VCCI đề nghị giảm thuế môi trường với xăng mạnh hơn, từ mức 2.000 đồng/lít
Nhiều doanh nghiệp, chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh giá dầu leo thang, người dân khó khăn, mức giảm 1.000 đồng thuế bảo vệ môi trường với xăng vẫn còn ít. Vì vậy, góp ý về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị thêm phương án giảm thuế 2.000 đồng/lít.
VCCI vừa có văn bản đóng góp ý kiến vào dự thảo nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31-12-2022, đang được Bộ Tài chính gửi đi lấy ý kiến các bộ, ngành, hiệp hội doanh nghiệp. Dự thảo được xây dựng gấp rút ngay sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công điện số 160 ngày 22-2 về đảm bảo nguồn cung xăng dầu.
Dự thảo hiện đang đề xuất phương án giảm 1.000 đồng/lít với xăng và 500 đồng/lít, kg với dầu, mỡ nhờn từ 1-4 tới hết năm 2022. VCCI cho rằng, mặc dù đây là phương án tích cực nhưng theo phản ánh của các doanh nghiệp, hiệp hội thì việc giảm thuế bảo vệ môi trường cần cân nhắc tiến hành mạnh mẽ hơn.
Lý do được VCCI đưa ra là giá bán lẻ xăng dầu đã đạt mức cao kỷ lục từ trước đến nay và dự báo tiếp tục tăng cao trong thời gian tới trong bối cảnh xung đột quân sự và trừng phạt kinh tế đang diễn ra căng thẳng tại châu Âu và có xu hướng leo thang.
Giải pháp trợ lực giảm thuế phí từ Nhà nước rất quan trọng trong bối cảnh sức khoẻ của doanh nghiệp và cả nền kinh tế trong giai đoạn này đang yếu ốm, cần hồi phục. Hơn nữa giải pháp này cũng khả thi khi Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ giá xuất khẩu dầu thô tăng và tình hình thu ngân sách 2 tháng đầu năm 2022 rất khả quan.
Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc trình thêm một phương án nữa có mức giảm mạnh hơn, chẳng hạn áp dụng mức giảm 2.000 đồng/lít với xăng; 1.000 đồng/lít với dầu, mỡ nhờn. Thời hạn giảm có thể ngắn hơn, chẳng hạn 3-6 tháng nếu giá xăng dầu ổn định trở lại thay vì áp dụng một mức cố định trong cả 8 tháng, đến hết năm 2022.
Ở góc độ vĩ mô, các chuyên gia cho rằng việc giảm 1.000 đồng thuế bảo vệ môi trường trong mỗi lít xăng, hay 500 đồng mỗi lít dầu, ít ý nghĩa trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới dự báo tiếp tục tăng. Hiện, mỗi lít xăng bán lẻ trong nước đã lên mức cao nhất lịch sử, gần 27.000 đồng, trong khi giá thế giới chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy 4 đợt tăng giá xăng dầu trong tháng 2 khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng bình quân 1,68% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, giá xăng dầu trong nước bình quân 2 tháng tăng 45,3% so với cùng kỳ, tác động làm CPI chung tăng 1,63 điểm phần trăm.
Tuy nhiên, với mức giảm thuế bảo vệ môi trường theo đề xuất của Bộ Tài chính là 1.000 đồng một lít xăng, 500 đồng với dầu, theo các tính toán, cũng chỉ giúp CPI giảm 0,15 điểm phần trăm.
Ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (GSO), cho rằng việc giảm 1.000 đồng trên mỗi lít xăng là tín hiệu tốt nhưng chưa mang lại hiệu quả nhiều trong giảm bớt căng thẳng về giá, giảm bớt áp lực lạm phát, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng. Tuy nhiên ngoài thuế bảo vệ môi trường, nhà chức trách cũng nên xem xét, nghiên cứu giảm các loại thuế khác trong cơ cấu giá bán lẻ xăng dầu hiện nay như thuế nhập khẩu và tiêu thụ đặc biệt.
“Tất nhiên chúng ta cũng phải lưu tâm tới chuyện hụt thu ngân sách. Nhưng trong tình huống hiện nay cần tính toán kịch bản dài hơi hơn, nên nghiên cứu giảm thuế mạnh hơn nữa để thúc đẩy tăng trưởng, sau đó thu ngân sách sẽ tốt hơn khi doanh nghiệp, kinh tế phục hồi”, ông Lâm góp ý.
Trước đó, ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính, cho biết đây mới là dự thảo đề án đang lấy ý kiến. Bộ mong nhận được nhiều đóng góp để báo cáo các cấp nhằm có phương án sửa đổi phù hợp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận