Từ chiến lược đến mô hình
Trước khi xây một tòa nhà, người ta luôn cân nhắc tính toán lựa chọn mục đích, con đường hoạt động, cách thức cạnh tranh và vận hành tòa nhà sao cho hiệu quả. Họ thường phân tích nhiều khía cạnh để quyết định nên xây một khách sạn hay một cao ốc văn phòng, hay một khu căn hộ dịch vụ, hay cứ để bãi đất trống làm bãi giữ xe 24/24...
Và họ cũng phân tích rất kỹ để tính toán, nếu xây một khách sạn thì nên xây thế nào, bao nhiêu phòng, đẳng cấp mấy sao, lựa chọn đối tượng khách hàng là ai, thu hút khách hàng bằng cách nào, dựa vào kinh nghiệm, năng lực hay yếu tố đặc biệt nào để cạnh tranh, làm cách nào để chiến thắng và chiến thắng bền vững các khách sạn khác...
Những phân tích đó chính là phân tích chiến lược vì nó chủ động ngay từ đầu (proactive) phục vụ cho mục tiêu lâu dài (long-term objectives), dựa trên điểm mạnh, điểm yếu, và năng lực đặc biệt vượt trội của mình (core competencies), đồng thời có tính toán đến các cơ hội, rủi ro của môi trường kinh doanh (opportunities and threats)...
Chỉ sau khi đã phân tích kỹ, mà tôi gọi là phân tích chiến lược (strategic analysis), và có sự lựa chọn cẩn trọng, mà tôi gọi là lựa chọn chiến lược (strategic choice) rồi, người ta mới bắt đầu thiết kế và xây dựng tòa nhà và đưa vào vận hành (strategic implementation) để thực hiện ý đồ đã chọn trước đó; chứ không ai làm ngược lại là xây dựng xong tòa nhà rồi mới nghĩ đến chuyện dùng nó làm gì và cạnh tranh thế nào để thành công!
Đối với một doanh nghiệp thì cũng nên vậy. Bạn phải thu thập thông tin, phân tích và cân nhắc mọi khía cạnh vĩ mô, vi mô, thị trường, khách hàng, đối thủ cạnh tranh trước để hoạch định chiến lược phát triển rồi mới ra mô hình hoạt động, rồi mới tiến hành đầu tư cơ sở vật chất (nhà máy, dây chuyền sản xuất, kho bãi, xe cộ, văn phòng, tủ kệ...), tiền bạc, nhân lực, vật tư, hàng hóa...
Nếu không tính toán trước một cách cẩn trọng (như tính toán việc xây tòa nhà như tôi nêu trên), mà chọn ngay một mô hình hoạt động (mô hình kinh doanh) copy của ai đó và tiến hành đầu tư theo đó, rồi mới nghĩ đến chuyện cạnh tranh thế nào, e rằng doanh nghiệp có thể phải đập bỏ, làm lại từ đầu, như một tòa nhà xây sai vị trí hay sai chức năng, trở thành vô dụng.
Bạn có nghĩ thế không? Dĩ nhiên, nếu bạn đã lỡ có một mô hình nào đấy rồi mà nó đang chạy êm và hiệu quả thì bạn gặp may rồi. Còn nếu nó chạy ì ạch chẳng ra làm sao thì hãy coi lại chiến lược của bạn để điều chỉnh hoặc thay đổi hoàn toàn.
Điều này cũng tương tự như bạn có tiền, muốn mua một chiếc ô tô để kinh doanh thì bạn phải phân tích nhiều thứ để chọn tuyến đường, chọn khách hàng, chọn chở gì, chọn cách cạnh tranh thế nào trước khi mua xe; chứ không phải mua bừa một chiếc xe xong rồi mới tính.
Tất nhiên, nếu tự nhiên bạn được thừa kế hay có ai đó biếu bạn một chiếc xe có sẵn thì là chuyện khác!
* PS: Mô hình giáo dục của một quốc gia nếu cứ thay đổi xoành xoạch, từ cơ cấu tổ chức (các bậc học, trường lớp, ngành nghề đào tạo), nhân sự (tiêu chuẩn, chất lượng...), hệ thống thi cử, phương pháp đào tạo, chương trình, sách giáo khoa..., mà vẫn không hiệu quả, là do chưa có một chiến lược giáo dục hoàn chỉnh, hoặc đã có nhưng chưa phù hợp, hoặc chỉ có trên giấy, không ai quan tâm thực hiện... Yes/No?
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận