Vay cầm cố sổ tiết kiệm - không đơn giản như trước
Trong báo cáo Hội nghị sơ kết sáu tháng đầu năm toàn ngành ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng chỉ đạo cần xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục để xảy ra các hành vi vi phạm đã được cảnh báo, đặc biệt là các ngân hàng cho vay cầm cố sổ tiết kiệm (CCSTK) không có mục đích sử dụng vốn hoặc mục đích sử dụng vốn không hợp pháp.
Cả ngân hàng và người đi vay cùng lợi
Dư nợ CCSTK trong hệ thống các TCTD không phải là con số nhỏ, vì không ít khách hàng gửi tiết kiệm nhưng sau đó cần tiền xử lý công việc, nếu rút tiền gửi trước hạn thì theo quy định sẽ phải chịu lãi suất không kỳ hạn rất thấp, do đó nhiều người chọn vay CCSTK với lãi suất vay cao hơn lãi suất gửi tiền trên sổ tiết kiệm.
Hạn mức vay thường từ 90% giá trị tiền gửi của sổ tiết kiệm. Do ngân hàng nắm chắc tài sản đảm bảo chính là sổ tiết kiệm mở tại ngân hàng mình hoặc ở ngân hàng khác, nên sản phẩm này được xem là có tính an toàn cao. Các ngân hàng rất ưa thích cho vay theo sản phẩm này, vừa đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, vừa đảm bảo được mức sinh lời phù hợp với rủi ro thấp.
Trong những năm trước đây, nhiều ngân hàng đã triển khai sản phẩm gửi tiền rút gốc linh hoạt, theo đó cho phép khách hàng có thể rút gốc từng phần hoặc thậm chí toàn bộ trước hạn mà vẫn được hưởng lãi suất như ban đầu. Điều này dẫn đến tình trạng mất an toàn thanh khoản cũng như rủi ro kỳ hạn tại các ngân hàng, do đó nó đã sớm bị cấm theo quy định của pháp luật.
Nhưng với sản phẩm cho vay CCSTK, vô hình trung các ngân hàng có thể áp dụng để lách quy định này, theo đó khi khách hàng gửi tiền có nhu cầu rút trước hạn thì ngân hàng tư vấn khách hàng vay CCSTK, chấp nhận mức lãi suất vay cao hơn lãi suất trên sổ một cách tượng trưng.
Ví dụ, với một sổ tiết kiệm 1 tỉ đồng, kỳ hạn 12 tháng, lãi suất gửi là 7,5%, sau 10 tháng lãi tiền gửi đã phát sinh là 62,5 triệu đồng. Lúc này, nếu khách hàng cần tiền, phải rút ra trước hạn thì sẽ chịu lãi suất không kỳ hạn tầm 0,2%, tức chỉ còn lĩnh được tiền lãi gần 1,7 triệu đồng, bị thiệt hơn 60,8 triệu đồng.
Vì vậy, khách hàng chọn vay CCSTK 900 triệu đồng với kỳ hạn bằng đúng kỳ hạn còn lại của sổ tiết kiệm, ở đây là hai tháng, với lãi suất 9%, cao hơn so với lãi suất trên sổ 7,5%. Khi đó, tiền lãi vay phát sinh trong hai tháng là 13,5 triệu đồng, đến khi đáo hạn khoản vay và tất toán sổ, khách hàng vẫn còn nhận được tiền lãi là 49 triệu đồng, rõ ràng lợi hơn nhiều so với việc rút trước hạn.
Ngoài ra, nhiều ngân hàng thường sử dụng sản phẩm cho vay CCSTK để đẩy mạnh dư nợ vào thời điểm cuối mỗi năm, nhất là từ khi NHNN áp dụng chính sách giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng phù hợp cho từng ngân hàng. Việc đẩy mạnh số dư dư nợ cuối kỳ tuy không thực chất nhưng sẽ giúp các ngân hàng có hạn mức tăng tuyệt đối cao hơn cho năm kế tiếp.
Phải chứng minh được mục đích vay
Thông tư 39/2016/TT-NHNN ban hành vào cuối năm 2016 đã có những thay đổi về quy định cho vay CCSTK theo hướng chặt chẽ hơn. Cụ thể, theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015, việc CCSTK để vay vốn là một biện pháp bảo đảm tiền vay.
Do đó, Thông tư 39 yêu cầu khách hàng vay phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện vay vốn và phải cung cấp cho TCTD các tài liệu chứng minh đủ điều kiện vay vốn, kể cả cho vay CCSTK.
Quy định này buộc các ngân hàng phải yêu cầu khách hàng khi vay CCSTK cũng phải chứng minh mục đích sử dụng vốn vay phù hợp, tuy nhiên, đứng về phía khách hàng thì từ trước đến nay vẫn có tâm lý cho rằng vay CCSTK chẳng qua là vay lại tiền mình đã gửi vào ngân hàng, do đó không cần phải chứng minh mục đích sử dụng vốn.
Vì vậy, nhiều khách hàng vẫn thiếu sự hợp tác với ngân hàng trong việc cung cấp các tài liệu, giấy tờ chứng minh mục đích sử dụng vốn, bởi cho rằng việc này rườm rà và phức tạp, hoặc không thể chứng minh được, trong khi phía ngân hàng cũng thường dễ dãi cho qua vì muốn giữ khách hàng và cùng có quan điểm rằng sản phẩm này không có tính rủi ro.
Quy định của NHNN có lẽ nhằm hạn chế tình trạng lách các quy định rút trước hạn như đã nói, cũng như tình trạng dòng vốn chạy lòng vòng và có thể gây bất ổn cho hệ thống. Dĩ nhiên với khách hàng chứng minh được mục đích sử dụng vốn phù hợp thì không có gì để bàn, nhưng nếu có những khách hàng vay CCSTK chỉ nhằm rút tiền ra trước hạn để gửi vào các ngân hàng khác có lãi suất tiền gửi cao hơn nhằm hưởng chênh lệch lãi suất, thì rõ ràng điều đó đang gây ra một số vấn đề cho hệ thống, nhất là trong bối cảnh hơn hai năm trở lại đây nhiều ngân hàng liên tiếp phát hành các giấy tờ có giá với lãi suất rất cao.
Thực tế, trong quá khứ đã từng xảy ra những vi phạm về việc cho vay CCSTK gây thiệt hại cho ngân hàng. Cụ thể, trong giai đoạn đua lãi suất thỏa thuận những năm về trước, lợi dụng lãi suất tiền gửi thỏa thuận cao hơn lãi suất vay CCSTK tại một ngân hàng, một số khách hàng có sự móc nối với chính nhân viên ngân hàng liên tiếp quay vòng dòng tiền gửi - vay CCSTK để hưởng chênh lệch lãi suất.
Việc phải cung cấp tài liệu chứng minh mục đích sử dụng vốn cũng giúp hạn chế tình trạng tăng dư nợ khống tại một số ngân hàng, giảm thiểu các rủi ro về làm giả sổ tiết kiệm để cầm cố vay vốn, phát hiện các mục đích sử dụng vốn không hợp pháp, cũng như đảm bảo tương thích với quy định yêu cầu các TCTD phải kiểm tra và giám sát mục đích sử dụng vốn vay sau giải ngân theo quy định cho vay.
Ngoài ra, trong trường hợp khách hàng có khoản vay tại TCTD đến hạn nhưng sổ tiết kiệm chưa đến hạn rút, khách hàng cũng không được phép cầm cố sổ tiết kiệm để vay vốn trả nợ khoản vay đến hạn tại TCTD theo quy định hiện nay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận