VEC từ 'cục cưng' thành 'cục nợ'
VEC từ 'cục cưng' thành 'cục nợ'
Tổng Công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) từng được dư luận ví là “con cưng” của Bộ GTVT, khi doanh nghiệp (DN) này nắm giữ số vốn nhà nước lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng, được ưu ái chỉ định thầu hàng loạt dự án lớn về đường cao tốc. Tuy nhiên, tình hình kinh doanh của VEC không được như kỳ vọng, thậm chí DN này đang đối mặt với bài toán an toàn về tài chính.
Doanh thu trên 4.200 tỷ đồng, lợi nhuận chỉ… trên 2 tỷ đồng
Là DN 100% vốn góp nhà nước với tổng tài sản lên đến hơn 90.000 tỷ đồng, VEC được giao làm chủ đầu tư nhiều dự án đường bộ cao tốc lớn, như Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây. Phần lớn doanh thu của VEC là từ các dự án này, song kết quả kinh doanh của DN lại khá khiêm tốn. Năm 2020, theo kế hoạch phê duyệt, dự kiến doanh thu của VEC đạt 4.251 tỷ đồng, nhưng mức lợi nhuận đưa ra chỉ… 2,2 tỷ đồng.
Lý giải về vấn đề này, VEC cho rằng lợi nhuận thấp do mỗi năm phần doanh thu từ các dự án cao tốc đang khai thác sẽ được dành để trả nợ vốn vay. Đồng thời, do các dự án vay vốn bằng đồng yên Nhật và USD, nên khi biến động tỷ giá số tiền VEC phải trả do chênh lệch tỷ giá khá lớn.
Vì vậy, năm 2020, dù kế hoạch tổng doanh thu của VEC 4.251 tỷ đồng, nhưng tổng chi phí lên đến 4.248 tỷ đồng, nên lợi nhuận sau thuế chỉ 2,2 tỷ đồng. VEC cũng cho rằng đang gặp một số khó khăn, như Chính phủ không chuyển vốn vay về cho VEC vay lại, đồng thời không sử dụng ngân sách nhà nước để cơ cấu lại DN, việc tái cơ cấu nguồn vốn 5 dự án đường cao tốc của VEC cũng đang gặp vướng mắc…
Cách giải thích của VEC khó thuyết phục, bởi thực tế tình hình kinh doanh của DN này không phải đến năm 2020 mới gặp khó khăn, mà đã có dấu hiệu bết bát từ nhiều năm trước. Đáng chú ý, dù đã qua giữa năm 2020 nhưng VEC mới công bố báo cáo tài chính năm 2018.
Tính đến hết năm 2018, nợ phải trả của VEC 87.000 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn 19.672 tỷ đồng và nợ dài hạn 67.327 tỷ đồng (chủ yếu là vay và nợ thuê tài chính). Trong khi đó, cùng thời điểm, vốn chủ sở hữu của VEC chỉ 9.556 tỷ đồng. Như vậy, nợ phải trả đã cao gấp 9 lần, tương đương chiếm 90% cơ cấu nguồn vốn. Với việc nợ vay cao hơn rất nhiều lần so với vốn chủ sở hữu của công ty đã đặt ra dấu hỏi về nguy cơ an toàn tài chính của VEC.
“Con nợ” thuế và ngân hàng
Cuối năm 2019, Cục Thuế TP Hà Nội cho biết, từ ngày 1-7-2016 đến năm 2017 đã thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) cho VEC 9 đợt, với tổng số tiền hoàn thuế gần 950 tỷ đồng theo hình thức hoàn thuế trước, kiểm tra sau. Tuy nhiên, trong quá trình thanh tra sau hoàn thuế VAT đối với VEC, Cục Thuế TP Hà Nội đã phát hiện VEC không đáp ứng đủ điều kiện để được hoàn thuế VAT đối với dự án đầu tư. Trên cơ sở đó, Cục Thuế TP Hà Nội đã ban hành 2 quyết định thu hồi toàn bộ tiền hoàn thuế VAT trên, cộng tiền chậm nộp hơn 83 tỷ đồng, tổng số tiền thuế VEC phải trả lại xấp xỉ 1.033 tỷ đồng
Không chỉ có “tiền sử” nợ thuế, VEC cũng đang là “con nợ” của nhiều ngân hàng. Tính đến thời điểm cuối năm 2018, chủ nợ lớn nhất của VEC là Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), với tổng dư nợ cuối kỳ hơn 31.200 tỷ đồng. DN này còn nợ Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản 28.960 tỷ đồng và Ngân hàng Thế giới (WB) hơn 5.400 tỷ đồng. Trong phần báo cáo chi tiết nêu rõ, hầu hết các hợp đồng vay được thực hiện để tài trợ vốn cho các dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Long Thành - Dầu Giây, Đà Nẵng - Quảng Ngãi… với thời hạn thanh toán 1 -40 năm.
Điều đáng lo ngại hơn là do số lượng vay ngoại tệ rất lớn bằng yên Nhật và USD để đầu tư các dự án, nên biến động tỷ giá ảnh hưởng rất mạnh đến kết quả kinh doanh của VEC. Năm 2018, lỗ chênh lệch tỷ giá của VEC tăng vọt lên gần 2.200 tỷ đồng so với mức 368 tỷ đồng của năm trước. Đây là nguyên nhân khiến “ông trùm” đường cao tốc giảm lợi nhuận không phanh. Ngoài ra, về nợ ngắn hạn, VEC đang có khối nợ 12,7 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV (HM:BID)) chi nhánh Đông Sài Gòn, cũng như khoản nợ 8.000 tỷ đồng gốc và lãi trái phiếu phải trả Bộ Tài chính.
Cần phải “lột xác”
Thực trạng kinh doanh ảm đạm của VEC từng được dư luận cho rằng do quá được ưu ái, trong khi việc quản lý từ cơ quan chủ quản lại buông lỏng. Điều dễ nhận ra là trong đấu thầu các dự án lớn về đường cao tốc, VEC dường như không có đối thủ. Thậm chí, DN này từng bị nhiều DN kiện vì cho rằng đấu thầu thiếu công khai, công bằng và minh bạch. Điều này cho thấy những bất cập về chính sách và cơ chế vận hành đối với DN này, do đó đã đến lúc phải thay đổi chính sách để “lột xác” VEC.
Trao đổi với ĐTTC, PGS (HN:PGS).TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, nhận xét VEC từng là đơn vị hàng đầu của ngành giao thông vận tải, có tổng giá trị tài sản lên tới 90.000 tỷ đồng mà chỉ dự tính lãi 2 tỷ đồng, là điều khó chấp nhận. Cơ quan chức năng cần xem xét lại cách vận hành và người điều hành DN này.
Về vấn đề nợ và an toàn tài chính của VEC, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đặt vấn đề liệu có bất thường trong kinh doanh của VEC, khi DN nào cũng phải đi vay nợ để kinh doanh nhưng đều “ăn nên làm ra”, trong khi VEC ngày một “teo tóp”. “VEC không thể lấy lý do gặp khó khăn do Chính phủ không chuyển vốn vay về cho vay lại, hay Chính phủ không cho sử dụng ngân sách nhà nước để cơ cấu lại DN, để lý giải cho việc lãi sau thuế năm 2020 quá thấp. Mấu chốt vấn đề là cần thay đổi quan điểm về chính sách cũng như cơ chế vận hành, quản lý đối với những DN “con cưng” như VEC” - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
VEC là DN kinh doanh phải chấp nhận theo giá thị trường. Nghĩa là các dự án phải thông qua đấu thầu công khai, không thể lập công ty con sân sau để chỉ định thầu. Khi vận hành theo đúng cơ chế thị trường, DN không thể chăm chăm vào việc “vắt sữa” từ ngân sách nhà nước. Còn khi kinh doanh không hiệu quả nên cổ phần hóa, không nên duy trì 100% vốn nhà nước như hiện nay. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận