24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hà Diệu Thu
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

VCCI góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có ý kiến rằng, chính sách chống phân biệt đối xử, kỳ thị, lợi dụng cần được quy định đối với tất cả các đối tượng người tiêu dùng và trong tất cả các hoạt động của cá nhân, tổ chức kinh doanh đối với người tiêu dùng.

Trả lời đề nghị của Cục Quản lý Cạnh tranh và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Bộ Công Thương) về việc góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); đồng thời, trên cơ sở tham khảo ý kiến chuyên gia và doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có ý kiến rằng, chính sách chống phân biệt đối xử, kỳ thị, lợi dụng cần được quy định đối với tất cả các đối tượng người tiêu dùng và trong tất cả các hoạt động của cá nhân, tổ chức kinh doanh đối với người tiêu dùng. Việc này không chỉ bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng mà còn tạo thuận lợi cho hoạt động của cá nhân và tổ chức kinh doanh. Việc quy định như dự thảo là "có cơ chế, chính sách chống kỳ thị, phân biệt đối xử, lợi dụng" người tiêu dùng dễ bị tổn thương chỉ trong việc "thu thập, lưu trữ, sử dụng thông tin" có thể dẫn tới cách hiểu chưa đầy đủ và tạo lỗ hổng trong áp dụng quy định này.

Hiện tại, trong các luật chuyên ngành như Luật Người cao tuổi, Luật Trẻ em, Luật Người khuyết tật, Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS)... đã quy định chung về các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm kỳ thị, phân biệt đối xử, song thực tế dường như chưa đi vào cuộc sống. Hoạt động giữa cá nhân, tổ chức kinh doanh với người tiêu dùng còn có nhiều đặc thù mà nếu không có quy định cụ thể hơn sẽ có thể dẫn đến việc vô tình vi phạm do các cách hiểu khác nhau. Vì vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung các quy định cụ thể về các hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử trong giao dịch với các đối tượng yếu thế để bảo đảm tính khả thi của quy định này.

Để tăng tính rõ ràng, minh bạch của quy định, VCCI cũng đề nghị sửa nội dung theo hướng bỏ các từ "bảo đảm thực hiện" bởi đây là trách nhiệm trực tiếp của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với khách hàng là người tiêu dùng dễ bị tổn thương (đã được quy định tại những luật chuyên ngành nói trên) nhằm tránh các cách hiểu khác nhau dẫn tới việc áp dụng pháp luật không chính xác.

Về chính sách thông tin của người tiêu dùng, liên quan đến giao dịch thương mại trên nền tảng trực tuyến, thông tin của người tiêu dùng là một trong những nội dung bắt buộc để thực hiện giao dịch như: họ tên, địa chỉ, số điện thoại, thẻ ngân hàng hoặc các tài khoản cho phép thanh toán trực tuyến... Do đó, quy định "tổ chức, cá nhân kinh doanh khi thu thập thông tin cá nhân của người tiêu dùng phải thông báo trước bằng hình thức phù hợp và phải được người đó đồng ý" là không phù hợp với các giao dịch trực tuyến. Để bảo đảm tính chính xác và chặt chẽ của văn bản, VCCI đề nghị bổ sung vào dự thảo cụm từ "trừ quy định tại khoản 4 Điều này" để bảo đảm tính chặt chẽ của quy định.

Quy định "tổ chức, cá nhân kinh doanh phải sử dụng thông tin của người tiêu dùng đúng với mục đích và phạm vi đã thông báo…" là bỏ sót các trường hợp tổ chức, cá nhân không phải thông báo khi thu thập thông tin. Vậy trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh sử dụng các thông tin này ngoài mục đích ban đầu (như thông tin để giao kết/thực hiện hợp đồng; thông tin để tính giá, cước…) thì sẽ không có quy định, tạo thành khoảng trống pháp lý. Vì vậy, VCCI đề nghị bổ sung quy định cho các trường hợp này.

Việc bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trong dự thảo cũng được quy định khá chung chung. Các yêu cầu như "phải có cơ chế tiếp nhận và giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng", "báo cho cơ quan chức năng trong vòng hai mươi bốn giờ sau khi phát hiện sự cố và thực hiện các biện pháp cần thiết…" không rõ trình tự, thủ tục, đối tượng báo cáo thì sẽ khó bảo đảm tính khả thi. Do đó, VCCI đề nghị dẫn chiếu hoặc uỷ quyền quy định chi tiết các nội dung này.

VCCI cũng góp ý tương tự đối với quy định về kiểm tra, cập nhật, điều chỉnh, chuyển giao hoặc huỷ bỏ thông tin của người tiêu dùng

Về quyền của người tiêu dùng sẽ tương ứng với trách nhiệm của cá nhân, tổ chức kinh doanh, quy định tại dự thảo cũng còn có một số nội dung chưa bảo đảm tính hợp lý, khả thi như người tiêu dùng có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại khi sản phẩm, dịch vụ không phù hợp tiêu chuẩn, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh đã đăng ký, công bố, niêm yết, quảng cáo, cam kết hoặc theo quy định của pháp luật. Trong khi đó, lại có quy định cho phép người tiêu dùng "góp ý kiến với tổ chức, cá nhân về giá cả, chất lượng…". Vậy không rõ trong trường hợp nào tổ chức, cá nhân kinh doanh có thể trao đổi với người tiêu dùng, trước khi phải đứng ra làm một bên bị khiếu nại, tố cáo hoặc bị đơn trong vụ việc dân sự?

Để nâng cao việc áp dụng phương thức giải quyết tranh chấp bằng thương lượng và giảm thiểu khiếu nại, khiếu kiện không cần thiết, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc quy định theo hướng: tổ chức, cá nhân có quyền thương lượng với người tiêu dùng lựa chọn cách giải quyết trong trường hợp có cách hiểu không thống nhất hoặc sai khác về các vấn đề của sản phẩm, dịch vụ. Đồng thời, bổ sung quy định cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh có quyền yêu cầu người tiêu dùng thương lượng khi có tranh chấp liên quan đến sản phẩm, dịch vụ mà mình cung cấp.

Về nghĩa vụ của người tiêu dùng theo quy định của dự thảo, thực tế cho thấy một số trường hợp người tiêu dùng lạm dụng quyền của mình dẫn tới ảnh hưởng tới lợi ích của cá nhân, tổ chức kinh doanh. Ví dụ như đưa tin sai sự thật về chất lượng sản phẩm, hàng hoá. Chính vì vậy, để hạn chế cũng như ràng buộc trách nhiệm của người tiêu dùng khi xảy ra việc lạm dụng quyền trong quan hệ tiêu dùng, VCCI cũng đề nghị bổ sung nghĩa vụ của người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin mình đưa ra và bồi thường cho cá nhân, tổ chức kinh doanh nếu có thiệt hại xảy ra từ việc đưa thông tin sai sự thật...

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả