Tỷ giá bất ngờ tăng trở lại, áp lực có kéo dài?
Tỷ giá VND/USD đã tăng tương đối kể từ khi DXY đạt mức cao nhất trong bảy tuần qua.
Cụ thể, tỷ giá VND/USD tính đến ngày 08/10 ghi nhận tăng trở lại, lên mốc 24.839 VND cho 1 USD. Chỉ số DXY đã có sự phục hồi đáng kể, lên mức 102,5 điểm, tăng khoảng 1,73% so với cuối tháng 9.
Ngày 9/10, tỷ giá trung tâm đồng Việt Nam với USD do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố đạt mức 24.168 VND – tăng 15 VND. Tỷ giá 2 chiều mua - bán được các ngân hàng niêm yết trong khoảng 24.635-25.025 VND/USD.
Đến ngày 10/10, NHNN tiếp tục công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD không đổi ở mức 24.168 đồng. Tỷ giá của các ngân hàng niêm yết 2 chiều mua - bán gần như không biến động, trong khi thị trường phi chính thức tiếp tục nhích tăng, từ mức tăng trước đó của các phiên giao dịch cuối tháng 9.
Trên thị trường quốc tế, chỉ số DXY cũng ghi nhận tăng 0,33%, đạt mức 102,88, giao dịch quanh vùng sát mốc 103.
Tỷ giá trên thị trường quốc tế tăng trở lại được cho là phản ứng của giới đầu tư trước số liệu việc làm phi nông nghiệp tháng 9 của Mỹ với báo cáo đã tạo ra 254 nghìn việc làm, cao hơn nhiều so với tháng 8 là 159 nghìn và vượt xa dự báo. Bên cạnh đó tỷ lệ thất nghiệp tháng 9 của Mỹ ở mức 4,1%, thấp hơn so với con số 4,2% trong tháng 8.
Theo Chứng khoán Maybank, dữ liệu này cho thấy thị trường lao động Mỹ vẫn khá mạnh, và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) không nhất thiết phải quyết liệt cắt giảm lãi suất trong thời gian tới.
Ngoài ra, đồng đô la Mỹ đã được hưởng lợi từ vị thế tài sản trú ẩn an toàn giữa những lo ngại ngày càng tăng về căng thẳng gia tăng ở Trung Đông, theo Maybank.
Sự tăng giá trở lại của đồng bạc xanh khiến thị trường trong nước cũng tăng theo yếu tố tâm lý và nhu cầu ngắn hạn, nhiều hơn là yếu tố căng thẳng cung - cầu. Bởi trước đó kể từ tháng 8 đến gần hết tháng 9, với nhiều yếu tố vĩ mô tích cực và nền kinh tế thặng dư thương mại, FDI giải ngân tốt, kiều hối tăng... đã giúp nguồn cung USD dồi dào, NHNN cũng đã sử dụng các biện pháp can thiệp trên thị trường mở, “hưởng ứng” cả chính sách cắt giảm mạnh tay 50 điểm cơ bản của Fed trong kỳ họp tháng 9, để ổn định tỷ giá và kéo giảm chênh lệch lãi suất trên thị trường liên ngân hàng, hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại.
Chuyên gia của Chứng khoán Maybank nhận định, dù tỷ giá đã có những biến động tăng trong thời gian qua, thì áp lực lên tỷ giá sẽ không kéo dài.
Nguồn cung USD dồi dào, áp lực tỷ giá dự báo sẽ hạ nhiệt vào cuối năm
Với quan điểm biến động tỷ giá VND/USD hiện nay không chỉ xuất phát từ các yếu tố nội địa như chính sách lãi suất hay tình hình cung cầu ngoại tệ trong nước, mà còn đến từ tác động của các yếu tố quốc tế, đặc biệt là từ phía Trung Quốc, CEO của AFA Capital, Giám đốc điều hành kiêm đồng sáng lập của Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA), chia sẻ trong chương trình “Đi theo dòng tiền” là nhà đầu tư cần theo dõi sát sao những diễn biến từ nền kinh tế này.
Theo ông Tuấn, hiện Trung Quốc đang bước vào một chu kỳ nới lỏng tiền tệ với nhiều biện pháp kích thích kinh tế. Những chính sách này có thể khiến đồng Nhân dân tệ (CNY) mất giá, từ đó gây áp lực lên đồng VND. Kể từ cuối tháng 9/2024, tỷ giá CNY/USD đã tăng vọt, tạo ra xu hướng đồng pha với tỷ giá VND/USD.
“Điều đáng lo ngại là nếu Trung Quốc tiếp tục nới lỏng tiền tệ, đồng VND có thể chịu thêm áp lực mất giá, đặc biệt là khi Việt Nam và Trung Quốc có mối quan hệ thương mại lớn. Các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc sẽ gặp khó khăn khi chi phí nhập khẩu tăng cao”, ông lưu ý.
Ở góc nhìn khác, bộ phận nghiên cứu thị trường của Ngân hàng ACBS cho rằng, nhu cầu ngoại tệ thanh toán của nhóm doanh nghiệp nhập khẩu và FDI phát sinh trong nửa đầu tháng 10 kết hợp với đà tăng mạnh của đồng USD trên thị trường thế giới là yếu tố chính hỗ trợ cho mức tăng gần 1,2% của tỷ giá VND/USD tính từ đầu tháng 10 đến nay.
Tuy nhiên, nhìn chung các chuyên gia đều nhận định nếu nền kinh tế Mỹ tiếp tục duy trì trạng thái cân bằng và hướng tới lạm phát sát gần mục tiêu, thì lộ trình cắt giảm lãi suất của Fed như đồng thuận của giới chuyên môn có thể sẽ không thay đổi, dù mức giảm có thể linh hoạt nhỏ hơn. Qua đó, tỷ giá VND/USD cũng sẽ trượt xuống, đi cùng sự suy yếu của đồng USD và tiếp tục là dư địa cho NHNN trong điều hành tiền tệ, ngoại hối khi không phải co kéo với áp lực của mục tiêu ổn định tỷ giá.
Dự báo về xu hướng tỷ giá cuối năm, khối MBS Research đánh giá việc áp lực tỷ giá hạ nhiệt sẽ giúp NHNN có thêm nhiều dư địa để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tiêu dùng trong nước cũng như đầu tư nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Nhóm phân tích cực báo áp lực tỷ giá sẽ hạ nhiệt và dao động trong khoảng 24.700 – 24.900 VND/USD trong quý IV/2024, được hỗ trợ bởi những yếu tố như: Thặng dư thương mại tích cực (~19,1 tỷ USD trong 8T24), dòng vốn FDI (14,15 tỷ USD, +8% svck) và du lịch phục hồi mạnh mẽ (+45,8% svck trong 8T24). Sự ổn định của môi trường vĩ mô nhiều khả năng sẽ được duy trì và cải thiện hơn nữa sẽ là cơ sở để ổn định tỷ giá trong năm 2024.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận