Vay tiêu dùng và “bóng ma” khủng bố từ dịch vụ đòi nợ thuê
Thời gian qua, dù đã có quy định về hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ nhưng nhiều doanh nghiệp (DN), cá nhân lợi dụng, biến tướng thành các băng nhóm tội phạm nhằm cưỡng đoạt tài sản, khủng bố tinh thần người vay gây mất trật tự an ninh và để lại hệ quả xấu cho xã hội.
Mới đây nhất, dư luận xôn xao trước thông tin một người dân phải nhảy sông tự vẫn do liên quan đến khoản vay cá nhân từ một công ty cho vay tài chính.
Sự việc đang trong quá trình điều tra, nhưng một lần nữa khiến người dân không khỏi hoang mang, lo lắng bởi những dịch vụ đòi nợ thuê bị biến tướng vẫn tồn tại.
Trước đó, nhiều khách hàng từng phản ảnh thậm chí có đơn “kêu cứu” vì bị khủng bố từ các công ty đòi nợ thuê biến tướng.
Điển hình, tháng 5-2020, Công an TP Bảo Lộc (Lâm Đồng) khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Trần Xuân Tình (42 tuổi), Chu Trọng Thành (26 tuổi) và Nguyễn Văn Thông (32 tuổi, cùng ngụ TP Bảo Lộc) để điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản.
Được biết, trước đó nhóm của Tình đã ép bà Bùi Thị Linh Nh. (41 tuổi, ngụ TP Bảo Lộc) viết giấy nợ, giữ xe máy, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và một số giấy tờ tùy thân. Nguyên nhân là bà Nh. có mượn nợ 105 triệu đồng và đã trả được 40 triệu đồng, số còn lại chưa có khả năng thanh toán và nhóm của Thành ra tay khống chế, đánh đập bà Nh.
Tháng 11/2019, anh LME (33 tuổi, ngụ Cà Mau, tạm trú quận Phú Nhuận, TP.HCM) đến chơi nhà của một người tên T. (33 tuổi) trên đường Phan Đăng Lưu (phường 3, quận Bình Thạnh) thì gặp một nhóm khoảng sáu người do thanh niên tên Còi (chưa xác định được lai lịch) cầm đầu tới đòi nợ của người thân T. Nhóm này sau đó cự cãi với E. Một người trong nhóm sau đó dùng hung khí chém E. gần đứt lìa cánh tay trái, tay phải cũng bị vết thương rất sâu.
Hoặc trong tháng 10/2018, bà L.T.T.H (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đã phải gửi đơn tới các cơ quan báo chí truyền thông “cầu cứu” về việc nhân viên của Công ty TNHH thu hồi nợ T.H (Q.10, TP.HCM) kéo đến đòi nợ gây thiệt hại cho bà trong kinh doanh. Công ty này theo ủy quyền đến đòi nợ em ruột chủ nhà (bà H. đang thuê nhà bán cà phê, rửa xe), và dù không có con nợ ở nhà nhưng nhóm người của công ty này nhiều lần ngang nhiên đến cúp nước, cúp điện, kéo rào không cho khách vào rửa xe, uống cà phê ở quán của bà H. Nhóm người này còn đe dọa rạch mặt, tạt a xít nữ quản lý của quán bà H. khiến cô này hoảng sợ, nghỉ việc. Quán cà phê của bà H. liên tục bị tạt sơn và mắm tôm...
Thực tế, nhiều dịch vụ đòi nợ thuê đã hành xử theo kiểu trấn áp con nợ. Qua điều tra, Công an TP.HCM nhận xét đa số các công ty đòi nợ thuê mặc dù được các cơ quan chức năng cấp phép, khi đi vào hoạt động thì không thực hiện đúng chức năng theo quy định, khi đi đòi nợ lại dùng những người không nằm trong danh sách đăng ký... Chính những người này chủ động đe dọa, uy hiếp người thân của người mượn nợ để ép trả nợ thay.
Phát biểu tại phiên họp Quốc hội (5/2020) ĐB Nguyễn Mai Bộ (An Giang) từng nói: “Không có DN nào như các công ty đòi nợ thuê với lực lượng lao động toàn người xăm trổ, phương tiện lao động là đao kiếm, phương pháp hoạt động là bạo lực. Hoạt động của loại hình dịch vụ này không những gây bất ổn đối với xã hội, mà còn làm mất niềm tin của nhân dân đối với cơ quan chức năng”.
Tuy nhiên, theo TS Vũ Đình Ánh, nguyên Phó viện trưởng Viện Kinh tế giá cả (Bộ Tài chính), trong cơ chế hội nhập, nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh của DN nên hoạt động vay nợ tại Việt Nam là rất lớn. Hoạt động vay nợ theo định chế chính thức không đủ để đáp ứng nhu cầu cho tất cả, nên mới phát sinh vay phi chính thức, tức là vay nợ ở bên ngoài các tổ chức tín dụng. Từ đó, phát sinh câu chuyện vay và không trả nợ được.
Cá nhân, tổ chức cho vay, không đòi được nợ thường phải nhờ qua một đơn vị trung gian. “Nếu hệ thống pháp lý Việt Nam đầy đủ và giải quyết vấn đề đòi nợ nhanh gọn, chi phí vừa phải, thời gian không kéo dài, không phát sinh gì nhiều… chắc chắn không cần thêm hoạt động đòi nợ thuê” – TS Vũ Đình Ánh nói.
Trước phản ánh về việc các công ty đòi nợ thuê theo kiểu "xã hội đen", NHNN vừa có công văn yêu cầu các công ty tài chính phải rà soát lại quy trình cho vay và thu hồi nợ. Cụ thể, NHNN yêu cầu các công ty tài chính phải khẩn trương rà soát toàn bộ các quy định nội bộ về cấp tín dụng, đôn đốc thu hồi nợ; các thỏa thuận với các đối tác về thu nợ nợ, bán nợ. Việc này nhằm Nhằm bảo đảm tuân thủ đầy đủ các quy định tại Thông tư 43/2016/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung) và các quy định của pháp luật có liên quan. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận