Vải thiều Thanh Hà "hút" người tiêu dùng Thủ đô
Với giá bán 40.000 đồng/kg, vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) ngay ngày đầu khai mạc Phiên chợ quảng bá, tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản, thực phẩm an toàn tại Hà Nội năm 2020 đã thu hút được đông đảo người tiêu dùng Thủ đô đến tham quan và mua hàng.
Tiếp nối thành công của các phiên chợ năm 2016 - 2018, phiên chợ quảng bá, tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản, thực phẩm an toàn tại Hà Nội năm 2020 do Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp phối hợp với UBND huyện Thanh Hà (Hải Dương) đã được khai mạc sáng ngày 29/5, tại Hà Nội.
Với gần 100 gian hàng, các doanh nghiệp mang đến phiên chợ nhiều mặt hàng nông thủy hải sản, hàng tiêu dùng, lương thực; thực phẩm đa dạng, phong phú với nhiều mặt hàng như: Vải thiều Thanh Hà, gạo Séng Cù, gạo Tám Xoan Hải Hậu, thạch đen Cao Bằng, mật ong Bạc Hà Mèo Vạc, chè Tân Cương,…. Phiên chợ được tổ chức nhằm kết nối cung cầu theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước giữa các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp và siêu thị, cửa hàng thực phẩm tại các thành phố lớn trong cả nước. Quảng bá tiêu thụ sản phẩm vải thiều Thanh Hà tới người tiêu dùng Thủ đô và các tỉnh lân cận….
Tại phiên chợ, vải thiều Thanh Hà được bán với giá 40.000 đồng/kg. Ngay ngày khai mạc đầu tiên, đã có rất nhiều khách hàng tại Hà Nội tham quan và mua được vải thiều Thanh Hà chính hiệu. "Ở một số chợ dân sinh, vải thiều được bán với giá 25.000 – 30.000 đồng/kg, tuy nhiên, nguồn gốc không rõ ràng. Đến với phiên chợ, tôi có thể mua được vải thiều Thanh Hà chính gốc, trái đẹp, sáng mã, sản phẩm lại được truy xuất nguồn gốc rõ ràng giúp những người tiêu dùng như chúng tôi yên tâm hơn", chị Mai Ánh Tuyết (trú tại phố Hoàng Quốc Việt, Hà Nội) cho hay.
Theo các nhà vườn trồng vải Thanh Hà, vải nơi đây có độ giòn của cùi, khi bóc quả vải không bị chảy nước, ăn có cảm giác giòn, vị ngọt đậm, hương thơm mát đặc trưng, khi ăn lưu giữ hương vị lâu hơn.
Ông Trịnh Văn Thiện – Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà (Hải Dương) - cho hay, thời điểm đầu vụ, vải thiều Thanh Hà được bán với giá 55.000 – 60.000 đồng/kg, hiện giá bán buôn tại Hải Dương phổ biến ở mức 30.000 đồng/kg. Năm nay, vải được mùa, được giá. “Hiện, diện tích trồng vải trên địa bàn huyện khoảng 3.600ha và cho doanh thu khoảng 600 - 700 tỷ đồng/năm. Năm 2018, sản lượng vải chín sớm và chín muộn trên địa bàn huyện Thanh Hà là 40 nghìn tấn, năm nay dự kiến cho khoảng 35 nghìn tấn. Với giá bán như hiện nay thì nhà vườn cho doanh thu khoảng 200 triệu đồng/ha”, ông Thiện cho biết thêm.
Cũng theo ông Trịnh Văn Thiện, hiện có khoảng 300 tổ chức, doanh nghiệp và thương lái trong đó có cả thương lái Trung Quốc đến thu mua, đóng gói xuất khẩu đi các thị trường như EU, Mỹ,… trong đó chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Năm nay, dự kiến vải thiều Thanh Hà sẽ được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, tuy nhiên, do dịch Covid-19 nên việc xuất khẩu sang thị trường này gặp khó khăn. Mới đây, lô vải thiều Thanh Hà đầu tiên đã được xuất khẩu sang thị trường Singapore, ông Trịnh Văn Thiện hy vọng thời gian tới sẽ có lô vải thiều Thanh Hà đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Ông Đào Văn Hồ - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ nghiệp và Phát triển nông thôn) – nhận định, các chương trình xúc tiến thương mại đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá vải thiều Thanh Hà, nhất là khi thời điểm này đang vào vụ thu hoạch chính vụ. Đồng thời, giúp trái vải có thể tiếp cận với thị trường nội địa gần 100 triệu dân với nhu cầu rất cao. Đặc biệt, rất nhiều người tiêu dùng ở Hà Nội chưa hiểu một cách cặn kẽ, cũng như chưa mua được sản phẩm Thanh Hà chính hiệu.
Cùng với việc kích cầu tiêu dùng nội địa, trung tâm cùng với Bộ NN&PTNT để mở rộng thị trường xuất khẩu cho trái vải nói chung và vải thiều Thanh Hà nói riêng. Bên cạnh đó, sẽ phối hợp với các công ty chế biến nhằm kéo dài thời gian bảo quản, từ đó giúp giảm áp lực tiêu thụ khi vải vào chính vụ.
Năm 2015, huyện Thanh Hà đã cấp được mã số cho 9 vùng trồng xuất khẩu đi Mỹ, Úc, EU. Năm 2020, huyện tiếp tục được cấp mới 8 mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Như vậy, đến nay, Thanh Hà đã có 17 vùng trồng vải đạt tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, với mong muốn được đưa sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, từ năm 2018, huyện cũng đã tổ chức dán tem truy xuất nguồn gốc cho vải thiều, đảm bảo yêu cầu xuất khẩu và bảo vệ thương hiệu. Cùng với các biện pháp kỹ thuật trồng dải vụ, kết hợp với các biện pháp thị trường và chế biến, ông Đào Văn Hồ kỳ vọng sẽ giúp cho trái vải thiều nói chung và vải thiều Thanh Hà nói riêng có đầu ra ổn định và có giá trị cao hơn.
Hội chợ diễn ra từ ngày 29 - 31/5/2020 tại Trung tâm Hội chợ triển lãm giao dịch kinh tế và thương mại số 489 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận