VERP: Tăng trưởng 2021 nhiều khả năng trong khoảng 5,6 5,8%
Nếu dịch COVID-19 tiếp tục được khống chế ổn định ở trong nước và kinh tế thế giới bắt đầu khởi sắc, kinh tế Việt Nam năm 2021 có thể đạt mức tăng trưởng trong khoảng 5,6-5,8%. Ngược lại nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp ở trong nước khiến hoạt động kinh tế nội địa bị gián đoạn, thì tăng trưởng năm 2021 thậm chí có thể không đạt được mức tăng trưởng của năm 2020.
Đây là nhận định được đưa ra trong báo cáo Kinh tế vĩ mô Quý IV và cả năm 2020 mà Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) vừa công bố.
Khả năng cao tăng trưởng kinh tế trong khoảng 5,6-5,8%
Nếu dịch bệnh dịch không lan rộng trong nước trong phần lớn thời gian của năm nay và hoạt động kinh tế nội địa tiếp bình thường cùng với sự dần trở lại trạng thái bình thường của kinh tế toàn cầu thì mức độ tác động của COVID–19 lên các ngành nông, lâm, ngư nghiệp, sản xuất chế biến chế tạo và các ngành trong khu vực dịch vụ của Việt Nam sẽ không nghiêm trọng hơn so với năm 2020. Tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức 5,6 – 5,8%. Đây là kịch bản cơ sở của VERP cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Trong khi đó ở kịch bản bất lợi, bệnh dịch trong nước bùng phát với biến thể mới của virus COVID-19 khiến hoạt động kinh tế bị gián đoạn. Đồng thời, bệnh dịch ở nhiều trung tâm kinh tế - tài chính quan trọng trên thế giới không có nhiều cải thiện, vaccine chưa đem lại hiệu quả trên quy mô lớn, việc đi lại trên thế giới chưa thể phục hồi, hệ thống doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực tư nhân, bắt đầu bộc lộ những tổn thương lớn do khả năng chống chọi dần suy kiệt… tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo chỉ ở mức 1,8-2%.
“Chúng tôi vẫn nghiêng về kịch bản cơ sở hơn, theo đó kinh tế Việt Nam nhiều khả năng sẽ đạt mức tăng trưởng trong khoảng 5,6 – 5,8% trong cả năm 2021. Tuy nhiên, lưu ý rằng cả hai kịch bản nêu trên đều giả định hệ thống y tế trong nước vẫn chống chọi được với dịch bệnh trong nước. Nếu quy mô dịch bệnh vượt quá tải của hệ thống y tế, thì các nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề, khó dự báo được hậu quả”, báo cáo dự báo.
Các chính sách an sinh xã hội vẫn cần được ưu tiên hàng đầu
Đây là một trong những khuyến nghị được các chuyên gia kinh tế của VERP đưa ra. Theo đó, các chính sách an sinh xã hội vẫn cần được tiếp tục triển khai nhanh chóng, đúng đối tượng. Đặc biệt, việc thực thi chính sách cần quan tâm hơn đến lao động trong khu vực phi chính thức bởi nhóm này chiếm một tỷ trọng lớn, dễ tổn thương, chịu tác động nặng nề nhất và đang khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ.
Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng cần tiếp tục được thực hiện theo hướng khẩn trương, tập trung, đúng đối tượng và thực chất hơn, theo sát với nhu cầu của doanh nghiệp. Việc khoanh/ngưng, miễn giảm chi phí tài chính cho doanh nghiệp như lãi vay, tiền thuê đất… cần tiếp tục được triển khai, bên cạnh đó cần cân nhắc cắt giảm kinh phí công đoàn để hỗ trợ doanh nghiệp.
Với nhóm doanh nghiệp không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh hoặc có hướng chuyển đổi hiệu quả, nên khuyến khích tín dụng, tạo điều kiện về môi trường thể chế và chính sách ngành.
Trong trường hợp có các ý tưởng chính sách để hỗ trợ đặc biệt cho các doanh nghiệp cụ thể, thì các chính sách này cần đi theo hướng kích cầu, hỗ trợ người tiêu dùng thanh toán chi phí mua sản phẩm/dịch vụ của hãng, thay vì tài trợ trực tiếp cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, việc giãn/giảm thuế, nếu có, chỉ nên được áp dụng với thuế VAT thay vì thuế thu nhập doanh nghiệp, vì giảm thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ hỗ trợ được số ít doanh nghiệp không bị ảnh hưởng hoặc đang hưởng lợi từ các tác động của dịch bệnh, chứ không giúp được đa số các doanh nghiệp đang gặp khó khăn.
Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là khả năng giải ngân các gói cứu trợ xã hội, do mạng lưới thực thi kém hiệu quả và thủ tục hành chính phức tạp, khó tiếp cận. Việc thiết kế lại kế hoạch thực thi chính sách là vô cùng cần thiết để các gói cứu trợ thực sự có hiệu quả.
“Chúng tôi cho rằng gói cứu trợ lần hai ở thời điểm này là không cần thiết, bởi khi gói cứu trợ lần một còn chưa được giải ngân một cách hiệu quả thì gói cứu trợ lần hai nhiều khả năng chỉ gây thêm gánh nặng cho ngân sách thay vì thực sự tạo được ảnh hưởng tích cực trong nền kinh tế”, các chuyên gia cảnh báo.
Trong năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần hạ các công cụ lãi suất điều hành. Bên cạnh đó, gói hỗ trợ tín dụng 250 nghìn tỷ đồng vẫn đang được các ngân hàng thương mại triển khai. Tuy nhiên, không gian chính sách sẽ không còn rộng rãi trong năm 2021.
Nguồn lực tài khóa hạn hẹp cùng với việc chính sách tiền tệ bị ràng buộc với các mục tiêu về lạm phát và tỷ giá nên Việt Nam không thể theo đuổi các chính sách vĩ mô theo cách tương tự như các nước khác trên thế giới (ví dụ như nới lỏng tiền tệ quy mô lớn).
Thêm vào đó, việc phòng chống dịch COVID-19 và trợ cấp an sinh xã hội do ảnh hưởng của dịch bệnh cũng đang tạo áp lực lớn lên cán cân ngân sách. “Ưu tiên hàng đầu lúc này là đảm bảo an sinh xã hội, giữ ổn định môi trường kinh tế vĩ mô, giảm gánh nặng cho các doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động và hỗ trợ các doanh nghiệp còn hoạt động”, báo cáo đề xuất.
Trong mọi tình huống, ổn định kinh tế vĩ mô, cụ thể là lạm phát, lãi suất và tỷ giá cần được duy trì ổn định, là hết sức cần thiết để chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi sau bệnh dịch. Đa dạng hóa thị trường xuất/nhập khẩu cũng cần được chú trọng hơn nữa nhằm tránh phụ thuộc nặng nề vào một số đối tác kinh tế lớn.
Trong khó khăn, nhiều bất cập trong việc điều hành chính sách kinh tế cũng đã bộc lộ nên các nỗ lực cải thiện thủ tục hành chính, môi trường kinh doanh cần tiếp tục được duy trì. Đặc biệt, Việt Nam nên từng bước xây dựng đệm tài khóa để phòng chống những cú sốc kiểu COVID–19, hoặc những diễn biến bất ngờ của chính bệnh dịch này, trong những năm tới.
Năm 2021 là năm đầu tiên của nhiệm kỳ lãnh đạo mới của Đảng và Nhà nước, do đó, đây là năm được kỳ vọng sẽ có nhiều bước đi mới, chính sách mới và hành động cụ thể để phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, về mặt quốc tế, nước Mỹ cũng đã có một tổng thống mới được dự báo là sẽ dễ dự đoán hơn, và có khuynh hướng hành động đa phương thay vì đơn phương, khiến môi trường quốc tế có thể bớt bất định hơn. Tuy nhiên, việc cạnh tranh Mỹ - Trung tiếp tục có những diễn biến mới không loại trừ những rủi ro mới sẽ xuất hiện.
Do đó, chính sách hữu ích nhất trong bối cảnh hiện nay là các chính sách trọng cung, nhằm củng cố các yếu tố nền tảng của nền kinh tế. Cụ thể, đó là các chính sách cải cách hành chính, nâng cao chất lượng bộ máy quản lý nhà nước, đặc biệt ở địa phương, nhằm cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp và người dân.
Bên cạnh đó là những nhóm chính sách chưa được thực hiện quyết liệt và hữu hiệu trong thời gian qua, từ lĩnh vực giáo dục, tài chính - ngân hàng, khoa học - công nghệ đến cơ sở hạ tầng; từ chính sách ngành tới cải cách doanh nghiệp nhà nước… đều cần tiếp tục thúc đẩy với một tinh thần mới và phương pháp mới, mang tính thị trường nhiều hơn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận