Ủy ban Kinh tế lên tiếng về thủy điện
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã hoàn thành báo cáo Kết quả phiên giải trình Thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội
Đây là một trong những vấn đề sẽ được Quốc hội thảo luận tại hội trường từ ngày 3/11, cùng với các kế hoạch kinh tế - xã hội, ngân sách, đầu tư công.
Cảnh báo nguy cơ thiếu điện
Tại báo cáo, Ủy ban Kinh tế cảnh báo: chưa bảo đảm sự cân đối giữa cơ cấu nguồn điện và lưới điện, Việt Nam đối mặt với nguy cơ thiếu điện.
Báo cáo nêu rõ, đầu tư cho ngành điện nói riêng và năng lượng khác (than và dầu khí) từ 2016 trở lại đây đã có sự chững lại, trong khi tăng trưởng kinh tế ở mức cao hơn, nhu cầu điện nhiều hơn. Kế hoạch xác định nguồn lực, tiến độ thực hiện một số dự án điện chưa rõ ràng; năng lực của các nhà đầu tư cũng như nhà thầu còn hạn chế cả về tài chính và kỹ thuật.
Trong giai đoạn 2011 - 2015, tỷ lệ hoàn thành đầu tư nguồn điện theo công suất trên toàn quốc đạt 81,4%, trong đó cao nhất là miền Trung đạt 95,9%, miền Nam đạt thấp nhất với 62,7%. Giai đoạn 2016 - 2020 tỷ lệ hoàn thành đạt 93,7%. Tuy nhiên, cơ cấu tỷ lệ công suất đưa vào vận hành lại rất khác biệt. Các nguồn điện truyền thống là nhiệt điện (chủ yếu là nhiệt điện than) thực hiện được khá thấp, chỉ đạt 57,6% so với quy hoạch.
Sự phát triển nguồn điện của từng miền (Bắc - Trung - Nam) có những điểm không hợp lý. Trong các năm từ 2015 - 2019, sản lượng phát điện của các nguồn điện miền Nam luôn thấp hơn nhu cầu phụ tải. Sự phát triển của nguồn điện không cân đối với nhu cầu phụ tải của từng vùng miền đã gây ra áp lực lớn cho hệ thống lưới điện truyền tải 500kV liên miên.
Qua giải trình cho thấy, chưa có cơ chế ràng buộc trách nhiệm của các chủ đầu tư khi làm chậm trễ các dự án nên nhiều dự án nguồn điện lớn, đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm nguồn điện dự kiến đưa vào vận hành giai đoạn 2016 - 2020 bị chậm tiến độ.
Có 10 dự án nguồn điện lớn dự kiến đưa vào vận hành giai đoạn 2016 - 2020 theo QHĐ VII điều chỉnh nhưng bị chậm tiến độ sau năm 2020 với tổng công suất khoảng 7.000 MW, như Sông Hậu 1 (PVN - 1.200 MW), Thái Bình 2 (PVN – 1.200 MW), Long Phú 1 (PVN - 1.200 MW), Na Dương 2 (TKV-110 MW), Cẩm Phả 3 (TKV – 440 MW, chưa đầu tư), Công Thanh (600 MW), Ô Môn 3...
Hầu hết các dự án BOT do nước ngoài thực hiện đều bị chậm so với tiến độ trong quy hoạch. Nhiều dự án đang trong quá trình triển khai thi công cũng bị chậm tiến độ như Long Phú 1, Sông Hậu 1, Thái Bình 2...
Theo kết quả rà soát mới đây, tổng công suất các dự án nguồn điện có thể đưa vào vận hành trong giai đoạn 2016 - 2020 chỉ đạt 15.500 MW/21.650 MW theo quy hoạch (đạt gần 72%).
Giai đoạn 2016 - 2019, tăng trưởng xây dựng nguồn điện đã sụt giảm đáng kể với bình quân chỉ đạt 8%/năm, trong đó giảm nhiều nhất là thủy điện (chỉ còn bình quân 5%/năm) và nhiệt điện than (chỉ còn bình quân 10%/ năm). Nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng này là thủy điện đã khai thác hầu hết tiềm năng kinh tế trong giai đoạn trước; nhiệt điện than gặp nhiều khó khăn trong công tác xây dựng. Trong khi đó, điện sinh khối còn chiếm tỷ trọng rất khiêm tốn trong cơ cấu nguồn điện (đến năm 2019 chiếm 0,58%) - Ủy ban Kinh tế nhận định.
Lo mất an toàn từ thủy điện đầu tư dàn trải
Từ phiên giải trình, Ủy ban Kinh tế đánh giá, việc không tuân thủ nghiêm túc Quy hoạch phát triển điện lực cũng làm cho hệ thống điện phát triển mất cân đối, ảnh hưởng tới độ tin cậy, ổn định và hiệu quả của ngành điện. Nhiều dự án thủy điện nhỏ và vừa đã được cấp phép, đầu tư dàn trải, chưa đáp ứng theo yêu cầu phát triển thủy điện đi đôi với bền vững môi trường, sinh thái.
Một đề nghị đáng chú ý được Ủy ban Kinh tế nêu tại báo cáo là phát triển ngành năng lượng phải gắn với bảo đảm môi trường, xử lý kịp thời vấn đề môi trường, hướng tới một nền năng lượng xanh, sạch, tiết kiệm và hiệu quả. Tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ hiện đại có khả năng tiết kiệm nguyên liệu, tiết kiệm chi phí, giảm thải tác hại môi trường.
Khẩn trương nghiên cứu các giải pháp xử lý đối với các tấm pin mặt trời, ắc quy tích điện khi hết thời hạn sử dụng để bảo đảm an toàn với môi trường; có giải pháp phù hợp xử lý tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện than để hạn chế tác động đến môi trường, khuyến khích tận dụng tro, xỉ làm vật liệu xây dựng.
Cơ quan thẩm tra các vấn đề kinh tế của Quốc hội cũng lên tiếng về thuỷ điện - vấn đề đang gây tranh cãi khi lũ lụt tại miền Trung đang diễn biến phức tạp.
Để bảo đảm an toàn đối với các dự án thủy điện và hạn chế các tác động xấu đến môi trường, Ủy ban Kinh tế đề nghị khẩn trương nghiên cứu, ban hành các hướng dẫn về điều tra, khảo sát dấu hiệu cảnh báo nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét để có phương án di dời khẩn cấp đối với các công trình hiện hữu trong mùa mưa lũ; đồng thời sớm ban hành hướng dẫn kỹ thuật trong việc lựa chọn, khảo sát địa điểm xây dựng công trình lán trại, trụ sở làm việc, cụm dân cư trong vùng có nguy cơ sạt lở đất.
Cơ quan của Quốc hội còn đề nghị rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định trong việc lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện phương án trồng rừng thay thế đối với các dự án thủy điện nói riêng cũng như các dự án/công trình khác nói chung nhằm góp phần nâng cao chất lượng trồng rừng bảo đảm cân bằng sinh thái và khả năng tự điều tiết nguồn nước trên lưu vực. Khẩn trương xây dựng, phê duyệt bản đồ ngập lụt hạ du đập và hồ chứa nước nhằm kịp thời triển khai công tác ứng phó với tình huống thiên tai khẩn cấp.
Đề nghị tiếp theo từ Ủy ban Kinh tế là nâng cao chất lượng thẩm định, phê duyệt đánh giá tác động môi trường đối với các dự án thủy điện. Tiến hành đánh giá lại quy trình vận hành điều tiết lũ của các hồ chứa trên cơ sở cập nhật các đặc trưng lũ và năng lực vận hành các công trình thủy lợi - thủy điện để có giải pháp bổ sung, điều chỉnh cả về mặt công trình và phi công trình nhằm bảo đảm an toàn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận