Vận tải biển tiếp đà tăng cho doanh nghiệp phụ trợ logistics
Trong khi các doanh nghiệp vận hành cảng biển, vận tải biển được kỳ vọng thiết lập mặt bằng lợi nhuận mới trong năm 2022, giới phân tích nhận định, các doanh nghiệp phụ trợ logistics cũng sẽ được hưởng lợi từ sản lượng hàng hoá thông qua cảng biển.
Với hệ thống cảng nước sâu quy mô lớn, Việt Nam có vai trò ngày càng lớn, như một trung tâm trung chuyển hàng hóa của khu vực. Theo quan sát của các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, các cảng nước sâu giữ tốc độ tăng trưởng vượt trội khi nhu cầu vận chuyển bằng tàu mẹ tiếp tục gia tăng trong bối cảnh xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng mạnh trong năm 2021.
Năm 2022, tỷ lệ hàng tồn kho trên doanh thu của Mỹ hiện đang ở mức thấp kỷ lục, do các doanh nghiệp và các hãng bán lẻ duy trì chính sách hàng tồn kho rất thấp. Khi mọi thứ trở về mức bình thường, hành vi tiêu dùng có thể cân bằng trở lại và dịch chuyển từ hàng hóa sang dịch vụ và nhu cầu tiêu dùng có thể giảm tốc. Tuy nhiên, các hoạt động tái dự trữ hàng tồn kho sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu vận chuyển trong năm 2022.
Đứng ở góc độ nhìn nhận của Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng VCB (VCBS), trong xu hướng này, nếu cảng hạ nguồn Hài Phòng như cảng Nam Đình Vũ, Mipec, Vinalines Đình Vũ được kỳ vọng tăng trưởng trở lại về sản lượng thì riêng tại khu vực hạ nguồn Cái Mép dự báo sẽ đối mặt với tình trạng quá tải công suất gay gắt trong giai đoạn 2022 - 2023.
VCBS phân tích, lúc này, lợi thế vượt trội thuộc về trung tâm phân phối và cảng cạn (ICD), giúp tập kết hàng hoá để tiết kiệm thời gian xử lý, thông quan hàng hóa và giải tỏa một phần công suất tại cảng biển. Nhất là khi nhu cầu phục vụ hàng hoá tăng mạnh tại khi vực Cái Mép trong khi phần lớn cảng biển trong khu vực về cơ bản đã đạt mức công suất thiết kế.
Trên cơ sở này, đội ngũ phân tích của VCBS đánh giá, Công ty cổ phần Đại lý giao nhận vận tải xếp dỡ Tân Cảng với vai trò hạ tầng nối dài của cảng nước sâu Cái Mép sẽ đón đầu cơ hội tăng trưởng từ sản lượng xếp dỡ.
Bên cạnh đó, với nhiệm vụ vận hành ICD Tân Cảng Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, Công ty cổ phần Đại lý giao nhận vận tải xếp dỡ Tân Cảng có thể gia tăng hiệu quả mảng dịch vụ ICD.
Luận điểm này được VCBS dựa trên cơ sở hiện tượng tắc nghẽn tại nhóm cảng nội thành Tp. Hồ Chí Minh khiến một phần hàng hóa được luân chuyển tới các ICD lân cận; trong đó, có ICD Nhơn Trạch. ICD Tân Cảng Nhơn Trạch đang đón dòng chuyển dịch vốn FDI và tăng trưởng sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu trong khu vực sau giai đoạn đình trệ trong năm 2021 do tỉnh hình dịch bệnh. Bên cạnh đó, xu hướng quay về sử dụng dịch vụ cảng cạn tại Đồng Nai của các doanh nghiệp trong tỉnh khi cụm ICD Trường Thọ, Tp. Hồ Chí Minh được di dời.
Đối với Công ty cổ phần ICD Tân Cảng - Long Bình, doanh nghiệp này được giới phân tích đánh giá cao về tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn với vị trí nằm gần các khu công nghiệp lớn như cụm khu công nghiệp Nhơn Trạch, Long Thành…
Vị trí này giúp ICD Tân Cảng - Nhơn Trạch phát huy tối đa vai trò giảm tải thông quan hàng hóa cho các cảng biển chính. Đồng thời là điểm tập kết hàng hóa xuất nhập khẩu, kết nối khu vực Nhơn Trạch với các cảng Cát Lái, Hiệp Phước và cụm cảng nước sâu Tân Cảng - Cái Mép Thị Vải.
Ngoài ra, hai kho chưa (depot) Tân Cảng Mỹ Thủy và depot Tân Cảng Mỹ Thủy 2 do doanh nghiệp này khai thác cảng Cát Lái từ 3 - 5 km, vừa hỗ trợ tiếp nhận container rỗng phục vụ xuất nhập tàu thông qua cảng, vừa thuận tiện cho khách hàng giao nhận container giữa depot Tân Cảng Mỹ Thủy và cảng Cát Lái.
Cũng nằm trong xu hướng hưởng lợi từ trung tâm phân phối và ICD, các chuyên gia tại Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) nhận định, Transimex đang tiếp nhận nhu cầu gia tăng đối với nhà kho và trung tâm phân phối tại các trung tâm logistics trọng điểm của Việt Nam như Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Hưng Yên.
Về phía Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logisticss Việt Nam (VLA) dự báo, ngành logistics sẽ đạt được mức tăng trưởng khoảng 15% hàng năm trong trung hạn, được hỗ trợ bởi sự tăng trưởng không ngừng của lĩnh vực sản xuất và thị trường thương mại điện tử đang bùng nổ tại Việt Nam.
Đây cũng là cơ hội được nhà phân tích của VCBS đề cập tới khi dự báo tăng trưởng nhóm doanh nghiệp kho vận, trung tâm logistics trong năm 2022. Sự bùng nổ của thị trường thương mại điện tử khi đại dịch thay đổi mạnh mẽ thói quen mua sắm của người dân, qua đó đặt ra nhu cầu lớn về hạ tầng kho vận, trung tâm xử lý hàng hóa do đặc điểm sử dụng không gian kho và hậu cần logistics lớn hơn nhiều so với kênh thương mại truyền thống.
Cùng với đó, sự gia tăng thị phần của các doanh nghiệp chuỗi bán lẻ nhu Bách Hóa Xanh, Co.op Mart, Vinmart… giúp đẩy mạnh nhu cầu hạ tầng kho và dịch vụ logistics.
Thực tế, hiện các doanh nghiệp phụ trợ logistics chưa có báo cáo tài chính quý IV và cả năm 2021; tuy nhiên, chỉ trong 9 tháng năm 2021, hầu hết các doanh nghiệp đã đạt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận trung bình 80%.
Như Công ty cổ phần Transimex có doanh thu thuần 9 tháng năm 2021 đạt 4.060,7 tỷ đồng, tăng 77% so với cùng kỳ năm 2020; lợi nhuận trước thuế 400,8 tỷ đồng, tăng 53% và lợi nhuận sau thuế đạt 374,4 tỷ đồng. Với kết quả này, Transimex đã thực hiện được 82% chỉ tiêu doanh thu và 94% chỉ tiêu lãi trước thuế cả năm 2021.
Hay như Công ty cổ phần ICD Tân Cảng - Long Bình, luỹ kế 9 tháng năm 2021, doanh thu thuần 875,5 tỷ đồng, tăng 9,6%; lãi sau thuế ghi nhận 88,3 tỷ đồng, tăng 46,5% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, lãi sau thuế công ty mẹ tăng 49,5% lên 88,7 tỷ đồng. Như vậy, doanh nghiệp này cũng đã đã hoàn thành 81% mục tiêu lợi nhuận cả năm trước khi bước vào quý IV/2021.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 19/1, cổ phiếu TCL của Công ty cổ phần Đại lý giao nhận vận tải xếp dỡ Tân Cảng có thị giá 39.500 đồng; cổ phiếu TMS của Công ty cổ phần Transimex có thị giá 70.000 đồng, cổ phiếu ILB của Công ty cổ phần ICD Tân Cảng – Long Bình có giao dịch thị giá 31.200 đồng. Trước đó, năm 2021, cổ phiếu của các doanh nghiệp phụ trợ logistics như ILB, TCL hay TMS đã tăng lần lượt 15%, 35% và 111%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận