Ứng phó với COVID-19 tạo sự khác biệt thế nào giữa các nền kinh tế lớn?
Số liệu kinh tế quý I/2021 từ các nền kinh tế lớn đã cho thấy sự ứng phó với đại dịch COVID-19 có thể tạo ra sự khác biệt giữa tăng trưởng và suy yếu như thế nào.
Kinh tế Mỹ trong quý I/2021 đã tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu quý thứ ba tăng trưởng liên tiếp.
Các gói kích thích kinh tế và chương trình tiêm chủng đã thúc đẩy hoạt động chi tiêu tiêu dùng tăng 10,7%. Nền kinh tế lớn nhất thế giới này được dự đoán sẽ tiếp tục phục hồi mạnh mẽ nhờ tác động từ các chương trình chi tiêu của chính phủ.
Trong khi đó, Trung Quốc đã ghi nhận bốn quý tăng trưởng liên tiếp, gần đây nhất là mức tăng 0,6% trong quý I/2021 so với quý trước đó, hay 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu, cùng với đầu tư và các hoạt động kinh tế khác đều phát triển mạnh mẽ nhờ Bắc Kinh đã kiểm soát dịch bệnh sớm hơn các nước lớn khác.
Ngược lại, Văn phòng Nội các Nhật Bản cho biết trong quý I/2021 (quý cuối của tài khóa 2020), Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của nước này ước giảm 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 1,3% so với quý trước đó, chủ yếu do tác động của dịch COVID-19. Đây là lần đầu tiên GDP thực tế của Nhật Bản giảm sau hai quý phục hồi liên tiếp.
Tính chung trong tài khóa 2020 GDP thực tế của Nhật Bản giảm 4,6% so với tài khóa trước đó. Đây là mức sụt giảm mạnh nhất kể từ khi Nhật Bản bắt đầu thu thập dữ liệu về GDP vào tài khóa 1955 và là năm thứ hai liên tiếp nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này rơi vào suy thoái.
Còn tại châu Âu, nền kinh tế của Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone) trong quý I/201 đã giảm 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái, do sự lây lan biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đã buộc nhiều nước phải tái áp đặt các lệnh phong tỏa. Đây là quý thứ hai liên tiếp kinh tế châu Âu suy giảm. Dù vậy, nền kinh tế khu vực này được dự đoán sẽ tăng trưởng trong quý hiện tại.
Sự chênh lệch trong tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản so với Mỹ, Trung Quốc và châu Âu sẽ trở nên rõ ràng hơn trong quý II, theo 10 chuyên gia kinh tế của khu vực tư nhân trong cuộc khảo sát của Nikkei.
Kinh tế Mỹ được dự đoán tăng 9,7% nhờ các kế hoạch chi tiêu khổng lồ từ chính quyền của Tổng thống Joe Biden, bên cạnh tiến trình tiêm vaccine nhanh chóng.
Còn kinh tế của Liên minh châu Âu được dự đoán phục hồi với mức tăng trưởng 7% trong quý II. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản ước tính chỉ ở mức khiêm tốn 1,7% do hoạt động chi tiêu tiêu dùng ảm đạm.
Theo một phép đo lấy GDP quý IV/2019 là cơ sở so sánh ở mức 100 điểm, đến quý II năm nay, Trung Quốc được dự đoán là nước đầu tiên phục hồi nền kinh tế về các mức như thời kỳ trước đại dịch với 108 điểm trong giai đoạn từ tháng 4-6, trong khi Mỹ đứng thứ hai với 101 điểm.
Khu vực đồng Eurozone được dự đoán ở mức 98 điểm, còn Nhật Bản đứng cuối trong bốn nền kinh tế này với 96 điểm./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận