Tỷ giá USD/VND tăng vọt lên 24.700 đồng/USD: Nhiều người sẽ đổ xô "găm giữ" USD?
Tỷ giá USD/VND tăng cao kỷ lục được nhận định là do diễn biến mạnh lên liên tục của đồng USD trong thời gian qua đã khiến nhu cầu tích trữ tăng cao.
Số liệu CPI mới công bố từ cơ quan thống kê Mỹ cho thấy áp lực lạm phát vẫn gia tăng trong tháng 6.
Cụ thể, chỉ số CPI toàn phần và CPI cơ bản tháng 6 lần lượt tăng 9,1% và 5,9% so với cùng kỳ, cao hơn so với dự báo. Đồng thời, chỉ số giá sản xuất PPI cũng ghi nhận mức tăng trưởng lên tới 11,3% so với cùng kỳ, cao hơn so với kỳ vọng của thị trường.
Các chuyên gia cho rằng, số liệu lạm phát đã đẩy cao kỳ vọng Fed thực hiện việc tăng lãi suất 100 điểm ngay trong kỳ họp tháng 7 tới đây.
Trong khi đó, trong cuộc họp ngày 14/07, Ủy ban Châu Âu dự báo kinh tế Eurozone sẽ tăng trưởng ở mức 2,6% trong năm nay, thấp hơn so với mức 2,7% được đưa ra vào tháng 5.
Trong năm 2023, khi tác động của cuộc khủng hoảng tại Ukraine và giá năng lượng tăng cao trở nên rõ ràng hơn, tăng trưởng kinh tế của Eurozone sẽ ở mức 1,4%, thay vì 2,3% như dự báo trước đó.
Kỳ vọng kém tích cực về triển vọng kinh tế khu vực EU đã khiến EUR lần đầu tiên trong vòng 20 năm qua giảm mạnh về tương đương với USD.
Tại thị trường trong nước, dù có bước điều chỉnh nhẹ trong phiên sáng nay song tỷ giá USD mua/bán tại các ngân hàng thương mại vẫn đang đứng ở mức cao nhất kể từ tháng 5/2020 khi ghi nhận mức tăng giá mạnh nhất trong vòng 4 năm trở lại đây.
Tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng cũng đã chạm mức 23.400 đồng/USD – tỷ giá bán tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước. Tính từ đầu năm đến nay, tỷ giá liên ngân hàng đã tăng vọt trên 2,85%.
Thậm chí, tỷ giá USD trên thị trường tự do còn có đà bứt tốc mạnh hơn trong thời gian gần đây và chính thức vọt lên mốc 24.700 đồng/USD trong phiên giao dịch hôm qua (18/7).
Đầu giờ sáng nay (19/7), tỷ giá tự do vẫn đang được niêm yết phổ biến quanh mức 24.330 đồng/USD (mua vào) và 24.530 đồng/USD (bán ra). Dù đã giảm so với phiên giao dịch ngày hôm qua song vẫn tăng 50 đồng chiều mua và 220 đồng chiều bán so với phiên cuối tuần trước.
Tỷ giá tăng "nóng", kích thích nhu cầu găm giữ USD
Chia sẻ với Dân Việt, TS. Lê Xuân Nghĩa – chuyên gia kinh tế cho hay, lạm phát của Mỹ đã tăng tới 9,1%, trong khi đó, tại Việt Nam, con số này mới ở mức 2,44%. Lẽ ra, với yếu tố này, đồng USD phải mất giá so với VND khoảng 5-6%, song thực tế VND lại đang mất giá khoảng 2% so với USD. Điều này là do tác động của thâm hụt cán cân thanh toán quốc tế khá lớn.
"Trước mắt, chúng ta thấy rõ cán cân vãng lại thâm hụt khá lớn đây là một trong những yếu tố gây xáo trộn về tỷ giá hối đoái. Dẫn tới việc lần đầu tiên trong 20 năm Việt Nam xuất hiện hiện tượng thâm hụt cán cân thanh toán quốc tế do cán cân tài chính không đủ bù đắp cán cân vãng lai. Từ đó, tác động trực tiếp tới tỷ giá hối đoái", TS Nghĩa nêu rõ.
Cũng theo vị chuyên gia này, trước mắt việc ổn định tỷ giá hối đoái, nhất là câu chuyện tăng "sốc" tại thị trường tự do là khá khó khăn đối với Việt Nam.
Lý do, Việt Nam chưa thể tăng lãi suất được để tăng giá trị đồng tiền và chưa thể xóa bỏ được thâm hụt cán cân vãng lai.
Đồng thời, Việt Nam cũng chưa thể thay đổi chính sách đặt lãi suất tiền gửi ngoại tệ bằng 0 – một trong những yếu tố tác động tới tâm lý tích trữ ngoại tệ trong thời gian qua. Thực tế, thời gian qua, diễn biến mạnh lên liên tục của đồng USD trong thời gian qua đã khiến nhu cầu tích trữ tăng cao, kéo theo đà tăng của tỷ giá USD/VND.
"Chính sách lãi suất tiền gửi USD bằng 0% là chính sách khiến cho người ta có cảm giác đồng USD không có giá trị với tư cách là đồng tiền gửi. Chính sách này để chống USD hóa nhưng ngược lại có tác dụng phụ rất nguy hiểm đó là khiến cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có thặng dư xuất khẩu ngoại tệ có xu hướng găm ngoại tệ ở nước ngoài.
Hơn nữa, chúng ta vẫn cho vay USD và huy động USD nhưng lãi suất huy động bằng 0 trong khi cho vay có lãi suất. Đây là điều không có kinh tế thị trường, buộc những người có USD nghĩ đến chuyện găm giữ.
Thậm chí với những người không có USD, những biến động vừa qua trên thị trường khiến người ta nghĩ rằng sắp tới đây VND mất giá hơn nữa, sinh ra tâm lý tích trữ, găm giữ", vị chuyên gia này phân tích.
Tuy nhiên, theo dự báo của ông Nghĩa, chắc chắn Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục duy trì ổn định tỷ giá và mức biến động chỉ trong khoảng 2,5% cho cả năm 2022.
Còn theo các chuyên gia tại Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), tỷ giá chợ đen tăng mạnh thời gian qua khi chênh lệch giá vàng trong nước – quốc tế nới rộng khoảng cách lên tới 18 triệu đồng/lượng.
Trong thời gian tới, áp lực điều hành của Ngân hàng Nhà nước ngày càng rõ rệt hơn, đặc biệt khi vẫn chưa xác định được thời điểm và mức độ tăng lãi suất của Fed. Do vậy, tỷ giá USD/VND vẫn tiếp tục chịu nhiều áp lực.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận