'Từ khoá' giải bài toán COVID-19 cho nền kinh tế Việt Nam
Theo TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, muốn giải bài toán cho nền kinh tế Việt Nam ở thời điểm hiện tại, cần trả lời cho được câu hỏi: Làm sao giải ngân được 600 nghìn tỷ vốn đầu tư công?.
Thế giới đang chao đảo khi phải đối mặt với hàng loạt những vấn đề lớn cùng lúc là cuộc khủng hoảng giá dầu và dịch bệnh COVID-19 lan rộng, chưa thể kiểm soát, đặc biệt ở các nước phát triển.
Chỉ trong vài ngày qua thị trường tài chính thế giới đã chứng kiến cảnh tượng chưa từng xảy ra bao giờ trong lịch sử khi các thị trường chứng khoán liên tục phải đóng cửa trước đà giảm "không phanh" của các mã cổ phiếu lớn. Tâm lý lo sợ dịch bệnh, động thái nới lỏng tiền tệ bất ngờ của Ngân hàng Trung ương Mỹ (FED) dẫn tới lo ngại một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu sẽ thực sự bắt đầu từ năm 2020.
Việt Nam là một nền kinh tế mở, khai thác dầu thô từng là cứu tinh của cả nền kinh tế. Tuy trong nhiều năm trở lại đây đóng góp từ dầu thô không còn quá lớn, nhưng PVN hàng năm vẫn đóng góp khoảng 10% tổng thu ngân sách. Nói như vậy để thấy, cuộc chiến dầu thô và nguy cơ khủng hoảng kinh tế toàn cầu sẽ có tác động lớn tới kinh tế Việt Nam, nếu Chính phủ không có những biện pháp kịp thời để chống đỡ các cú sốc từ bên ngoài.
Để làm rõ hơn tác động của cuộc chiến giá dầu và nguy cơ của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới tới Việt Nam và tìm câu trả lời cho câu hỏi "Chúng ta phải làm gì ở thời điểm hiện tại?" Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương về vấn đề này.
Ông đánh giá thế nào về tác động của cuộc chiến giá dầu đang diễn ra tới thế giới và Việt Nam?
Đánh giá tác động của giá dầu giảm, đầu tiên có thể thấy là người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi. Nhưng đứng trên khía cạnh vĩ mô thì tác động của việc giá dầu giảm tới các nước sẽ khác nhau tùy thuộc vào đóng góp của dầu mỏ vào nguồn thu ngân sách của từng nước.
Ví như có những nước sản xuất, xuất khẩu dầu mỏ đóng góp phần lớn vào thu ngân sách như các nước đang trong cuộc chiến giá dầu. Nhưng cũng có những nước sản xuất dầu mỏ đóng góp vào ngân sách ở mức độ nhất định như Việt Nam hay có những nước chỉ nhập khẩu dầu mỏ.
Riêng với Việt Nam, việc giá dầu giảm đầu tiên là giảm áp lực cho lạm phát. Tuy nhiên, nếu nhìn vào sản xuất dầu, khai thác dầu thô Việt Nam, nguy cơ đóng góp vào ngân sách sẽ bị giảm. Với tỷ trọng khá lớn khoảng 10% - đây là nguồn thu quan trọng cho ngân sách nhà nước và nếu bị suy giảm Chính phủ cũng cần có phương án để bù đắp.
Vậy theo ông, kịch bản về một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2020 liệu có diễn ra?
Các nguyên nhân dẫn tới suy thoái, khủng hoảng có thể kể tới như giá chứng khoán cao (bong bóng chứng khoán); lợi suất trái phiếu dài hạn của Mỹ quá cao, có thời điểm cao hơn cả kỳ ngắn hạn; rồi nợ công ở nhiều nước quá cao; hay cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc. Trước mỗi nguyên nhân lại có những tranh cãi trái chiều.
Đến thời điểm hiện tại, thế giới lại phải đổi diện với một vấn đề khác, đó là dịch bệnh - một nguyên nhân bất thường, chưa được lường trước. Nó càng làm cho những dự báo trên được củng cố và nguy cơ khủng hoảng kinh tế thế giới trong năm 2020 đang lớn dần lên.
Vậy Việt Nam cần làm gì ở thời điểm hiện tại đế ứng phó với cả dịch bệnh lẫn nguy cơ khủng hoảng kinh tế bắt nguồn từ bên ngoài?
Chỉ thị 11 đã nêu khá rõ các phương án để hỗ trợ doanh nghiệp từ giảm lãi suất, hỗ trợ miễn, giảm, giãn, hoãn nộp các loại thuế, khoanh nợ, cơ cấu lại nhóm nợ. Đây đều là những giải pháp căn cơ để hỗ trợ doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đang chuẩn bị cho những trường hợp xấu hơn và có thể là những trường xấu nhất có thể xảy ra. Các biện pháp mà Chính phủ đưa ra, về cơ bản dựa trên các nguyên tắc sau: Đầu tiên là ưu tiên chống dịch, sau đó mới là các biện pháp song hành. Vì không chống được dịch thì các biện pháp khác không có nhiều ý nghĩa.
Tiếp theo là các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Cần xác định rằng, thâm hụt ngân sách năm nay có thể sẽ lớn hơn nhưng vẫn đảm bảo tổng thể kinh tế vĩ mô giữ được cân đối. Gắn với đó là yêu cầu cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí cho các dịch vụ. Cùng với hỗ trợ kinh doanh là đảm bảo an sinh xã hội trên phương châm quyết liệt, minh bạch, kịp thời.
Về các gói hỗ trợ cần xác định là phải có cách làm khác so với năm 2009 (sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008). Cụ thể, phải làm sao giảm khó khăn cho doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại. Nếu tình hình ngày càng trở nên xấu hơn thì các biện pháp cũng cần mạnh mẽ hơn.
Chúng ta cần kịp thời nhưng cũng phải phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, không chỉ giảm khó khăn hiện nay mà còn cần giúp doanh nghiệp phục hồi nhanh hơn. Thực tế ở thời điểm hiện tại không nhiều doanh nghiệp có nhu cầu vay mới, cần qua đỉnh dịch, có cơ hội thì nhu cầu này mới tăng cao.
Tiếp theo, Chính phủ cũng xác định cần đẩy mạnh đầu tư công để hỗ trợ nền kinh tế. Đầu tư công cũng phải đi theo hướng khác năm 2009 (khi đó Việt Nam đã bơm hàng tỷ USD mới để hỗ trợ nền kinh tế), nhưng hiện nay chúng ta vẫn còn khoảng 600.000 tỷ vốn đầu tư công của các năm đọng lại và kế hoạch năm nay chưa được giải ngân. Nên vấn đề không phải là chi thêm bao nhiêu tiền mà là làm sau "tiêu" hết số tiền 600.000 tỷ đồng trong kế hoạch đã định sẵn.
Xin cảm ơn ông!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận