Ùn tắc tại cảng Cát Lái: Chuyện không phải bây giờ mới có
Theo Hiệp hội Đại lý và môi giới hàng hải Việt Nam (Visaba), tình trạng tắc nghẽn tại cảng Cát Lái không chỉ xuất hiện trong thời điểm dịch bệnh, mà đã trở nên nghiêm trọng trong 5 năm trở lại đây.
Theo Quyết định ngày 27/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải phê duyệt quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Đông Nam bộ (nhóm 5) giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, khu bến Cát Lái trên sông Đồng Nai có sản lượng thông qua không vượt quá 4,01-4,02 triệu TEU mỗi năm (đến năm 2020) và 4,02-4,03 triệu TEU mỗi năm (đến năm 2030). Tuy nhiên, theo thống kê từ Hiệp hội Cảng biển Việt Nam (VPA), từ năm 2017, sản lượng hàng hóa thông qua khu cảng biển Cát Lái đã liên tục tăng và vượt công suất quy hoạch cảng đến năm 2030. Không chỉ tiếp nhận các tàu biển feeder (trung chuyển) đến 30.000 DWT về cảng, khu vực cảng Cát Lái còn là nơi tập kết của hàng triệu TEU mỗi năm được vận chuyển bằng tàu sông, sà lan từ các cảng khu vực Cái Mép, Hiệp Phước… đổ về.
Với việc quá tải như vậy, tình trạng tắc nghẽn tại cảng Cát Lái không chỉ xuất hiện trong thời điểm dịch bệnh, mà đã trở nên nghiêm trọng trong 5 năm trở lại đây. Trước thực trạng đó, Visaba kiến nghị đã đến lúc các cơ quan ban ngành cần có những giải pháp quyết liệt, căn cơ và dài hơi hơn để giảm ách tắc tại cảng Cát Lái. Hiệp hội cũng đề xuất cảng Cát Lái cần tuân thủ theo đúng quy hoạch của Bộ Giao thông - Vận tải, chỉ tiếp nhận sản lượng trong phạm vi quy hoạch để đảm bảo chất lượng hoạt động của cảng, cắt giảm chi phí logistics cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng như giảm bớt gánh nặng lên hạ tầng xung quanh, đảm bảo môi trường. Cùng với đó, các tàu cần được điều phối chuyển sang các cảng, ICD lân cận. Việc này sẽ giúp giảm tải cho khu vực theo đúng quy trình vận chuyển hàng hóa và nhu cầu thực tế của các chủ hàng, mang lại hiệu quả cao nhất cho các doanh nghiệp.
Cùng quan điểm với Visaba, các chuyên gia về giao thông cho rằng, hiện cảng Cát Lái và Tân Thuận đang quá tải và gây ách tắc cho giao thông nội thành. Các cảng nhánh sông Soài Rạp dù đang tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô nhưng lại nhanh chóng bị bồi lắng. Hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải trên sông Lòng Tàu dư thừa công suất nhưng thiếu kết nối giao thông và kết nối dịch vụ logistics, khả năng trung chuyển đường sông, đường sắt, đường bộ để phục vụ các khu công nghiệp, khu chế xuất…
Ngành giao thông vận tải TP.HCM cũng thừa nhận dù có tiềm năng, lợi thế lớn về hệ thống sông ngòi với 110 tuyến sông, kênh, rạch có chức năng giao thông thủy, bao gồm tuyến đường thủy nội địa, tuyến hàng hải (tổng chiều dài hơn 975 km) cùng hệ thống cảng biển, cảng thủy nội địa và bến thủy nội địa rải khắp trên địa bàn TP.HCM, tuy nhiên, việc tận dụng các đường sông, kênh, rạch này để giảm tải giao thông đường bộ, phát triển du lịch, kinh tế còn rất nhiều khó khăn, hạn chế. Hiện thành phố vẫn chưa khai thác triệt để các cảng mà chỉ tập trung vào một vài cảng trung chuyển nên tình trạng ùn tắc giao thông, ùn ứ hàng hóa.
Vấn đề ách tắc hàng hóa tại cảng đã được lãnh đạo TP.HCM đặt ra từ nhiều năm trước. Thậm chí TP.HCM đã chuẩn bị kế hoạch phát triển giao thông đường thủy mà ưu tiên là xây dựng các cảng. Theo đó, đề án Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2020 - 2030 đưa ra kế hoạch ưu tiên xây dựng thêm 5 cảng mới gồm Cụm cảng trung chuyển - ICD tại P.Long Bình (TP.Thủ Đức), cảng thủy nội địa Khu công nghệ cao TP.HCM (Trung tâm logistics Khu công nghệ cao TP.HCM), cảng cạn ICD khu vực Củ Chi (Trung tâm logistics Củ Chi), cảng thủy nội địa tổng hợp quốc tế ITC và cảng hành khách Mũi Đèn Đỏ (Q.7) trong giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh đó, hàng loạt bến cảng hiện hữu như bến cảng Khu công nghiệp Cát Lái (Trung tâm logistics Cát Lái), cảng hành khách Ba Son, cảng hành khách Bạch Đằng, cảng Nhà Rồng - Khánh Hội… cũng sẽ được ưu tiên nâng cấp, chỉnh trang hoặc mở rộng theo quy hoạch. Tổng vốn đầu tư cho hệ thống các cảng trên ước tính gần 22.100 tỷ đồng.
Lãnh đạo TP.HCM dự kiến ưu tiên nguồn thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển (dự kiến khoảng 16.000 tỷ đồng giai đoạn 2021 - 2025) để đầu tư, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông kết nối các cảng biển (đường bộ và đường thủy) theo danh mục đề xuất của Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM hàng năm được UBND TP.HCM và HĐND TP.HCM thông qua.
“Đầu tư kết cấu hạ tầng cảng biển, bao gồm cả kết cấu hạ tầng cầu cảng và luồng hàng hải là hướng đi đúng và cần phải làm của TP.HCM để kinh tế phát triển. Bên cạnh đó, TP.HCM cần phát triển hệ thống đường bộ kết nối với hành lang, vành đai kinh tế; cải tạo và nâng cấp các tuyến luồng, cảng, bến cảng thủy nội địa phù hợp với quy hoạch, tạo thuận lợi cho hoạt động giao thông vận tải trên các tuyến đường thủy nội địa”, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hiếu, trường Đại học Việt Đức, đơn vị được TP.HCM đặt hàng các đề án nghiên cứu, đào tạo nhằm hướng tới mục tiêu phát triển thành phố thông minh và đưa TP.HCM trở thành trung tâm kinh tế, tài chính hàng đầu của khu vực cho biết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận