Ukraine cáo buộc Nga dùng ICBM, Mỹ tăng viện trợ, nguy cơ xung đột lan rộng
Tuy người phát ngôn Điện Kremlin từ chối bình luận trước thông tin Nga lần đầu tiên phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) tấn công Ukraine vào ngày 21/11, nhưng nguy cơ xung đột lớn hơn giữa Nga, Ukraine và các đồng minh càng lúc càng lớn.
Ngày 21/11, người phát ngôn Dmitry Peskov tuyên bố “không có gì để nói” về cáo buộc của quân đội Ukraine rằng Nga tấn công Ukraine bằng ICBM, hãng tin Nga TASS đưa tin. Trước đó cùng ngày, Không quân Ukraine tuyên bố: “Một ICBM đã được phóng từ vùng Astrakhan của Liên bang Nga”, CNN đưa tin.
Trong khi đó, Mỹ cung cấp thêm vũ khí, khí tài cho Ukraine, lần đầu tiên bao gồm mìn chống bộ binh. Trước đó, Mỹ, Anh, Pháp đồng ý cho Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa của họ để tấn công sâu trong lãnh thổ Nga, còn Nga lập tức lên tiếng răn đe hạt nhân.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, một chuyên gia về quân sự Nga nhận định, Nga có thể đã phóng RS-26 Rubezh (ICBM tầm trung dùng nguyên liệu rắn) từ Astrakhan tới tỉnh Dnipro cách đó 1.000 km. Rubezh có thể mang theo 3 đầu đạn hạt nhân nhưng lần này chỉ mang đầu đạn thông thường. Tuy vậy, sức công phá cũng rất lớn vì đầu đạn rơi từ không gian xuống mặt đất, trong khi hệ thống phòng không ở Dnipro không thể đánh chặn.
Tên lửa RS-26 Rubezh dựa trên tên lửa RS24 Yars của Nga. Ảnh: TASS.
Hiện tại, hệ thống Patriot PAC-3 của Ukraine được tối ưu hóa để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn như Iskander. Tuy nhiên, Rubezh vượt quá khả năng cốt lõi của Patriot.
Giải pháp lý tưởng cho Ukraine là lắp đặt hệ thống THAAD được thiết kế riêng cho việc đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm trung. Tuy nhiên, Mỹ chỉ có bảy khẩu đội THAAD, với một khẩu đội đã được triển khai để phòng thủ cho Israel.
Một giải pháp thay thế dễ tiếp cận hơn có thể là hệ thống tên lửa đất đối không SM-6, có thể chống lại tên lửa đạn đạo tầm trung và các mối đe dọa trên không ở khoảng cách lên tới 240 km. Những tên lửa này tương thích với hệ thống phóng thẳng đứng Mk 41, giúp chúng có thể thích ứng để triển khai trên mặt đất.
Thông điệp răn đe
Nga có thể đang “cố gắng gửi thông điệp” tới đồng minh của Ukraine, một nhà phân tích quân sự nhận định.
“Rõ ràng những gì người Nga đã làm ở đây là tháo đầu đạn hạt nhân khỏi ICBM hoặc lắp một số loại đầu đạn thông thường rồi phóng đi”, Malcolm Davis, một nhà phân tích cấp cao tại Viện Chính sách Chiến lược Úc, nói với CNN.
Ông Davis cho rằng, việc sử dụng ICBM có thể nhằm gửi tín hiệu tới phương Tây, sau khi Ukraine lần đầu tiên bắn tên lửa ATACMS của Mỹ và tên lửa Storm Shadow do Anh-Pháp sản xuất vào sâu trong lãnh thổ Nga.
Tên lửa RS-26 Rubezh. Ảnh: Moscow Times.
“Họ đang cố gắng gửi một thông điệp. Họ đang cố gắng nói với phương Tây rằng, ‘Hãy xem, việc sử dụng các tên lửa Storm Shadow và ATACMS này có thể đang thách thức các lợi ích quan trọng của Nga’. Và vì vậy, họ đang cố gắng đe dọa Ukraine và đồng minh phải lùi bước ở đây”, ông Davis nói.
Mỹ sẽ cung cấp thêm trang thiết bị quân sự cho Ukraine trong gói viện trợ trị giá 275 triệu USD, Mỹ cũng lần đầu tiên phê duyệt gửi mìn chống bộ binh cho Ukraine, CNN đưa tin ngày 21/11.
Khoản viện trợ này nằm trong đợt tăng cường hỗ trợ quân sự mà Tổng thống Joe Biden đã ra lệnh từ tháng 9. Đây là “đợt cung cấp trang thiết bị thứ 70” từ kho vũ khí Mỹ kể từ tháng 8/2021, theo Bộ Quốc phòng Mỹ.
Leo thang có thể dẫn đến sự tham gia trực tiếp của NATO
Theo giới quan sát, nếu việc Nga sử dụng ICBM hoặc các vũ khí tầm xa khác đe dọa lãnh thổ của các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hoặc xảy ra gần biên giới NATO, khối này có thể phản ứng mạnh mẽ hơn, dẫn đến các cuộc đối đầu trực tiếp.
Ví dụ, kích hoạt Điều 5 của NATO (một cuộc tấn công nhầm hoặc cố ý gần lãnh thổ NATO có thể kích hoạt phản ứng phòng thủ tập thể), tăng cường triển khai quân đội NATO (gia tăng hiện diện quân sự ở Đông Âu).
Trong khi đó, Mỹ và các đồng minh có thể đáp trả sự leo thang của Nga bằng cách cung cấp thêm vũ khí hiện đại như vũ khí tầm xa, hệ thống phòng không hiện đại cho Ukraine.
Ukraine có thể nhận được nhiều hệ thống vũ khí có khả năng tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, như tên lửa hành trình hoặc tên lửa đạn đạo tiên tiến. Các thiết bị như xe tăng, máy bay không người lái và chiến đấu cơ có thể được cung cấp với quy mô lớn hơn.
Các đồng minh NATO cũng có thể triển khai các hệ thống như Patriot hoặc Aegis Ashore để bảo vệ Ukraine trước các cuộc tấn công bằng ICBM.
Điều này làm tăng nguy cơ các đồng minh phương Tây của Ukraine trở thành các bên tham chiến thực sự trong cuộc chiến, đẩy căng thẳng với Nga lên cao.
Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ.
Dự đoán Nga đáp trả
Nga có thể phản ứng với các loại vũ khí mới mà Ukraine nhận được bằng các biện pháp mạnh hơn, các nhà phân tích nhận định.
Nhiều khả năng Nga có thể tấn công các trung tâm hậu cần hoặc đoàn xe vận chuyển vũ khí vào Ukraine, bao gồm những nơi gần biên giới NATO. Ngoài ra, Nga có thể gia tăng các cuộc tấn công mạng nhắm vào cơ sở hạ tầng phương Tây nhằm ngăn cản việc hỗ trợ Ukraine.
Nga có thể leo thang hoạt động quân sự bằng cách sử dụng các loại vũ khí tiên tiến hoặc hủy diệt hơn, như vũ khí hạt nhân chiến thuật, tên lửa siêu vượt âm.
Dù khả năng xảy ra thấp, việc sử dụng ICBM mang theo đầu đạn thông thường làm tăng nguy cơ leo thang hạt nhân. Nga cũng có có thể sử dụng tên lửa siêu vượt âm thường xuyên hơn để vượt qua hệ thống phòng không Ukraine, tấn công cơ sở hạ tầng nước này.
Phóng tên lửa SM-6. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ.
Sụp đổ chuẩn mực quốc tế, nguy cơ gây bất ổn toàn cầu
Việc sử dụng các loại vũ khí như ICBM và mìn chống bộ binh có thể làm suy yếu thêm các chuẩn mực toàn cầu.
Theo các nhà phân tích, việc gia tăng sử dụng các loại vũ khí này có thể bình thường hóa hành vi sử dụng vũ khí gây sát thương bừa bãi, dẫn đến thương vong lớn ở dân thường.
Ngoài ra, có thể dẫn tới sự sụp đổ các hiệp ước kiểm soát vũ khí. Cả hai bên có thể rút khỏi các hiệp ước như START, dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang mới.
Một cuộc chiến kéo dài với việc sử dụng ngày càng nhiều vũ khí tiên tiến có thể gây bất ổn cho khu vực và thế giới. Theo giới quan sát, xung đột kéo dài có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu năng lượng và lạm phát toàn cầu, đặc biệt là ở châu Âu.
Cuộc chiến cũng có thể khuyến khích các cuộc xung đột tương tự ở những nơi khác, những nơi có tình hình địa chính trị căng thẳng, nhiều phe phái đối lập.
Hệ thống tên lửa tầm trung Typhon, tháng 7/2023. Ảnh: Quân đội Mỹ.
Biện pháp giảm thiểu
Để tránh các kết cục nghiêm trọng, giới chuyên gia cho rằng, cộng đồng quốc tế cần thúc đẩy đàm phán, tăng cường khả năng răn đe mà không khiêu khích, gây áp lực...
Các bên trung gian như Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Liên Hợp Quốc có thể thúc đẩy các cuộc đàm phán, tìm cách đạt được lệnh ngừng bắn hoặc thỏa thuận về việc hạn chế sử dụng vũ khí. Trong khi đó, NATO có thể củng cố tư thế phòng thủ trong khi tránh tham gia trực tiếp vào xung đột.
Nếu không giảm leo thang, xung đột có nguy cơ trở thành một cuộc chiến lớn hơn với sự tham gia của nhiều quốc gia, dẫn đến những hậu quả toàn cầu nghiêm trọng.
Triển khai bệ phóng tên lửa SM-6 trong cuộc tập trận giữa Hải quân Mỹ và Lực lượng vũ trang Đan Mạch trên đảo Bornholm, tháng 9/2023. Ảnh: Hải quân Mỹ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận