TTC Sugar huy động 1.200 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp
Với đợt huy động vốn trái phiếu lớn nhất từ trước đến nay, TTC Sugar dự kiến sẽ dùng nguồn vốn để thanh toán các hợp đồng mua bán đường, đồng thời củng cố thị phần số 1 ngành đường hiện tại.
Tài sản đảm bảo của lô trái phiếu sau ngày phát phát hành là toàn bộ quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của khu đất tại thị xã Thái Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh do công ty sở hữu; cổ phần do TTC Sugar phát hành cùng các lợi ích và quyền tài sản phát sinh từ các cổ phần này; và các tài sản bổ sung hoặc thay thế khác.
Toàn bộ số tiền thu về từ đợt phát hành trái phiếu sẽ dùng để tăng quy mô vốn hoạt động của công ty. Cụ thể, số tiền dự kiến sẽ dùng để thanh toán các hợp đồng mua đường với đối tác.
Trong quá khứ, TTC Sugar đã nhiều lần huy động nguồn vốn từ trái phiếu để phát triển doanh nghiệp. Năm 2017, công ty đã huy động trái phiệu trị giá 425,6 tỷ đồng để đầu tư dự án cụm công nghiệp mía đường và vùng nguyên liệu của Công ty TNHH Mía đường Hoàng Anh Attapeu tại Lào, để sở hữu 100% vốn điều lệ của công ty này.
Năm 2020, công ty tiếp tục huy động 172 tỷ đồng từ trái phiếu doanh nghiệp với mục đích tái cơ cấu nguồn vốn, chi trả các khoản nợ phát sinh từ hoạt động kinh doanh, chủ yếu là các khoản nợ ngân hàng.
Là nhà sản xuất mía đường lớn nhất Việt Nam, TT Sugar cho biết đẩy mạnh huy động vốn cho mục tiêu trở thành nhà cung cấp giải pháp sản phẩm nông nghiệp có nguồn gốc và bền vững hàng đầu Đông Dương, đồng thời nâng thị phần nội địa lên 50% trong niên độ 2020 – 2021, công ty tiếp tục tập trung khai thác và hoàn thiện chuỗi giá trị cây mía, hướng đến cung cấp cho thị trường các giải pháp năng lượng Xanh từ sản xuất sạch.
Hồi cuối tháng 4, TTC Sugar còn mở rộng sang thị trường nước đóng lon với việc ra mắt sản phẩm nước mía đóng lon Miaha.
Ngành đường Việt Nam đã trải qua giai đoạn khó khăn kể từ niên vụ 2018 - 2019, khi giá đường thế giới đi xuống. Ngành mía đường càng trở nên khó khăn hơn khi từ 1/1/2020 thuế nhập khẩu đường từ các nước Asean giảm xuống còn 5% và khi hạn ngạch được xóa bỏ. Đường Thái Lan rẻ hơn tràn vào thị trường Việt Nam, đe dọa đến sản phẩm đường nội địa có chi phí sản xuất cao hơn.
Tuy nhiên, ngành đường trong nước được kỳ vọng sẽ hồi sinh khi chính sách thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với đường Thái Lan dự kiến sẽ giúp bảo vệ đường trong nước khỏi đường nhập khẩu giá rẻ từ Thái Lan cũng như đường nhập lậu, thúc đẩy ngành đường trong nước về lâu dài vì mục tiêu an ninh lương thực và hỗ trợ lao động ngành nông nghiệp.
Trong niên vụ 2020/2021, tổng sản lượng sản xuất chỉ ước đạt 612 nghìn tấn và tổng nguồn cung nội địa là khoảng 700 nghìn tấn, giảm 14% so với cùng kỳ. Trong khi đó, nhu cầu trong nước ước tính đạt 2,2 triệu tấn trong năm 2021 và dự kiến sẽ tăng từ 3 -5% mỗi năm trong những năm tới.
Việc nguồn cung từ vụ mía trong nước chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu sẽ là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp đường trong nước đẩy mạnh sản xuất, tăng trưởng doanh thu cũng như lợi nhuận.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận