dụng lao động hơn đã chuyển sang các nước khác – nơi có mức lương thấp hơn.
Nhưng Trung Quốc vẫn là nhà cung cấp quan trọng đối với nhiều công ty Mỹ và EU hơn so với chiều ngược lại, theo một báo cáo của Allianz Research trong tháng này.
“Điều này có nghĩa là, trong kịch bản cực đoan khi quan hệ thương mại Mỹ-Trung và Mỹ-EU-Trung Quốc bị cắt đứt hoàn toàn, Mỹ và châu Âu sẽ thiệt hại nhiều hơn,” báo cáo cho biết. “Việc mất nguồn cung ứng thiết yếu sẽ làm giảm 1.3% GDP cho Mỹ và 0.5% GDP cho EU, nhưng chỉ 0.3% GDP cho Trung Quốc”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận