Ukraine, phương Tây phản ứng gay gắt với kế hoạch trưng cầu dân ý ở các tỉnh thân Nga
Kế hoạch trưng cầu dân ý để sáp nhập thêm các vùng đất của Ukraine vào lãnh thổ của Nga sẽ không có tác động gì, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba tuyên bố ngày 20/9, sau khi quan chức các khu vực được Mátxcơva hậu thuẫn thông báo về kế hoạch này.
“Người Nga có thể làm bất kỳ điều gì họ muốn. Điều đó sẽ không thay đổi được gì”, ông Kuleba nói để trả lời câu hỏi của báo chí khi bắt đầu cuộc họp với Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield.
Cùng ngày, Nga ủng hộ kế hoạch của phe ly khai Ukraine về việc tiến hành trưng cầu dân ý để mở đường cho việc sáp nhập một vùng đất rộng lớn nữa vào lãnh thổ của Nga, điều mà phương Tây cho rằng sẽ khiến cuộc xung đột leo thang nghiêm trọng.
Trong động thái có vẻ được phối hợp, các quan chức ở khoảng 15% lãnh thổ của Ukraine – tương đương diện tích Hungary hoặc Bồ Đào Nha – cùng kiến nghị tổ chức trưng cầu dân ý để nhập vào Nga.
Cộng hoà Donetsk và Cộng hoà Lugansk tự xưng, cùng với 2 vùng Kherson và Zaporizhzhia đều kiến nghị tổ chức bỏ phiếu trong vòng chưa đầy 24 giờ đồng hồ.
Các quan chức Lugansk, Donetsk và Kherson cho biết cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra sau vài ngày nữa, từ ngày 23 – 27/9. Nga chưa kiểm soát hoàn toàn cả 4 vùng này, ở Donetsk chỉ với khoảng 60%.
Khi được hỏi về các cuộc trưng cầu dân ý, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói: “Ngay từ khi bắt đầu chiến dịch, chúng tôi đã nói rằng người dân ở những vùng đất đó phải tự quyết định vận mệnh của họ, và tình hình hiện nay xác nhận rằng họ muốn trở thành người chủ số phận của họ”.
Nếu những vùng đất này đều sáp nhập vào Nga, giới quan sát cho rằng Mátxcơva đang thách thức phương Tây dám bước vào một cuộc đối đầu quân sự trực diện với Nga – cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới.
Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan tuyên bố Washington “dứt khoát” bác bỏ bất kỳ cuộc trưng cầu dân ý nào. Liên minh châu Âu (EU) và Canada cũng lên án kế hoạch.
Quan chức phụ trách ngoại giao EU Josep Borrell tuyên bố khối này và các quốc gia thành viên sẽ không công nhận kết quả trưng cầu dân ý và sẽ cân nhắc có thêm những biện pháp nữa đối với Nga nếu các cuộc trưng cầu diễn ra.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Lithuania Gitanas đều sử dụng từ “bắt chước” để nói về kế hoạch bỏ phiếu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận