Tỷ giá hạ nhiệt, dòng vốn ETF ngay lập tức giảm rút ròng trong tháng 8
Kết thúc tháng 8/2024, dòng tiền qua các quỹ ETF ghi nhận rút ròng hơn 1,93 nghìn tỷ đồng. Con số này giảm đáng kể so với tháng 7, dòng tiền qua các quỹ ETF rút ròng hơn 2,5 nghìn tỷ đồng...
Thống kê từ FiinTrade cho thấy, trong tuần từ 26/8 - 30/8/2024, các quỹ ETF đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam duy trì đà rút ròng với hơn gần 246 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá trị rút ròng đã giảm mạnh giảm 62,7% so với tuần trước đó. Động thái rút ròng diễn ra ở 8/22 quỹ chủ yếu ở quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF.
Kết thúc tháng 8/2024, dòng tiền qua các quỹ ETF ghi nhận rút ròng hơn 1,93 nghìn tỷ đồng. Con số này giảm đáng kể so với tháng 7, dòng tiền qua các quỹ ETF rút ròng hơn 2,5 nghìn tỷ đồng.
Như vậy, giá trị rút ròng lũy kế từ đầu năm 2024 ở các quỹ ETF đạt hơn 19,7 nghìn tỷ đồng, gấp 12,4 lần so với tổng giá trị rút ròng của năm 2023 hơn 1,5 nghìn tỷ đồng và tương đương 32,5% giá trị bán ròng của khối ngoại từ đầu năm 2024.
Tổng giá trị tài sản ròng của các quỹ ETF bao gồm ETF nước ngoài và trong nước đạt gần 65,9 nghìn tỷ đồng trong tuần từ 26/8 – 30/8/2024, giảm -0,6% so với tuần trước. Cần lưu ý đây là tổng giá trị tài sản ròng chỉ tính cho thị trường Việt Nam.
Các quỹ ETF nước ngoài ghi nhận bị rút ròng hơn 270 tỷ đồng, đóng góp chủ yếu ở quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF (-342,2 tỷ đồng). Ngược lại, quỹ KIM ACE Vietnam VN30 ETF và quỹ Xtrackers FTSE Vietnam ETF lại hút ròng gần 40 tỷ đồng và 20 tỷ đồng.
Giá trị rút ròng ở quỹ iShares MSCI Frontier and Select ETF đạt hơn 137 tỷ đồng trong tuần 26/8 – 30/8. Tính riêng trên thị trường Việt Nam, quỹ này ghi nhận rút ròng gần 55 triệu đồng. Cập nhật danh mục mới nhất ngày 30/8, quỹ này đã bán gần hết các cổ phiếu và chỉ nắm giữ VND 161 nghìn cổ, 2,5 tỷ đồng.
Các quỹ ETF trong nước vào ròng gần 25 tỷ đồng sau 3 tuần liên tiếp dòng tiền duy trì rút ròng với giá trị lũy kế đạt hơn 511 tỷ đồng. Đóng góp chủ yếu ở quỹ VFM VNMIDCAP ETF (+24 tỷ đồng). Quỹ Kim Growth VN30 ETF cũng vào ròng gần 18 tỷ đồng. Ngược lại, quỹ VFM VN30 ETF bị rút ròng hơn 23 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, có động thái rút ròng trong dòng vốn của nhà đầu tư Thái Lan thông qua hình thức DRs ở quỹ do Dragon Capital quản lý. Trong tuần từ 26/8 - 30/8/2024, các nhà đầu tư bán ròng 300 nghìn chứng chỉ lưu ký (DR) ở quỹ VFM VN30 ETF, tương ứng hơn 7 tỷ đồng. Tương tự quỹ VFM VNDiamond ETF cũng bị bán ròng 300 nghìn chứng chỉ lưu ký, tương ứng với 10,6 tỷ đồng.
Riêng trong ngày 4/9/2024, quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF tiếp tục rút ròng với hơn 44 tỷ đồng và duy trì bán ra các cổ phiếu. Top bán ròng là HPG (-177 nghìn cổ phiếu, -4,5 tỷ đồng), VHM (-103 nghìn cổ phiếu, -4,3 tỷ đồng), VIC (-96 nghìn cổ phiếu, -4,2 tỷ đồng), SSI (-93 nghìn cổ phiếu, -3,1 tỷ đồng), và SHB (-86 nghìn cổ phiếu -907 triệu đồng). Ngoài ra, quỹ VFM VNDiamond ETF ghi nhận vào ròng gần 40 tỷ đồng trong khi quỹ VFM VN30 ETF không có biến động về dòng tiền.
Nhận định về dòng vốn ngoại trong thời gian tới, ông Huỳnh Minh Tuấn, nhà sáng lập FIDT cho rằng dòng vốn ngoại bán mạnh trong thời gian từ đầu năm đến nay do phạm vi toàn cầu của năm nay chịu tác động mạnh mẽ bởi xu hướng lớn đổ vào công nghệ (đặc biệt là AI) cũng như “Strong USD”.
Khối ngoại rút ròng trên thị trường Việt Nam đang phản ánh sự thay đổi chiến lược đầu tư của các quỹ và nhà đầu tư lớn. Họ đang chuyển dòng tiền sang những thị trường có tiềm năng tăng trưởng cao hoặc lãi suất thấp hơn, như Nhật Bản và Ấn Độ.
Nhật Bản, với chính sách lãi suất âm và nhiều gói kích thích kinh tế, đang thu hút sự quan tâm lớn, trong khi Ấn Độ là điểm sáng với dân số trẻ và tiềm năng phát triển kinh tế mạnh mẽ. Điều này đã khiến Việt Nam chịu áp lực bán ròng, đặc biệt trong bối cảnh thanh khoản thị trường nội địa giảm sút và những thông tin vĩ mô không mấy tích cực.
Sự dịch chuyển này không chỉ ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam mà còn là dấu hiệu cho thấy sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các quốc gia trong việc thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài.
"Tuy nhiên với sự suy giảm của Dollar Index cùng với các kỳ vọng về định giá như trên, dòng vốn này cũng sẽ sớm quay lại thị trường chứng khoán Việt Nam", ông Tuấn kỳ vọng.
Cũng theo ông Tuấn, định giá ngắn hạn thị trường dù không quá rẻ nhưng hấp dẫn bởi phản ánh kỳ vọng tương lai. Việc cần làm trong ngắn hạn trước mắt là nâng hạng. Gần đây động thái gắp rút "xử lý kỹ thuật" vấn đề prefunding cho lên hạng là một sự nhận diện tốt về định hướng và tầm nhìn.
Còn về trung hạn cho thị trường phải là hàng hoá chất lượng và quy mô vốn hoá. Để được như vậy cần thúc đẩy các công ty lớn lên sàn như Thaco, Huynhdai Thành Công, Mobifone, Coop mart, Satra, VNPT, CP VN, VSIP ...
VnDirect trước đó cũng cho rằng đồng USD quốc tế đang có xu hướng hạ nhiệt nhờ kỳ vọng Fed sẽ sớm giảm lãi suất sẽ giúp giảm áp lực lên tỷ giá trong nước, qua đó cũng sẽ giúp giảm áp lực bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận