Vàng đắt chưa từng có, những ngày tới sẽ ra sao?
Giá vàng trong nước đang đắt chưa từng có, vượt xa mốc 50 triệu đồng/lượng và có vẻ như chưa dừng lại, khi giá thế giới vẫn tăng chóng mặt.
Vàng SJC hướng đến mốc giá không tưởng?
Cuối phiên giao dịch 6/7, giá vàng trong nước lần đầu tiên trong lịch sử lập đỉnh 50 triệu đồng/lượng. Nhưng vẫn chưa dừng lại ở đó, 2 phiên giao dịch tiếp đó, vàng SJC tiếp tục tăng. Chốt ngày 8/7, giá giao dịch cao nhất trên thị trường được ghi nhận ở mức 50,35 triệu đồng. Tại hầu hết các hệ thống kinh doanh trên toàn quốc, giá vàng SJC vẫn có xu hướng tăng khoảng 200.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua và bán so với lúc mở cửa giao dịch.
Nhận định về xu thế này, giới chuyên gia cho rằng giá vàng trong nước đang có sự điều chỉnh theo xu thế chung của thế giới. Tuy nhiên, trong khi giá thế giới tăng dồn dập thì giá trong nước chỉ tăng khiêm tốn do nhu cầu người dân không cao, giới đầu tư lại cảnh giác với sự biến động của thị trường kim loại quý.
Thực tế cho thấy, trong nhiều ngày, các cửa hàng thường nới rộng khoảng cách mua - bán để đề phòng biến động. Chênh lệch mua bán bị đẩy quá cao khiến người dân chưa mặn mà "lướt sóng", dù giá vàng cao kỷ lục.
Tuy vậy, giá vàng vẫn được cho là còn tăng tiếp, ngay cả trong dài hạn vì tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn phức tạp, cùng với sự lo ngại về sự suy giảm kinh tế toàn cầu, sự căng thẳng chính trị giữa một số nước trên thế giới.
"Xu hướng đi lên có thể kéo dài trong ba tháng tới", đại diện của Công ty Chứng khoán VNDIRECT đưa ra dự đoán khi trả lời báo chí.
Hiện, đà tăng của giá vàng trong nước cũng được dự đoán sẽ không dồn dập như hai tháng gần đây mà xuất hiện nhiều nhịp lên xuống đan xen, sau đó khả năng sẽ chững lại vào tháng 10. Thời điểm giá vàng hạ nhiệt có thể rơi vào trước đợt bầu cử Tổng thống Mỹ. Các buổi tranh luận của Trump và ứng cử viên đảng Dân chủ - John Biden về các quyết sách nếu đắc cử có thể khiến thị trường chứng khoán biến động mạnh, từ đó kéo giá vàng thế giới rơi xuống, ảnh hưởng trực tiếp đến vàng trong nước.
Nói về mốc giá không tưởng 51 triệu đồng/lượng, nhiều chuyên gia đều cho rằng khó có thể đạt được trong thời điểm này, dù giá thế giới có thể chạm ngưỡng này.
Vàng thế giới biến động do COVID-19
Theo báo cáo triển vọng hàng hóa mới nhất của Bloomberg Intelligence, vàng đang hướng tới mốc 1.900 USD/ounce, và có rất ít tác động ngăn chặn kim loại quý này chinh phục mức giá cao nhất mọi thời đại bằng đồng USD này.
Chuyên gia cao cấp của Bloomberg Intelligence, ông Mike McGlone cho rằng: "Vàng sẽ vượt trội hầu hết tài sản đầu tư trong môi trường nới lỏng chính sách tiền của các ngân hàng trung ương, và kim loại quý cũng duy trì ưu thế trong hầu hết kịch bản kinh tế. Rất khó để giá vàng thấp hơn hay ngang bằng với mức giá trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra".
Ông Mike McGlone cũng chỉ ra rằng, sự phục hồi kinh tế chậm sẽ gây áp lực lên các hàng hóa, ngoại trừ vàng, và kim loại quý sẽ đạt mức cao kỷ lục 1.900 USD/ounce.
Các chuyên gia của Bloomberg Intelligence cũng dự đoán giá vàng tiếp tục tăng trong thời gian tới. Trong khi đó, theo Kitco, mục tiêu ngắn hạn tiếp theo của vàng là tạo ra mức đóng cửa trên 1.850 USD/ounce.
Số liệu của Hội đồng Vàng Thế giới cho thấy, nhu cầu vàng toàn cầu quý I/2020 tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1.083,8 tấn. Người dân đang có xu hướng tăng cường mua vàng vật chất hơn là các phương thức khác như mua cổ phần của các công ty đào vàng, các quỹ đầu tư chỉ số theo dõi giá vàng...
Theo chuyên gia phân tích Naeem Aslam của Forbes, giá vàng sẽ tiếp tục vững ở mức cao hoặc tăng thêm nữa trong vài quý tới, nhất là quý hiện tại. Mức tăng giá vàng trong quý III/2020 sẽ phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến COVID-19. Nhiều khả năng sẽ không có vắc-xin COVID-19 trước năm 2021, đồng nghĩa với việc hạn chế sự hồi phục kinh tế.
Chuyên gia phân tích của ngân hàng Saxo tỏ ra lạc quan về triển vọng giá vàng khi cho rằng giá sẽ tăng mạnh trong 6 tháng cuối năm 2020 và tiếp tục tăng trong năm 2021. Chuyên gia phân tích Ole Hansen của Saxo nhận định vàng vẫn là mặt hàng chủ chốt duy nhất cho thấy sự hồi phục tích cực trong năm 2020. Ole Hansen ví "vàng sẽ đem lại trái ngọt cho những nhà đầu tư kiên nhẫn trong quí III năm nay".
Có nên lướt sóng vàng?
Đêm 8/7 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay giao dịch quanh ngưỡng 1.809 USD/ounce, cao hơn 14 USD/ounce so với cùng thời điểm của phiên liền trước.
Vàng giao tháng 8 năm 2020 trên sàn Comex New York ở mức 1.819 USD/ounce.
Với mức giá này, giá vàng hôm nay cao hơn 41,0% (526 USD/ounce) so với đầu năm 2019. Quy đổi theo giá USD ngân hàng, vàng thế giới có giá 51,2 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, cao hơn khoảng 950.000 đồng so với giá trong nước.
Đây là lần đầu tiên kể từ 2011 giá vàng tăng lên trên ngưỡng cản quan trọng 1.800 USD/ounce. Xu hướng tăng tiếp diễn do giới đầu tư thận trọng với chứng khoán và đại dịch COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng vàng cũng có nhiều khuyết điểm như không sinh ra dòng tiền đều đặn, chi phí bảo quản lớn và chênh lệch giữa giá mua với bán khoảng 1% - cao hơn cổ phiếu và trái phiếu.
Nhà đầu tư cá nhân am hiểu, theo dõi sát thị trường có thể mua và bán xoay vòng ngắn hạn. Tuy nhiên, nếu dòng tiền nhàn rỗi lớn và có nhu cầu tích luỹ cho trung và dài hạn thì không nên bởi giá vàng còn biến động rất mạnh và chưa phân hoá xu hướng rõ ràng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận