Tương lai nào cho đất nông nghiệp
Đất đai là vấn đề quan trọng và nhạy cảm nhất trong xã hội VN, nền văn hóa nông nghiệp ngàn năm hình thành nên các giá trị và tập quán sinh sống. Người Việt ai cũng muốn làm chủ sở hữu một miếng đất. Đời người không miếng đất chọi chim được xem là "thất bại thảm hại, chết không có chổ chôn", ruộng đất bao la cò bay thẳng cánh được xem là thành đạt viên mãn, để lại của cải cho hậu thế.
Chia gia sản, được quan tâm nhất là chia đất. Chính tập quán chia đất làm cho đất đai càng manh mún. Đời ông bà có 1000 công đất, đến đời cháu (50 năm) còn lại mỗi người chừng hơn chục công (1 ha). Với canh tác nông nghiệp 1ha thì chỉ là làm để ăn, có dư bán chút đỉnh, không thể sản xuất hàng hóa mang tính cạnh tranh được.
Lịch sử chính trị VN để lại nhiều "di sản" lên đất: Cải cách ruộng đất, người cày có ruộng, đánh đuổi địa chủ cường hào ác quá…tức là băm những miếng đất lớn thành trăm ngàn miếng đất nhỏ chia đều cho nhiều người. Các cuộc cách mạng này tại thời điểm đó được xem như là “mang đến công bằng cho xã hội”. Nhưng hậu quả của canh tác manh mún, 100 năm nay, vẫn chưa thể nào có cách giải quyết. Đất đai nông thôn chính là rào cản quyết định đến sự hiện đại của nông nghiệp, quyết định đến đời sống của nông thôn, quyết định đến sản phẩm nông nghiệp VN có cạnh tranh ra thế giới được hay không.
Hợp tác xã, dồn điền đổi thửa, cách đồng mẫu lớn…rất nhiều ý tưởng để giải quyết tình trạng sản xuất cục bộ manh mún của nông nghiệp, nhưng đến này gần như rất kém hiệu quả. Đừng mắc công đi lý giải tại sao, hãy nhìn về phía trước và tìm giải pháp.
Trở lại như thời địa chủ chắc là không được rồi, thúc đẩy tích tụ ruộng đất càng không ai dám nói! Và đến lúc này thực sự cũng không cần! Sản xuất nông nghiệp ngày nay cần trí, cần tri thức, cần công nghệ chứ không phải to lớn, sức cày sức trâu như thời xưa nữa. Cùng một diện tích canh tác, nông nghiệp công nghệ cao có thể cho ra sản lượng và năng suất gấp trăm lần thời xưa. Tuy nhiên, với mặt bằng chung của nông dân hiện nay điều đó là vô cùng khó khăn, bởi nó đòi hỏi kiến thức và nhiều kỹ năng hiện đại hơn. Nghĩa là cần cần con người được đào tạo đủ năng lực tri thức để làm.
Nông thôn VN sẽ chứng kiến các nhà đầu tư lớn có tiềm lực vốn và công nghệ đầu tư các mô hình trang trại sản xuất công nghệ cao. Và khi đó, người nông dân sẽ trở thành nông dân công nghiệp. Tức được thuê để làm trong các trang trại địa phương. Tất cả đều trông chờ vào nút thắt của giao thông. Giao thông gỡ đến đâu, trang trại nông nghiệp công nghệ cao sẽ mọc lên đến đó.
Song song đó, các mô hình farmstay sẽ phát triển để thỏa mãn nhiều mục tiêu, vừa giữ đất canh tác nông nghiệp, và giữ bầu không khí trong lành, vừa tạo cảnh quan cho nông thôn kiều diễm hơn. Vấn đề rất lớn hiện nay là mô hình farmstay không có khung pháp lý: canh tác bao nhiêu, nhà ở bao nhiêu trên đất nông nghiệp, không thấy ai đá động và bàn bạc gì để gỡ. Tất cả là đang làm chui!.
Mô hình farmstay có thể liên kết với rất nhiều nơi để làm du lịch: trường học để tăng trải nghiệm thiên nhiên cho học sinh, sinh viên; viện dưỡng lão (nursing home) để chữa lành bằng thiên nhiên; bệnh viện để trị liệu tâm lý…có thể mang đến rất nhiều lợi ích cho địa phương, đóng góp cho kinh tế địa phương một cách rất hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn là câu đó, không có bất cứ một quy định pháp lý nào để làm. Tất cả là đang làm chui!.
Vai trò của nhà nước là kiến tạo khung pháp lý để các nhà đầu tư an tâm làm. Gỡ được khung pháp lý, tiền sẽ chảy về nông thôn, thì khi đó nông thôn mới thay đổi được, công ăn việc làm được tạo ra, đời sống người dân mới cải thiện, và khi đó không ai đổ về thành thị để sống chui rút trong các căn nhà trọ để làm gì.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận