Vẫn nên ưu tiên gửi tiền tiết kiệm mùa đại dịch Covid
Gửi tiết kiệm trong thời điểm này vẫn là một hình thức đầu tư vừa an toàn lại ổn định được nhiều người lựa chọn
Gần đây, Việt Nam công bố có thêm nhiều người dương tính với virus Covid-19. Điều này đã gây thêm khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và ảnh hưởng tới nhiều kênh đầu tư. Tuy nhiên, tiết kiệm vẫn đang là lựa chọn hàng đầu của nhiều người dân, đặc biệt là các bà nội trợ.
Cho đến thời điểm này, gửi tiết kiệm vẫn là một hình thức đầu tư vừa an toàn lại ổn định được nhiều người lựa chọn. Khách hàng đem khoản tiền nhàn rỗi của mình đi gửi ngân hàng trong một khoảng thời gian nhất định, kết thúc thời gian gửi tiền, ngân hàng sẽ trả lãi kèm theo tiền gốc cho người gửi tiền.
Chưa kể, trong mùa đại dịch Covid, nhiều ngân hàng đã quyết định tăng lãi suất huy động cũng như tặng thêm rất nhiều quà tặng để khuyến khích cũng như tri ân người gửi tiền. Do đó, so với các hình thức đầu tư tiền nhàn rỗi khác hiện nay thì giới chuyên môn luôn đánh giá rằng gửi tiết kiệm vẫn có lợi hơn.
Thừa nhận điều này, một chuyên gia kinh tế nhận định, do ảnh hưởng của đại dịch, giá vàng trong thời gian gần đây tăng lên rất cao. Nhưng người có ý định mua vàng cất trữ lúc này là một ý tưởng tồi; bởi nếu mua bây giờ khi hết dịch bán lại có thể bị lỗ. Bên cạnh đó, chứng khoán hiện nay đang lao dốc liên tục, thị trường bất động sản thì không còn sôi động như trước. Hai kênh đầu tư này lại cần phải có kiến thức nhất định, nếu không am hiểu cũng sẽ dễ gặp rủi ro.
“Vì thế, gửi tiết kiệm dù lãi suất không được nhiều nhưng vẫn được rất nhiều người ưu tiên lựa chọn, đặc biệt là những khách hàng có số tiền nhàn rỗi lớn, sợ rủi ro và không có kinh nghiệm đầu tư. Trung bình với số tiền khoảng 500 triệu đồng, nếu chọn được ngân hàng lãi suất tốt, uy tín, bạn có thể thu về tối thiểu khoảng 2,5 triệu tiền lãi mỗi tháng”, vị chuyên gia trên nói thêm.
Quả vậy, so với các kênh đầu tư khác, thì việc kiếm lãi từ tiền tiết kiệm không đáng là bao. Thế nhưng, nói về sự ổn định và lâu dài thì đây lại là một lựa chọn hợp lý nhất. Đặc biệt, người gửi có thể lựa chọn kỳ hạn gửi theo ý nghĩ chủ quan của mình để chờ đợi thời điểm đầu tư khi nền kinh tế được hồi phục. Thí dụ, bạn chọn gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng, nếu sau này kỳ hạn 6 tháng đáo hạn, bạn sẽ có kinh phí để đầu tư các kênh khác sinh lời tốt hơn. Hoặc nếu đại dịch chưa kết thúc, số tiền đáo hạn bạn có thể tiếp tục gửi tiết kiệm để nhận lãi. Bởi theo khảo sát lãi suất huy động của nhiều ngân hàng hiện nay, kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng lãi suất cao hơn rất nhiều so với kỳ hạn từ 5 tháng đổ lại và không quá chênh lệch so với các kỳ hạn lãi cao hơn. Điển hình như một ngân hàng cổ phần lớn đã niêm yết lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng tối đa là 4,9%/năm (chịu ảnh hưởng khung lãi suất trần của Ngân hàng Nhà nước) nhưng đến kỳ hạn 6 tháng, lãi suất đã tăng lên 7,6%/năm; kỳ hạn 9 tháng là 7,8%/năm, kỳ hạn 12 tháng là 8%/năm.
Mức lãi suất nêu trên được tính là hình thức gửi lãi thông thường, tại quầy và chưa kèm theo chương trình khuyến mãi, trúng thưởng. Nếu người gửi chọn gửi tiết kiệm online lúc này vừa phù hợp với tiêu chí giãn cách xã hội còn mang đến rất nhiều lợi ích. Cụ thể, người gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng hoặc 9 tháng, sẽ được hầu hết các ngân hàng tặng thêm lãi suất từ 0,1 – 0,3% so với gửi tiết kiệm tại quầy trong cùng kỳ hạn. Cùng lúc đó, người gửi tiết kiệm online sẽ được tham gia rất nhiều chương trình nhận quà tặng có giá trị như đồ nội thất, đồ gia dụng, đồ điện máy…
Không chỉ lợi ích về kinh tế, người gửi tiền lúc này còn được hưởng nhiều lợi ích về mặt tinh thần như dễ dàng tra soát sổ tiết kiệm, đồng thời có thể chuyển, rút bất cứ lúc nào chỉ bằng một chiếc điện thoại thông minh…
Như vậy, có thể nói rằng, nếu bạn không có kinh nghiệm đầu tư, lo sợ rủi ro, số tiền nhàn rỗi vừa phải thì nên ưu tiên gửi tiết kiệm online với kỳ hạn 6 tháng hoặc 9 tháng. Giữa tâm bão đại dịch Covid-19, rủi ro về tiền đầu tư sẽ không còn là nỗi lo. Có điều, thời gian gần đây, qua 1 số vụ mất tiền từ sổ tiết kiệm thì giới chuyên môn khuyên rằng người lựa chọn gửi tiết kiệm vẫn nên tránh những sai lầm cơ bản để sổ tiết kiệm của mình vẫn an toàn khi ở nhà.
Đối với những khách hàng VIP, trước nay giới này vẫn chọn hình thức gửi tiết kiệm từ xa, đó là nhân viên ngân hàng thân thiết sẽ đến tận nơi mở sổ tiết kiệm chứ không phải mở tiết kiệm online. Chính điều này trở thành sai lầm vì thời gian qua, rủi ro phát sinh khi nhân viên ngân hàng giao sổ tiết kiệm giả mạo hoặc sau đó không đưa tiền về kho quỹ, không nhập lên hệ thống... là rất nhiều. Ngược lại, vì đã làm việc lâu năm với một số nhân viên ngân hàng thân thiết nên không ít khách gửi tiền chủ quan cho "nợ sổ", "nợ chứng từ" hoặc “ký sẵn chứng từ”, “thay đổi chữ ký”, “không hoàn thành đúng quy trình tất toán”…
Qua một số vụ đã cho thấy, nhiều trường hợp nhân viên thân quen bị đuổi hoặc bỏ trốn và mang theo toàn bộ số tiền tiết kiệm của khách hàng. Từ những vụ việc trên, người gửi nhớ rằng việc không đến ngân hàng trực tiếp để mở sổ tiết kiệm thì có thể lựa chọn các hình thức khác như gửi tiết kiệm online thay vì ủy thác niềm tin của mình vào những nhân viên thân thiết lâu năm. Theo đó, chỉ cần 1 chiếc laptop hoặc 1 chiếc smartphone có kết nối Internet là bạn có thể dễ dàng tạo khoản tiết kiệm online cho dù bạn ở bất kỳ nơi đâu, và vào bất cứ lúc nào. Đây là một hình thức đầu tư phổ biến hiện nay, được đánh giá là tương đối an toàn và ít rủi ro.
Có điều, để an toàn tuyệt đối ở hình thức gửi tiết kiệm này người gửi tiền nên đăng ký nhận dịch vụ thông báo SMS khi có biến động tài khoản. Ngoài ra, khi nhận được các sao kê tài khoản qua email, khách hàng không nên bỏ qua, mà cần đọc để kiểm tra. Các sao kê tài khoản, sao kê thẻ… đều thể hiện chi tiêu hoặc biến động số dư tài khoản trong tháng. Đặc biệt, người gửi tiền không nên vào các trang web lạ và có tính bảo mật kém trên máy tính hoặc điện thoại. Đã có không ít cảnh báo về việc các đối tượng xấu lập giả trang web ngân hàng để lừa khách hàng khai báo thông tin cá nhân, sau đó trục lợi…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận