Tỷ giá gây sức ép lên thị trường chứng khoán
Yếu tố đang tác động mạnh đến thị trường chứng khoán và tâm lý nhà đầu tư là tỷ giá USD/VND bình quân liên ngân hàng đã vượt đỉnh lịch sử và có thể tiến lên mức cao hơn.
Mối quan hệ ngược chiều
Thống kê cho thấy, mỗi khi tỷ giá tăng vượt quá 2% thì thị trường chứng khoán thường xảy ra nhịp điều chỉnh. Mức độ điều chỉnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng khi tỷ giá tăng, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng, tâm lý thị trường thận trọng, thị trường chịu nhiều áp lực trong ngắn hạn.
Gần đây, tỷ giá trở thành vấn đề nóng khi các yếu tố liên quan có xu hướng biến động mạnh như đà tăng của chỉ số Dollar Index (DXY), giá vàng, thị trường tiền số, cũng như nhu cầu nhập khẩu tăng trở lại. Tỷ giá USD/VND liên ngân hàng đã vượt qua ngưỡng 25.000. Tính đến ngày 12/4/2024, VND mất giá 3,1% so với đầu năm nay.
Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VPBank cho rằng, tỷ giá tăng mạnh có tác động tiêu cực lên thị trường chứng khoán và một trong những ảnh hưởng mang tính gián tiếp liên quan đến dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) là gây sức ép bán ròng trên thị trường.
“Theo thống kê của chúng tôi, trong khoảng thời gian tỷ giá bắt đầu có biến động mạnh vào nửa cuối tháng 2/2024, trùng hợp với giai đoạn nhà đầu tư nước ngoài tăng tốc bán ròng đến thời điểm hiện tại. Tính đến tuần gần đây nhất, trong bối cảnh tỷ giá lập đỉnh, khối ngoại đã bán ròng sang tuần thứ 11 liên tiếp, với giá trị bán ròng lũy kế lên đến 16.204 tỷ đồng. Riêng thống kê trên kênh ETF, dòng vốn bị rút khoảng 217 triệu USD (khoảng 5.400 tỷ đồng), mức kỷ lục trong 2 năm gần đây”, ông Trần Hoàng Sơn cho biết.
Tỷ giá USD/VND tăng cũng tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư nội. Nhìn lại hai quý cuối năm 2023, do sự ngược chiều về chính sách tiền tệ, VND mất giá mạnh so với USD (có thời điểm giảm hơn 4%). Trong giai đoạn đó, chỉ số VN-Index biến động mạnh, riêng 3 tháng từ tháng 8 đến tháng 10/2023 giảm hơn 15% và thanh khoản sụt giảm. Nguyên nhân chủ yếu là do các nhà đầu tư lo ngại kịch bản năm 2022 sẽ lặp lại, khi Ngân hàng Nhà nước bán ra một lượng lớn USD để ổn định tỷ giá (tương đương rút gần 500.000 tỷ đồng ra khỏi hệ thống).
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoàng Linh, Giám đốc Phân tích, Công ty Quản lý quỹ Vietcombank, ở mỗi giai đoạn, yếu tố tỷ giá tác động đến thị trường chứng khoán là khác nhau. Chẳng hạn, năm 2022, Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức về vĩ mô, khi áp lực tỷ giá và lạm phát quá lớn, buộc Ngân hàng Nhà nước liên tiếp tăng lãi suất điều hành, đi ngược với xu hướng thế giới. Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp được quản lý chặt hơn, khiến không ít doanh nghiệp đối mặt với rủi ro thanh khoản, do không thể phát hành thêm để tái tài trợ các khoản vay sắp đáo hạn. Áp lực dòng tiền và tâm lý phòng thủ khi vĩ mô bất ổn dẫn tới việc nhà đầu tư bắt đầu bán tháo các tài sản rủi ro, trong đó có cổ phiếu.
Trong khi đó, với câu chuyện tỷ giá hiện nay, tuy áp lực mất giá khá lớn và Ngân hàng Nhà nước liên tục phát hành tín phiếu nhằm ổn định tỷ giá, nhưng cân đối vĩ mô nhìn chung ổn định và thanh khoản thị trường vẫn dồi dào, đặc biệt trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng còn yếu. Điều này đồng nghĩa với việc nhà đầu tư không có áp lực phải bán tháo tài sản để xoay xở dòng tiền, nên các đợt điều chỉnh của VN-Index là do yếu tố tâm lý. Nhìn lại năm 2023, VN-Index sau khi sụt giảm đã hồi phục khá tốt, gần 10% trong 2 tháng cuối năm.
Tác động 2 chiều đến các doanh nghiệp
Mỗi khi tỷ giá tăng vượt quá 2%, thị trường chứng khoán thường xảy ra nhịp điều chỉnh.
Kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 hơn 680 tỷ USD, tương đương 162% GDP. Do đó, tỷ giá biến động có tác động đáng kể lên nền kinh tế và mang tính 2 chiều. Theo đó, các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao trong tổng doanh thu sẽ được hưởng lợi, trong khi gây sức ép lên biên lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp sản xuất. Trong kịch bản tiêu cực, đồng nội tệ mất giá gây áp lực tăng lạm phát, làm suy yếu sức mua của người dân, từ đó ảnh hưởng đến ngành bán lẻ và không ít ngành nghề khác.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Agribank phân tích, xét về mặt tích cực, các doanh nghiệp xuất khẩu hoặc cho thuê giàn khoan, cho thuê đội tàu hoạt động trên thị trường quốc tế sẽ được hưởng lợi khi tỷ giá tăng do thu về ngoại tệ. Ngược lại, tỷ giá tăng sẽ ảnh hưởng đến cấu trúc vốn và chi phí tài chính của các doanh nghiệp có tỷ lệ vay nợ bằng USD lớn. Ngoài ra, các doanh nghiệp phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu đầu vào nhập khẩu chịu rủi ro chi phí tăng, biên lợi nhuận giảm. Nhìn chung, tỷ giá tăng sẽ có tác động cả tích cực và tiêu cực tới các doanh nghiệp trên sàn, nhà đầu tư có thể đánh giá từng nhóm cổ phiếu được hưởng lợi để tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Ông Trần Hoàng Sơn cho biết, những doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động xuất khẩu sẽ hưởng lợi khi tỷ giá USD/VND tăng. Trong quý I/2024, kim ngạch xuất khẩu của cả nước ước đạt 93,06 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, xuất khẩu tăng trưởng mạnh và đồng đều ở 3 nhóm hàng: nhóm hàng nông, lâm, thuỷ sản đạt 9,9 tỷ USD, tăng 26,1% và chiếm 10,6% tổng kim ngạch xuất khẩu; nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 82,02 tỷ USD, tăng 16,1% và chiếm tỷ trọng 88,1%; nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản ước 1,18 tỷ USD, tăng 10,8%.
Trong khi đó, với ngành dệt may (GIL, TCM, TNG, VGT…), tỷ giá có tác động 2 chiều, bởi phần lớn doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài, sau đó gia công xuất khẩu. Vì vậy, biến động tỷ giá không làm thay đổi nhiều kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may.
Ngành công nghệ, xuất khẩu phần mềm (FPT, CMG…) hưởng lợi từ hoạt động gia công và xuất khẩu phần mềm, nhưng FPT có khoảng 1.426 tỷ đồng nợ vay theo USD, điều này sẽ làm giảm phần lãi chênh lệch tỷ giá từ hoạt động xuất khẩu.
Ngành gỗ (PTB, SAV…), cao su (DRI, DPR, PHR…), nợ vay bằng USD thường ít và xuất khẩu ròng cao su, nên hưởng lợi khi tỷ giá tăng.
Ngành thực phẩm trên sàn có LTG, PAN… là những doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn, có thể ghi nhận chênh lệch lãi tỷ giá.
Lãnh đạo một doanh nghiệp đang có khoản vay bằng USD chia sẻ, tỷ giá tăng dẫn tới lỗ chêch lệch tỷ giá, kéo giảm lợi nhuận của doanh nghiệp.
Một số doanh nghiệp có khoản vay lớn bằng USD như Nhiệt điện Hải Phòng (mã chứng khoán HND), Nhiệt điện Phả Lại (mã chứng khoán PPC), Nhiệt điện Quảng Ninh (mã chứng khoán QTP).
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có dư nợ vay ngoại tệ hơn 1,5 tỷ USD, tương đương 38.000 tỷ đồng, nên yếu tố tỷ giá tác động lớn đến kết quả kinh doanh.
Với Vietnam Airlines (mã chứng khoán HVN), tỷ giá tăng 1% khiến doanh nghiệp mất 300 tỷ đồng/năm, nếu tỷ giá tăng 5% thì hãng hàng không này thiệt khoảng 1.500 tỷ đồng.
Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán HPG) cho biết, Hòa Phát đã phải trích lập dự phòng 200 tỷ đồng trong quý I/2024 do biến động tỷ giá. Tính đến hết quý I/2024, dư nợ vay của Hòa Phát là 400 triệu USD, doanh nghiệp đang áp dụng nhiều biện pháp nhằm giảm bớt thiệt hại do tỷ giá tăng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận