Tương lai nào cho 6 siêu dự án dầu khí quốc gia?
Các dự án trọng điểm quốc gia về dầu khí nếu tiếp tục chậm triển khai kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và kéo nhiều "mạch máu" của nền kinh tế gặp khó khăn.
Danh mục dự án trọng điểm quốc gia về dầu khí bao gồm 6 trường hợp: Chuỗi dự án khí – điện lô B, chuỗi dự án khí - điện Cá Voi Xanh, chuỗi dự án khí - điện LNG Sơn Mỹ, chuỗi dự án LNG Thị Vải, dự án nâng cấp mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất và dự án khai thác nâng cấp dầu nặng Junin 2.
Danh mục dự án này được trao trách nhiệm chính cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), nhằm chủ động đảm bảo cung cấp nhiên liệu cho các ngành kinh tế quốc dân, đóng góp đáng kể vào ngân sách, mang lại nguồn ngoại tệ lớn cho quốc gia, cân đối cán cân xuất nhập khẩu thương mại quốc tế, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của đất nước nhanh và bền vững.
Đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội như vậy, nhưng sau nhiều năm, các dự án trọng điểm này vẫn rơi vào trạng thái chậm trễ kéo dài với hàng loạt vướng mắc nan giải, bất chấp nỗ lực vào cuộc quyết liệt của Chính phủ và các bộ ngành.
Năm 2018, thời điểm ngành dầu khí bị khó khăn bủa vây do hệ lụy của giá dầu giảm sâu trước đó (2015 - 2018), PVN đã kiến nghị với Bộ Công thương về các khó khăn cần tháo gỡ để kịp đẩy nhanh tiến độ từng dự án trọng điểm. PVN cũng kỳ vọng sẽ triển khai một số dự án vào thời gian 2019 - 2020 (như kho cảng LNG Sơn Mỹ và LNG Thị Vải).
5 năm sau, trong bối cảnh các chủ trương và định hướng trong Nghị quyết 41 (ban hành năm 2014), Nghị quyết 55 (ban hành năm 2020) của Bộ Chính trị; các luật, quy định hiện hành và chỉ đạo của Chính phủ về phát triển kinh tế biển và ngành năng lượng đang được tập trung thực hiện rốt ráo... các dự án trọng điểm ngành dầu khí vẫn tiếp tục "dậm chân tại chỗ" và chờ tháo gỡ vướng mắc. Thậm chí, có dự án được phê duyệt từ khoảng 10 năm trước nhưng hiện vẫn đang xin điều chỉnh vì nhiều lý do trong quá trình triển khai.
Nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng này xuất phát từ nhiều vấn đề, các bên liên quan (bao gồm Chính phủ, bộ, ngành và cả phía đối tác nước ngoài...). Tuy nhiên, các nhóm vấn đề chính nằm ở thủ tục, chờ đợi phê duyệt cơ chế, thu xếp vốn, xử lý chuyển đổi chủ đầu tư.
Tới thời điểm hiện hữu, sau gần 1 năm Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cụ thể tới các trường hợp và đơn vị liên quan, toàn cảnh tiến độ triển khai các dự án vẫn bị chậm so với kế hoạch đề ra.
Nguyên nhân, theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên - Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo nhà nước các dự án trọng điểm về dầu khí xác định là do các chủ đầu tư dự án chưa làm hết trách nhiệm của mình, chưa quyết liệt trong xử lý các tồn tại, vướng mắc của từng dự án theo thẩm quyền; các giải pháp, kiến nghị còn chung chung hoặc chưa phù hợp quy định.
Nếu trạng thái này tiếp tục tiếp diễn thì trọng trách "mũi nhọn của nền kinh tế", đảm bảo an ninh năng lượng... sẽ đặt trong tình trạng đáng lo ngại. Bởi lẽ, các dự án này không thể triển khai sớm sẽ không chỉ khiến ngành dầu khí gặp khó khăn mà các các mạch máu chính của nền kinh tế như xây dựng, nông nghiệp, giao thông vận tải… cũng sẽ không tránh khỏi ảnh hưởng trực tiếp khi dòng chảy dầu khí – năng lượng bị ứ trệ, thiếu ổn định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận