menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Dương Mạnh

Vaccine không là “cây đũa thần” cho tăng trưởng

Theo các chuyên gia, không nên trông chờ vaccine sẽ giải quyết được mọi vấn đề, đặc biệt là tăng trưởng kinh tế trong năm nay.

Đừng biến vaccine thành điều kiện của điều kiện

Kế hoạch và đàm phán để có đủ lượng vaccine đạt tới miễn dịch cộng đồng (150 triệu liều) đã cơ bản hoàn tất; nguồn lực tài chính cho việc thực hiện kế hoạch đó cũng cơ bản đã sẵn sàng. Như vậy trong kịch bản khả quan nhất nếu các nhà cung cấp cung ứng đủ và kịp thời như đàm phán thì cơ hội đạt được miễn dịch cộng đồng có thể đến ngay trong năm nay.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính, không có vaccine sẽ không thể tạo được miễn dịch cộng đồng mà như thế rất khó có được “trạng thái bình thường mới bền vững”. Ngược lại có vaccine đạt đến ngưỡng miễn dịch sẽ giúp chúng ta không còn lo tình trạng các đợt dịch tái diễn và đợt sau lại phức tạp, nguy hiểm hơn đợt trước như hiện nay.

Tuy nhiên từ góc độ cá nhân chuyên gia này nhận định, trong kịch bản khả quan nhất thì năm nay Việt Nam vẫn khó có thể đạt được miễn dịch cộng đồng. Bên cạnh đó, vaccine sẽ giúp tạo ra một trạng thái bình thường mới bền vững, qua đó tạo điều kiện cần quan trọng để cho kinh tế phát triển, để các hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu dùng… thực sự phục hồi trở lại. Thế nhưng điều kiện đủ là vẫn phải tiếp tục các chính sách, giải pháp - đặc biệt về mặt kinh tế thì mới mong có tăng trưởng cao được.

Cũng cho rằng khó để có thể đạt được miễn dịch cộng đồng nhờ vaccine ngay trong năm nay, PGS.TS. Vũ Sỹ Cường - chuyên gia tài chính công chỉ ra hai vấn đề liên quan đến vaccine. Thứ nhất, khi vaccine về với khối lượng lớn, việc triển khai hệ thống để tiêm cho hàng triệu người trong thời gian ngắn là không hề đơn giản, vì vậy sẽ cần thời gian và công tác chuẩn bị về nhân lực, vật lực. Thứ hai, giả sử chúng ta tiêm được đến mức 30-40% dân số trong năm nay thì vẫn chưa thể mở cửa hoàn toàn và tác động tích cực đến nền kinh tế vẫn chưa nhiều. Đơn cử, chúng ta vẫn chưa thể cho người nước ngoài vào du lịch được vì với tỷ lệ tiêm thấp như vậy thì giá trị miễn dịch chưa có tác dụng nhiều. “Phải tiêm được từ 50% dân số trở lên thì những tác động mới rõ nét hơn mà để đạt được như vậy thì cần thời gian chứ không phải quá nhanh được”, chuyên gia này dự báo.

Trong khi đó theo TS. Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Vietnam, kỳ vọng vào vaccine là đúng, hợp lý và chắc chắn chúng ta đang mua, sẽ mua và tìm kiếm từ các nguồn khác để có vaccine tiêm cho đa số người dân. “Nhưng nếu chúng ta gắn vaccine như là một điều kiện để có được tăng trưởng trong năm nay là điều không nên. Như thế không khác nào chúng ta đặt điều kiện trong điều kiện, phải có cái này mới có cái kia, trong khi chỉ còn hơn 6 tháng nữa là hết năm và khả năng có đủ vaccine như dự kiến hay không thì vẫn chưa chắc chắn. Vì thế, dù chúng ta kỳ vọng nhưng không nên xem đây là một điều kiện bắt buộc phải có, hay là một “viên đạn bạc” để giải quyết mọi vấn đề”, TS. Bình nhận định.

Tâm thế tốt sẽ cho thành quả tốt

Cho rằng nếu có đủ vaccine như dự kiến là rất tốt, nhưng theo ông Bình, quan trọng hơn là cần giữ tâm thế là chưa có vaccine và ứng xử với tình thế đó bằng việc không được sao nhãng việc phòng, chống dịch bệnh; vẫn phải tiếp tục phát triển kinh tế, duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh, duy trì cuộc sống sinh hoạt và làm việc một cách an toàn. “Khi có tâm thế đúng, quan niệm đúng thì hành động của các cấp chính quyền, của doanh nghiệp sẽ đúng hơn”, ông Bình nói.

Hơn nữa, khi đã xác định được như vậy chúng ta cũng sẽ có tâm thế tốt hơn, bình tĩnh hơn trong quá trình chờ đợi vaccine, từ việc tìm kiếm, lựa chọn, đàm phán để có được các loại vaccine tốt nhất, an toàn nhất để tiêm cho người dân…; đến việc chuẩn bị các khâu liên quan đến triển khai tiêm chủng sao cho bài bản, chặt chẽ, an toàn.

“Nếu các địa phương, doanh nghiệp quá trông chờ, đặt mọi niềm tin và hy vọng vào vaccine mà bỏ quên hay sao nhãng những biện pháp phòng chống dịch thì không phải là một lựa chọn tốt nhất, kể cả về mặt y tế cũng như kinh tế”, TS. Bình nói.

Ngoài ra, ngay cả trong kịch bản khả quan nhất là chúng ta đạt tới miễn dịch cộng đồng vào cuối năm nay thì theo các chuyên gia, vaccine cũng không thể là “cây đũa thần” cho tăng trưởng kinh tế năm nay bởi sẽ có độ trễ trong định lượng được các tác động về kinh tế. Nói cách khác, nếu chúng ta đạt được trạng thái miễn dịch cộng đồng ngay trong năm nay thì những tác động của vaccine sẽ không được thể hiện nhiều vào kết quả năm nay mà chỉ rõ nét từ năm sau, tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng kinh tế phục hồi mạnh mẽ hơn từ sang năm trở đi.

Để phục hồi kinh tế, nỗ lực để đạt được tăng trưởng cao nhất trong năm nay, các chuyên gia cho rằng ưu tiên hàng đầu là phải tiếp tục các biện pháp quyết liệt phòng chống dịch bệnh. “Trên cơ sở phòng dịch và đảm bảo an toàn, trước mắt chúng ta vẫn phải tìm mọi cách để duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường nhất có thể, đặc biệt là trong các khu công nghiệp. Tinh thần chính lúc này là các địa phương, doanh nghiệp vẫn phải chủ động khắc phục khó khăn, chứ còn chỉ ngồi chờ vaccine là “căng” đấy. Nên tôi cho rằng, việc Chính phủ chỉ đạo phải vừa chống dịch, vừa duy trì các hoạt động kinh tế là rất đúng hướng”, PGS.TS. Vũ Sỹ Cường nói.

Trong khi đó TS. Lê Duy Bình cho rằng, các dư địa về chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ năm nay đã bị thu hẹp rất nhiều. Về mặt tài khóa, ngân sách năm nay chắc chắn bị co hẹp rất nhiều, trong khi đầu tư công năm nay theo kế hoạch chỉ có hơn 460 nghìn đồng, thấp hơn rất nhiều so với năm ngoái. Trong khi đó về phía tiền tệ, các áp lực về lạm phát đang tăng lên, dẫn đến khả năng hạ được lãi suất ngày càng khó khăn hơn. “Cách tốt nhất bây giờ là cần phối phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, xác định các khoảng trống để bổ sung, hỗ trợ cho nhau”, chuyên gia này đề xuất.

Song song với đó, cần tiếp tục đẩy mạnh quá trình cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa các thủ tục để khuyến khích đầu tư nước ngoài, kích thích đầu tư tư nhân. Ngoài ra, sự phục hồi của cầu bên ngoài đối với các hàng hóa chế biến chế tạo, hàng nông sản xuất khẩu… cũng kỳ vọng hỗ trợ cho tăng trưởng năm nay.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại