Từ câu chuyện của Clever Group (ADG), doanh nghiệp công nghệ tự phong theo trend?
Clever Group (mã ADG) trong các sự kiện gần đây được nhắc đến như một cổ phiếu công nghệ với tương lai tươi sáng. Tuy nhiên, đánh giá của chuyên gia trong ngành lại khác.
Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch NextTech Group bày tỏ quan điểm: “Tôi không nhìn nhận Clever Group là công ty công nghệ, mà bản chất là công ty thương mại. Hoạt động lõi của họ là đi bán quảng cáo, đại lý bán quảng cáo cho Google, Facebook. Họ đi bán sản phẩm công nghệ thì đúng hơn, hay nói cách khác chỉ là công ty thương mại hóa sản phẩm công nghệ".
Theo ông Bình, công ty công nghệ phải sở hữu một nền tảng, một phần mềm nào đó được nhiều người dùng và phát sinh ra nhiều doanh thu, đồng thời nền tảng ấy, phần mềm ấy phải do chính doanh nghiệp phát triển.
“Giờ nhiều doanh nghiệp theo trend, gán cái mác công nghệ lên đầu để mong cổ phiếu tăng giá, trong khi bản chất lại chưa phải là công ty công nghệ”, ông Bình nói.
Giờ nhiều doanh nghiệp theo trend, gán cái mác công nghệ lên đầu để mong cổ phiếu tăng giá, trong khi bản chất lại chưa phải là công ty công nghệ.
Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch NextTech Group
Trên thế giới, P/E của cổ phiếu các công ty công nghệ ở mức rất cao. Định giá của các công ty này thường theo cách phi truyền thống và các nhà đầu tư chấp nhận điều đó.
Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, cổ phiếu YEG của Yeah1 cũng từng được gán mác công nghệ.
Một nguồn tin của Báo Đầu tư Chứng khoán cho biết, trước khi cổ phiếu này được đưa lên sàn, đã có ý kiến định giá cổ phiếu này ở mức “đầu 7”, nhưng rồi các bên trong cuộc lại đẩy lên tới 30x.
Sự kiện giá chào sàn của YEG thời điểm đó đã gây ồn ào thị trường chứng khoán một thời gian. Sau rất nhiều lùm xùm, giá YEG hiện chỉ còn 49.400 đồng/cổ phần.
Trở lại với trường hợp Clever Group, liệu đây có phải là công ty công nghệ không? Nhận định của ông Nguyễn Hòa Bình, vốn được coi là dân công nghệ thứ thiệt cũng là một căn cứ để nhà đầu tư cần xem xét.
Còn về triển vọng kinh doanh của Clever Group, khi doanh nghiệp không nắm trong tay sản phẩm hoặc công nghệ lõi, liệu có thể tự tin trong mọi tình huống?
Theo báo cáo phân tích cổ phiếu ADG của Công ty Chứng khoán SSI mới đây, dựa trên giá đóng cửa vào ngày 30/11/2020, ADG đang giao dịch tại mức P/E dự phóng 2021 là 21,6 lần. Mức P/E này cao hơn so với mức định giá bình quân 20,3 lần của các công ty nằm trong danh sách so sánh có hoạt động kinh doanh tương tự trong khu vực.
Ba quý đầu năm nay, lợi nhuận sau thuế của Clever Group tăng trưởng mạnh nhờ sự ổn định của chi phí dịch vụ mua ngoài trong giá vốn.
Trước tác động của dịch Covid-19, doanh thu của Công ty tăng trưởng 7,8% so với cùng kỳ năm trước, chậm hơn so với mức tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) 19% trong giai đoạn 2016 - 2019.
Mặc dù vậy, phí thanh toán cho các nền tảng công nghệ ổn định so với cùng kỳ 2019 là động lực chính khiến lợi nhuận sau thuế tăng trưởng mạnh 35% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, SSI cho rằng, khoản phí này ghi nhận tăng thêm trong quý IV/2020 khiến lợi nhuận sau thuế quý cuối năm của doanh nghiệp dự kiến thấp hơn cùng kỳ năm ngoái.
Clever Group được SSI đánh giá là một đại lý trong lĩnh vực quảng cáo trực tuyến, đang nỗ lực trở thành một công ty công nghệ số trong những năm tới.
Những động thái của Clever Group gần đây cho thấy tham vọng rằng công ty thành viên sẽ giúp Công ty đa dạng hóa nguồn thu (quảng cáo, giải pháp công nghệ, dịch vụ thương mại điện tử...).
Nhưng không thể không nhắc đến rủi ro cạnh tranh trong ngành quảng cáo trực tuyến. Đây là rủi ro hiện diện đối với Clever Group, Công ty đang phải cạnh tranh với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, chào giá thấp.
Bên cạnh đó là rủi ro chính sách từ chính các công ty công nghệ. Mặc dù chưa nhận thấy những rủi ro tiềm tàng nào về quan hệ đối tác giữa Clever Group và các nền tảng như Google hay Facebook, tuy nhiên việc Google tinh giản các điều kiện trong việc tuyển chọn đối tác cấp cao trong những năm gần đây phần nào khiến áp lực cạnh tranh gia tăng đối với Công ty.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận