Vé máy bay rẻ bất thường: Có hay không việc găm hàng, ‘om’ giá?
Hơn 1 tuần trước thời điểm nghỉ lễ 30/4 – 1/5, người dân có nhu cầu đi lại, du lịch nội địa chứng kiến giá vé máy bay tăng và duy trì ở mức cao so với 3 năm trước. Nhưng đến ngày 21/4, các hãng lại đồng loạt mở bán vé giá chỉ bằng 1/2 trước đó. Điều này khiến không ít người băn khoăn với giá vé máy bay, thậm chí cho rằng có tình trạng “ôm vé, găm hàng” chờ giá lên.
Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện một hãng hàng không cho hay, hiện hàng không nội địa và quốc tế đã dần phục hồi sau 3 năm ảnh hưởng dịch COVID-19. Trong 3 năm trước, dịch bệnh khiến hoạt động hàng không gián đoạn, bay quốc tế đóng cửa, các hãng khó khăn về dòng tiền. Do đó, các hãng tập trung khai thác khách nội địa mỗi khi có cơ hội, cạnh tranh về giá vé để thu hút được thật nhiều khách, nhằm giải quyết nhu cầu tiền mặt trước mắt. Tuy nhiên, hiện bay quốc tế đã gần khôi phục, các hãng phải chia sẻ nguồn lực để khai thác, và tính tới khai thác hiệu quả đường bay nội địa thay vì chạy đua để có dòng tiền.
Cũng theo vị đại diện trên, thị trường du lịch cũng phục hồi, số ngày nghỉ dịp 30/4 - 1/5 năm nay kéo dài, nhiều khách đã lên lịch sớm, nên vé máy bay giá rẻ đã được mua hết từ trước. Các chuyến bay sát ngày nghỉ chỉ còn vé giá cao. Việc tổ chức bay tăng cường của các hãng cũng gặp khó hơn do việc thuê máy bay ướt (thuê máy bay có tổ bay và bảo dưỡng) để bay lúc cao điểm cũng gặp khó do nhu cầu thế giới tăng cao; tài chính, nhân lực của các hãng cũng không sẵn có.
Thực tế những ngày qua, các chuyến bay tăng cường chỉ được mở bán cách thời điểm nghỉ lễ chỉ 1 tuần, thay vì cả tháng như các năm trước. Vé máy bay các chuyến tăng cường mở bán, nên trên thị trường có thêm nguồn vé giá rẻ nhưng đổi lại, khách hàng phải chấp nhận bay khi chiều muộn hoặc bay đêm và rạng sáng.
Cũng theo đại diện các hãng bay, các chuyến bay dịp lễ, tết chủ yếu chỉ có khách một chiều, như từ Hà Nội, TPHCM đi những ngày đầu nghỉ lễ, và về ngày cuối nghỉ lễ nên giá vé những chuyến bay này thường cao trong khi chiều ngược lại, do khách rất ít, nên giá vé chỉ vài trăm nghìn đồng. Do sự chênh lệch này nên các hãng phải cân đối chi phí và khách đi phải chịu cả chi phí chiều bay không có khách.
“Thị trường bay quốc tế cũng phục hồi tốt, ở sân bay lớn như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, nhà chức trách hàng không phải điều phối một số khung giờ cất/hạ cánh (slot - PV) cho hãng hàng không nước ngoài khai thác dẫn tới số slot còn trống cho bay tăng cường dịp cao điểm cũng không nhiều”, vị đại diện hãng hàng không trên nói.
Với nghi vấn các đại lý “ôm vé” máy bay khi còn rẻ để đầu cơ khiến giá bị đội lên các dịp lễ, một chuyên gia hàng không chia sẻ, để đặt được vé máy bay phải có thông tin khách đi, nên việc “ôm vé” rất khó. Chưa kể, các hãng đều có loại vé cho khách đổi tên, nhưng mất phí và phí đổi cũng không thấp. Nếu đại lý có ôm thì chỉ có thể là loại vé máy bay theo đoàn mà các hãng thường bán cho đại lý hoặc công ty du lịch, đi kèm với điều kiện như thời hạn phải chốt danh sách khách đi, phải đi theo đoàn, đặt cọc tiền…
Loại vé theo đoàn được các công ty du lịch đặt rất sớm, giá có phần ưu đãi, có thể bán ra cho bất kể ai trong thời hạn cho phép. Tuy nhiên, loại vé này có rủi ro, nếu tới hạn không có danh sách khách đi (không bán được), toàn bộ tiền cọc và vé sẽ bị hãng thu hồi về để bán cho khách lẻ.
“Loại vé theo đoàn mục đích chính là các đại lý, công ty du lịch đặt để bán cho khách du lịch, tính trong giá đặt tour, không phải mục đích kiếm lợi nhuận từ tiền chênh vé máy bay. Khi các công ty không gom đủ khách du lịch mới dư vé máy bay và bán ra ngoài, nhưng số lượng không nhiều. Dịp cao điểm, giá các vé này cũng không quá ưu đãi”, vị chuyên gia trên nói thêm.
Với đại lý vé máy bay thông thường, theo các hãng hàng không và chuyên gia, việc ôm vé cũng khá rủi ro. Hiện các đại lý chỉ chủ yếu kiếm tiền từ đặt vé để hưởng chiết khấu doanh số, hoa hồng hãng trả, hoặc từ phần tiền phí quản trị hệ thống mà khách mua vé trực tiếp thông qua đại lý.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận