UNCTAD: Xuất khẩu toàn cầu mất 50 tỷ USD vì Trung Quốc sụt giảm sản xuất
Theo dự báo của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), hoạt động sản xuất ở Trung Quốc sụt giảm do dịch COVID-19 sẽ khiến xuất khẩu toàn cầu mất 50 tỷ USD trong những tháng tới.
Đây là dự báo do Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) đưa ra trong báo cáo công bố ngày 4/3 về thương mại toàn cầu.
Theo báo cáo, Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Nhật Bản sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do xuất khẩu giảm.
Báo cáo nhấn mạnh dịch COVID-19, tính đến nay đã khiến hơn 92.000 người trên toàn thế giới nhiễm và hơn 3.200 người tử vong, có thể làm sụt giảm đáng kể không chỉ nền kinh tế Trung Quốc mà còn kinh tế toàn cầu.
Báo cáo của UNCTAD chỉ ra rằng Trung Quốc giữ vai trò là trung tâm sản xuất đối với nhiều doanh nghiệp toàn cầu, do đó bất kỳ sự gián đoạn nào về sản lượng của Trung Quốc sẽ gây hậu quả đối với bất kỳ nơi nào trong chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực.
Theo UNCTAD, khoảng 20% thương mại toàn cầu về các sản phẩm trung gian được sản xuất ở Trung Quốc, tăng gấp 5 lần so với mức chỉ 4% trong năm 2002.
Riêng tháng 2 vừa qua, hầu hết hoạt động chế tạo của Trung Quốc bị đình trệ do nhiều khu vực của nước này bị phong tỏa để ngăn chặn dịch COVID-19, dẫn tới làm giảm 2% xuất khẩu các sản phẩm trung gian cả năm của Trung Quốc.
Phát biểu trước báo giới tại Geneva (Thụy Sĩ), Giám đốc cơ quan thương mại quốc tế của UNCTAD Pamela Coke - Hamilton nhận định tình hình trên tại Trung Quốc gây "hiệu ứng gợn sóng" đối với toàn bộ kinh tế toàn cầu, theo đó kim ngạch xuất khẩu trên toàn thế giới có thể giảm khoảng 50 tỷ USD.
Trong đó, EU sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với mức giảm dự báo khoảng 15,6 tỷ USD, tiếp sau là Mỹ với 5,6 tỷ USD, Nhật Bản 5,2 tỷ USD, Triều Tiên 3,8 tỷ USD, Đài Loan (Trung Quốc) 2,6 tỷ USD, Việt Nam 2,3 tỷ USD và Thụy Sĩ 1 tỷ USD.
Những lĩnh vực bị tác động lớn nhất ở châu Âu và Mỹ là chế tạo máy và công nghiệp ô tô.
Ngoài ra, theo UNCTAD, trong tháng 2/2020, Trung Quốc cũng chứng kiến sự sụt giảm đáng kể về chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) xuống còn 35,7 điểm, so với mức 50 điểm trong tháng 1/2020, thậm chí thấp hơn cả mức thấp kỷ lục 38,8 điểm ghi nhận vào tháng 11/2008, khi nền kinh tế toàn cầu bước vào cuộc khủng hoảng tài chính.
Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, Ban Thư ký phụ trách các vấn đề kinh tế (SECO) của Thụy Sĩ mới đây cũng bày tỏ quan ngại về tác động của dịch bệnh COVID-19 đối với thị trường vốn cũng như chuỗi cung ứng cho ngành công nghiệp Thụy Sĩ và các tập đoàn quốc tế có trụ sở tại Thụy Sĩ.
Theo kế hoạch, Bộ trưởng kinh tế Thụy Sĩ Guy Parmelin sẽ tổ chức một hội nghị bàn về khủng hoảng cũng như tác động của dịch COVID-19 đối với các cơ quan dịch vụ xã hội và công nghiệp.
Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại New York, dịch vụ giao hàng của các hãng lớn tại Mỹ như Amazon, Instacart và Walmart, hiện bị ngưng trệ do lượng đơn hàng quá tải trong bối cảnh người dân đổ xô đi mua tích trữ hàng hóa vì lo ngại dịch COVID-19 lan rộng.
Hiện đa phần khách hàng muốn đặt đồ trực tuyến nhận được thông báo giao hàng sẽ chậm hơn bình thường.
Dịch vụ giao hàng nhanh Prime Now của Amazon từ đầu tuần đã thông báo tình trạng giao hàng bị hạn chế ở các thị trường như Seattle, thành phố New York, khu vực Vịnh San Francisco, Orlando, Chigago, Miami và Boston.
Những mặt hàng hiện đã hết hoặc rất khan hiếm trên các trang mua sắm trực tuyến là nước, giấy vệ sinh và giấy lau tay kháng khuẩn.
Một số trang hiện chỉ cho phép khách hàng mua một số lượng hàng nhất định đối với mỗi lệnh đặt hàng, nhất là đối với mặt hàng giấy vệ sinh và nước uống.
Dịch vụ giao hàng "ngay ngày hôm sau" của hãng Walmart đã phải tạm dừng từ tuần trước tại New York. Tình trạng tương tự cũng xảy ra khi khách hàng đặt đồ từ một số trang mua sắm trực tuyến phổ biến khác.
Hãng Instacart cho biết nhu cầu đặt hàng trực tuyến của người dân tăng cao mấy ngày vừa qua, trung bình tăng gấp 10 lần trong vòng 72 giờ qua, và gấp tới 20 lần ở các bang California, Washington, Oregon và New York. Hiện hãng vẫn đang cố gắng đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng này.
Trước tình hình đơn đặt hàng ngày càng nhiều, các nhân viên giao nhận phải hoạt động hết công suất và các công ty cũng đã đưa ra khuyến cáo nhân viên phải chủ động có các biện pháp phòng tránh dịch bệnh khi phải giao tiếp với rất nhiều khách hàng mỗi ngày./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận