Vaccine Covid-19 không phải ‘thần dược’ đối với kinh tế thế giới?
Vaccine Covid-19 sẽ mang lại hy vọng phục hồi kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, sự phục hồi có thể không diễn ra mạnh mẽ như mong đợi.
Ngày 8/12, một cụ bà người Anh, 90 tuổi đã trở thành người đầu tiên ở phương Tây được tiêm chủng Covid-19 bằng vaccine của hãng Pfizer và BioNTech. Nước Anh đã chính thức khởi động chiến dịch tiêm chủng Covid-19 cho toàn dân. Đó là một thời khắc quan trọng. Đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 1,5 triệu người trên thế giới và buộc nhiều trụ cột của nền kinh tế toàn cầu phải tạm thời đóng cửa.
Khi vaccine ngừa Covid-19 được phân phối rộng rãi, các doanh nghiệp sẽ được mở cửa trở lại, nhu cầu tiêu dùng bị dồn nén suốt thời gian qua cũng sẽ được giải phóng.
Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) dự báo, kinh tế thế giới sẽ chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021 nhưng nền kinh tế sẽ không lấy lại hoàn toàn sản lượng đã mất cho đến cuối năm sau.
Với những tiến bộ về vaccine ngừa Covid-19 trong thời gian qua, OECD khẳng định, đây là lần đầu tiên kể từ khi đại dịch bắt đầu, OECD mới đưa ra hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn của kinh tế toàn cầu. OECD cho rằng, kinh tế toàn cầu sẽ giảm 4,2% trong năm nay. Năm 2021, tăng trưởng GDP thực tế sẽ đạt 4,2%.
Theo Giám đốc nghiên cứu vĩ mô toàn cầu tại Oxford Economics Ben May, tăng trưởng GDP toàn cầu trong năm tới sẽ là mức mạnh nhất kể từ cuối những năm 1970, một mức tăng đủ lớn để đưa nền kinh tế trở lại mức trước khủng hoảng bởi dịch bệnh. Nhưng do sự gia tăng này sẽ chỉ khôi phục lại nền kinh tế nên đây chưa thể coi là mức tăng tốt nhất trong hơn bốn thập kỷ.
Theo bà Ben May, một số ngành sẽ nhanh chóng cảm nhận được hiệu ứng từ vaccine ngừa Covid-19. Cụ thể, sản xuất công nghiệp đã phục hồi và có khả năng tăng nhanh, trong khi lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là du lịch sẽ tăng trưởng chậm hơn.
Chuyên gia kinh tế Neil Shearing tại công ty nghiên cứu kinh tế độc lập Capital Economics tin rằng, GDP toàn cầu có thể trở lại mức trước đại dịch Covid-19 vào giữa năm 2021. Song, ông Neil Shearing nhận thấy, nền kinh tế thế giới sẽ không trở lại quỹ đạo trước đó cho đến năm 2024.
Ông Neil Shearing chỉ ra rằng, các quốc gia sẽ không phục hồi giống nhau do tác động của Covid-19 đến các quốc gia không đồng đều. Ví dụ, Tây Ban Nha, Ấn Độ, Pháp và Anh đã bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề và vẫn còn suy sụp, trong khi Trung Quốc lại kiểm soát tốt đại dịch và đang dần phục hồi kinh tế.
"Covid-19 đã tạo ra sự khác biệt lớn về kinh tế tại các quốc gia. Sự khác biệt này sẽ không biến mất vào năm 2021, nhưng khoảng cách có khả năng được thu hẹp khi vaccine tung ra rộng rãi và các nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất bắt đầu dần hồi phục", chuyên gia kinh tế Neil Shearing nhấn mạnh.
Ông Neil Shearing cho hay, "vết sẹo" của nền kinh tế có tiếp tục hằn sâu hay không sẽ phụ thuộc một phần vào điều gì sẽ xảy ra trong những tháng tới.
Tập đoàn Moody's dự đoán, nền kinh tế Mỹ vẫn sẽ giảm 2,9% trong năm nay, bất kể tín hiệu lạc quan từ vaccine. Và phải đến năm 2024, nền kinh tế lớn nhất thế giới mới có thể tạo ra được 22 triệu việc làm đã bị "cuốn bay" bởi đại dịch.
Khu vực châu Âu cũng đang đối mặt với nguy cơ suy thoái kép lần đầu tiên trong gần 10 năm, khi vừa phải "bật chế độ" đóng cửa lần 2 để ngăn sự lây lan của virus SASR-CoV-2.
Bên cạnh đó, vaccine sẽ mất thêm vài tháng để phân phối rộng rãi, trong khi những tác động lên nền kinh tế vẫn đang diễn ra.
Chủ tịch Ngân hàng UBS Axel Weber cũng nhận thấy, cần ít nhất 1 năm nữa để GDP các nước quay trở lại mức trước khủng hoảng dịch bệnh và sẽ mất từ 1 - 2 năm để quay về mức thất nghiệp trước Covid-19.
"Thế giới vẫn phải đối mặt với quá trình hồi phục kéo dài", ông Axel Weber nhấn mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận