Tỷ giá USD áp sát mốc 25.000 đồng và kịch bản cho kinh tế cuối năm
Bất chấp nỗ lực liên tục hút ròng tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước thời gian gần đây, tỷ giá bán USD tại ngân hàng có thời điểm vọt lên gần 24.800 đồng/USD. Giới phân tích cho rằng, nếu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục mạnh tay, câu chuyện tỷ giá vẫn sẽ căng thẳng.
Phóng viên đã có cuộc trò chuyện với ông Huỳnh Minh Tuấn - Nhà sáng lập và là Tổng giám đốc Công ty Đầu tư FIDT - về vấn đề này.
Khoảng 250.000 tỉ đồng được hút khỏi thị trường qua kênh tín phiếu, giới đầu tư nên hiểu động thái này của Ngân hàng Nhà nước như thế nào, thưa ông?
- Để đối phó với áp lực tỷ giá tăng cao do các yếu tố từ quốc tế, trong một tháng qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chọn cách hút thanh khoản rất mạnh tay trên thị trường 2. Hành động hút thanh khoản trên thị trường 2 được coi như một biện pháp phòng ngừa tỷ giá. Điều này dự kiến sẽ gây sức ép lớn đến thanh khoản các hoạt động kinh tế ngắn hạn. Cập nhật tới ngày 19.10, Ngân hàng Nhà nước thực hiện hoàn chỉnh một chu trình thắt chặt thanh khoản với tín phiếu 28 ngày. Tổng quan sơ lược, mức thanh khoản ngắn hạn bị rút lớn hơn nhiều so với dự kiến ban đầu, khoảng 200.000 - 250.000 tỉ đồng trong ngắn hạn.
Động thái trong 2 phiên giao dịch gần đây cho thấy, Ngân hàng Nhà nước có thể duy trì mức độ hút ròng tín phiếu ở vùng này. Điều này cũng phù hợp với kịch bản phòng ngừa tỷ giá và duy trì nới lỏng điều kiện lãi suất trên thị trường 1.
Tuy nhiên, mức độ hút thanh khoản lớn như trên phần nào gây rủi ro thiếu hụt thanh khoản trong ngắn hạn đối với hệ thống ngân hàng, khi lượng thanh khoản dư thừa dự kiện không còn dồi dào.
Điều gì sẽ xảy ra nếu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hút ròng ở mức độ lớn như hiện nay, thưa ông?
- Rủi ro thanh khoản ngân hàng giật cục trong kịch bản tín dụng bật tăng cuối quý IV/2023 có nguy cơ xảy ra nếu tình trạng hút ròng duy trì ở mức độ lớn như trên. Mức thanh khoản dư thừa dự kiến chỉ khoảng 60.000 - 80.000 tỉ đồng, tương ứng tổng thanh khoản dư thừa bao gồm dự trữ bắt buộc ở mức 230.000 - 250.000 tỉ đồng ở giai đoạn hiện tại.
Ngoài ra, số lượng thành viên tham gia đấu thầu tín phiếu chỉ còn ít, cùng với mức lãi suất đấu thầu có dấu hiệu tăng nhanh đang cho thấy rủi ro thanh khoản ngắn hạn thắt chặt tạm thời hiện hữu.
Ngoài ra, nhóm lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm trên thị trường thứ cấp đang tăng nhanh theo xu hướng toàn cầu, cho thấy điều kiện thanh khoản thắt chặt nhanh hơn so với dự kiến.Tỷ giá vẫn tăng nóng kể cả khi Ngân hàng Nhà nước liên tục hút ròng tiền bằng tín phiếu. Ông đánh giá động thái hút tiền của Ngân hàng Nhà nước ra sao?
- Tôi cho rằng, chính sách phòng ngừa tỷ giá hiện tại bằng việc hút tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước đang không cho thấy sự hiệu quả, với kết quả tỷ giá đang có dấu hiệu tăng liên tục, phá ngưỡng 24.500 đồng/USD. Việc hút ròng tín phiếu với mức độ lớn hiện tại, theo tôi cũng chỉ làm giảm động lực tăng của tỷ giá.
Chúng tôi dự báo xu hướng tỷ giá ngắn hạn sẽ tiếp tục mất giá, hướng về vùng đỉnh cũ 24.800 - 25.000 (mức giá từng ghi nhận tháng 8 - 11.2022), do áp lực chính bên ngoài.
Biến động tỷ giá sắp tới được dự đoán sẽ mạnh hơn khi tiếp cận vùng đỉnh tỷ giá cũ. Điều này khá tương đồng với xu hướng ngắn hạn toàn cầu. Dự kiến tỷ giá sẽ gặp áp lực lớn trong tình huống lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ và chỉ số DXY có diễn biến tăng cao, khi chính sách phòng ngừa tỷ giá hiện tại đang kém phát huy hiệu quả.
Tôi cho rằng, hành động hút ròng tín phiếu hiện tại đã phần nào chạm giới hạn. Ngân hàng Nhà nước có thể thực hiện các chiến lược khác nhằm đạt mục tiêu phòng ngừa tỷ giá. Thời gian tới, có thể Ngân hàng Nhà nước sẽ chọn lại chiến lược bán kỳ hạn USD 3 tháng nhằm đáp ứng nhu cầu USD trong kịch bản tỷ giá tăng mạnh, đã từng được áp dụng trong quý III/2022 ở các giai đoạn cao điểm căng thẳng tỷ giá.
Xin cảm ơn ông!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận