Từ ổ dịch châu Á đến không vùng đỏ Covid-19, bí quyết của Indonesia là gì?
Indonesia là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch ở Đông Nam Á với hơn 4 triệu người mắc Covid-19 và hơn 140.000 người tử vong, hiện đang dần mở cửa lại đất nước một cách thận trọng và trở thành quốc gia có chỉ số phục hồi Covid-19 cao nhất Đông Nam Á.
Từ một quốc gia đang là ổ dịch của khu vực châu Á, sau 2 tháng, Indonesia đã không chế thành công đại dịch, trở thành quốc gia có khả năng phục hồi sau dịch cao nhất Đông Nam Á theo bảng xếp hạng của Nikkei Asia. Bí quyết xử lý làn sóng đại dịch thứ 2 của Indonesia là gì?
Phân vùng rủi ro, áp dụng giới hạn theo cấp độ
Theo dữ liệu của Lực lượng đặc nhiệm xử lý Covid-19 Indonesia, trong vòng 3 ngày qua, Indonesia không còn khu vực màu đỏ về dịch Covid-19, trong khi các vùng xanh ngày một tăng thêm. Bản đồ khu vực rủi ro với đại dịch của Indonesia được phân chia dựa trên các chỉ số sức khỏe cộng đồng bao gồm chỉ số về dịch tễ học, giám sát sức khỏe cộng đồng và dịch vụ y tế.
Cách phân loại này cũng giúp Indonesia dễ dàng áp dụng các mức độ Giới hạn hoạt động cộng đồng từ mức 1 đến 4 (mức cao nhất), từ đó có các chính sách khôi phục hoạt động hoặc thắt chặt tương ứng. Chính sách này được đánh giá lại hàng tuần dựa trên báo cáo của Lực lượng đặc nhiệm xử lý Covid-19 của từng khu vực.
Indonesia đã xây dựng các kịch bản đối phó khi các ca mắc Covid-19 vượt qua 30.000 ca, rồi 50.000 ca và thậm chí dự phòng trường hợp trên 100.000 ca mỗi ngày. Ngoài ra, kể từ khi làn sóng Covid-19 thứ hai bùng phát vào đầu tháng 7/2021 do biến thể Delta tấn công, Indonesia đã nhanh chóng điều chỉnh công suất các bệnh viện, giường bệnh nội trú, tăng khả năng cung cấp thuốc và oxy, đẩy nhanh tiêm chủng và tăng cường nhân viên y tế.
Yêu cầu trợ giúp nước ngoài, kêu gọi hợp tác quốc tế
Theo Bộ trưởng Điều phối các vấn đề Đầu tư và Hàng hải Indonesia, Luhut Binsar Pandjaitan, khi biến thể Delta thống trị các hòn đảo chính ở Indonesia khiến số ca mắc Covid-19 không ngừng tăng cao, đi kèm với đó là số trường hợp tử vong đã lên đến mức gần 2.000 trường hợp mỗi ngày, chính phủ Indonesia đã không ngần ngại yêu cầu sự trợ giúp của quốc tế.
Trong tháng cao điểm của làn sóng thứ 2, Indonesia đã nhận viện trợ từ chính phủ các nước, các tổ chức phi chính phủ và các khu vực tư nhân nước ngoài. Các viện trợ dưới dạng thiết bị y tế như oxy và máy thở cùng với viện trợ về vaccine Covid-19 đến từ Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc, UAE, Hoa Kỳ và Australia. Theo Bộ trưởng Luhut, chính phủ Indonesia luôn nhấn mạnh sự đoàn kết, cộng tác và hợp tác giữa các quốc gia có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc chống lại đại dịch COVID-19. Indonesia đánh giá cao mọi hình thức hỗ trợ từ nước ngoài trong đại dịch.
Bản thân Indonesia cũng gửi viện trợ nhân đạo tới các nước, chẳng hạn như viện trợ thiết bị y tế cho Singapore để xây dựng một nơi cách ly bệnh nhân COVID-19, hỗ trợ bình oxy cho chính phủ Ấn Độ, gửi viện trợ cho Vũ Hán (Trung Quốc), Palestine và một số nước Thái Bình Dương khác. Không chỉ vậy, thông qua Liên minh Đổi mới Sáng tạo Sẵn sàng cho Dịch bệnh (CEPI) và là đồng Chủ tịch nhóm COVAX (cơ chế tài chính được thiết lập để đảm bảo các công ty dược phẩm lớn cung cấp vaccine phòng Covid-19 với giá phải chăng cho các nước nghèo), Indonesia luôn kêu gọi sự hỗ trợ của tất cả quốc gia đối với cơ chế chia sẻ vaccine COVAX như một nền tảng toàn cầu duy nhất đảm bảo quyền tiếp cận vaccine bình đẳng cho mọi người dân.
Vai trò của các nhà dịch tễ học trong nước
Kể từ đầu tháng 10, số ca mắc Covid-19 tại Indonesia liên tục giảm. Trong 24 giờ qua, nước này chỉ ghi nhận 1.261 ca mắc Covid-19, trong đó có 47 trường hợp tử vong. Bộ trưởng Điều phối Luhut Binsar Pandjaitan kiêm Điều phối viên Giới hạn hoạt động cộng đồng đảo Java và Bali đã tiết lộ thêm một bí quyết giúp Indonesia nhanh chóng giảm mức tăng đột biến của đại dịch. Theo ông, ngoài sự chỉ đạo của Tổng thống, chính phủ đã luôn lắng nghe ý kiến của các nhà dịch tễ học trong nước. Đây là những người đã thường xuyên nghiên cứu, đưa ra các tính toán, các công thức dựa trên cơ sở khoa học, giúp chính phủ đưa ra các quyết sách đúng đắn và kịp thời.
Indonesia hiện đang chỉ định các nhà dịch tễ học giám sát việc xử lý Covid-19 ở địa phương. Chẳng hạn tại thành phố Blitar, miền đông Java của Indonesia, nhà dịch tễ học từ Đại học Airlangga, ông Windhu Purnomo được chỉ định để giám sát việc thực hiện Giới hạn hoạt động cộng đồng cấp độ 1, nơi các hoạt động đều trở lại bình thường hoàn toàn trừ việc người dân duy trì đeo khẩu trang. Nhà dịch tễ học này sẽ phối hợp với quân đội, cảnh sát, nhiếp chính để có báo cáo tổng thể về tình hình đại dịch mỗi ngày, khi địa phương này đang thí điểm hoạt động bình thường. Nếu thành công, mô hình này sẽ được nhân rộng ra cả nước.
Thành tích tiêm chủng vaccine Covid-19, chuẩn bị cho căn bệnh đặc hữu
Theo Bộ trưởng Y tế Indonesia, Budi Gunadi Sadikin, số ca mắc Covid-19 ở Indonesia được cải thiện nhanh chóng là do nhiều người Indonesia đã có khả năng miễn dịch từ vaccine hoặc miễn dịch tự nhiên. Bộ Y tế Indonesia đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ để chuẩn bị Điều tra tỷ lệ cân bằng huyết thanh với 21.880 mẫu bệnh phẩm trên cả nước.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Indonesia, kết quả của cuộc khảo sát này có thể cung cấp một bức tranh toàn cảnh về tình trạng kháng thể của người dân Indonesia, trở thành cơ sở cho việc hoạch định các chính sách trong tương lai. Việc khảo sát này sẽ được thực hiện 6 tháng một lần để tăng khả năng sẵn sàng của Indonesia trong đối phó với đại dịch và chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi sang căn bệnh đặc hữu. Chìa khóa chính là tỷ lệ tiêm chủng được nâng cao; tăng cường truy vết, xét nghiệm và điều trị, cuối cùng là thắt chặt các giao thức y tế trong đó áp dụng ứng dụng giám sát y tế PeduliLindungi.
Indonesia hiện là quốc gia đứng thứ 5 trên thế giới về tốc độ tiêm chủng vaccine Covid-19. Tính đến ngày 10/10/2021, thành tích tiêm chủng vaccine Covid-19 liều đầu tiên ở Indonesia đã vượt mốc 100 triệu mũi tiêm. Trong đó có 57,5 triệu người đã tiêm đầy đủ hai mũi vaccine Covid-19 trong tổng chỉ tiêu tiêm chủng cho hơn 208 triệu dân. Bộ trưởng Bộ Y tế Indonesia, Budi Gunadi Sadikin cho biết, một số chiến lược đã được thực hiện để tăng độ bao phủ tiêm chủng Covid-19 là mở các đợt tiêm chủng đại trà, phối hợp với các thành phần khác nhau của xã hội, tiêm chủng không phân biệt quê quán và nơi cư trú.
Trong thời gian tới, lường trước làn sóng Covid-19 thứ 3 có thể xảy ra sau kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và Năm mới, chính phủ Indonesia đã chuẩn bị một số bước đi để đối phó, trong đó tăng cường tiêm chủng vaccine Covid-19 cho người cao tuổi để giảm tỷ lệ tử vong và điều trị trong bệnh viện trong trường hợp tăng đột biến các ca mắc Covid-19, đặc biệt là đối với các khu vực tập trung đông người và các trung tâm tăng trưởng kinh tế.
Indonesia là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch ở Đông Nam Á với hơn 4 triệu người mắc Covid-19 và hơn 140.000 người tử vong hiện đang dần mở cửa lại đất nước một cách thận trọng và trở thành quốc gia có chỉ số phục hồi Covid-19 cao nhất Đông Nam Á (Theo Nikkei Asia) với chỉ số kinh doanh đã phục hồi 91% vào tháng 10/2021./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận