TS. Võ Trí Thành: Có thể có gói mới kích thích kinh tế, áp dụng đến hết 2021
“Có thể có một gói hỗ trợ mới đến năm 2021 và dự kiến công bố vào tháng 9 tới”, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho biết.
Tại toạ đàm “Quản lý khủng hoảng cho doanh nghiệp - Cách thức để hưng thịnh trong trạng thái bình thường mới” do Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức vừa qua tại TP.HCM, ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho biết, có thể có gói hỗ trợ kích thích kinh tế mới, với điểm đặc biệt là áp dụng cho đến hết năm 2021, bởi khó khăn cả về kinh tế xã hội sẽ còn ở phía trước.
Việt Nam còn nguồn lực. Khó khăn còn ở phía trước nên không thể tất tay, có 10 đồng chi hết một lần, mà phải dùng đúng thời điểm.
Cơ sở quan trọng thứ hai là hơn 80 tỷ USD dự trữ ngoại tệ của Việt Nam còn nguyên, chưa chi đồng vào.
Với nguồn lực như vậy, chúng ta vừa đảm bảo cân đối vĩ mô, vẫn có thể dành lượng không nhỏ cho gói kích thích kinh tế
Theo đó, gói hỗ trợ kích thích này này sẽ chú trọng các yếu tố liên quan đến sáng tạo, đổi mới, kỹ năng… gắn với những lĩnh vực mới, xu hướng sản xuất kinh doanh, tiêu dùng mới.
Việt Nam đã “căng mình” chống dịch từ đầu năm, trong đó, có 3 tuần thực hiện giãn cách xã hội.
Tiến sĩ Võ Trí Thành gọi đây là 3 tuần đau đớn nhất với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ.
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất đang bị đứt gãy đều bị ảnh hưởng.
Các đối tác quan trọng với nền kinh tế Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản,…đều đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.
“Nhưng, cái âm của Việt Nam không nặng như nhiều nước trên thế giới nhờ 3 lý do, gồm khu vực dịch vụ chưa phát triển như nhiều nước (chỉ chiếm 43% GDP, trong khi nhiều nước từ 70-80%), có nền nông nghiệp đang phát triển và tầng lớp trung lưu ở Việt Nam đều có tiết kiệm trong khi người dân nhiều nước dù lương cao nhưng không dành cho khoản tiết kiệm”, ông Thành nói và chia sẻ thêm về khu vực doanh nghiệp SMEs đang bị tác động cực kỳ nghiêm trọng bởi đại dịch.
Cụ thể, trong tháng 04/2020, doanh thu của nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ gia đình và SMEs giảm trung bình 55% và giảm 30% trong tháng 05/2020.
Cả nước có khoảng 55 triệu lao động thì 31 triệu người bị ảnh hưởng như mất việc, giảm giờ làm việc, giảm thu nhập,…Trong đó, một nửa thuộc nhóm giảm thu nhập.
Nhưng có số liệu mà Tiến sĩ Võ Trí Thành cho là đặc biệt, là số lao động không bị giảm nhiều như mức độ lao dốc của doanh thu doanh nghiệp khi 50% doanh nghiệp thuộc nhóm đề cập phía trên giữ lao động và con số này tăng lên 70% vào tháng 5.
Cùng với đó, nền kinh tế đang có nhiều dấu hiệu tích cực từ tháng 6/2020 khi lượng vận chuyển hành khách và hàng hoá tăng tương ứng 13,4% và 7,3% so với tháng trước.
“Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động tại Việt Nam vẫn giữ lao động, dù doanh số giảm mạnh. Đặc biệt, doanh nghiệp do nữ làm chủ thì tỷ lệ cắt giảm lao động thấp hơn do nam làm chủ”, Tiến sĩ Võ Trí Thành nói và đánh giá, tác động lớn nhất mang ý nghĩa “cứu” doanh nghiệp là khống chế được dịch, bỏ giãn cách xã hội.
“Mở cửa” trở lại nền kinh tế là biện pháp quan trọng nhất nhằm duy trì, cầm cự và có thể phục hồi.
Các doanh nghiệp cũng đang nỗ lực rất lớn trong cắt giảm chi phí, từ “ngủ đông” đến giữ lại đội ngũ nhân sự cốt lõi nhất; chuyển đổi mô hình kinh doanh, lập “phòng tác chiến” nhanh; chuyển đổi sản phẩm,…
“Doanh nghiệp Việt không phó mặc số phận nhưng nhìn chung không đủ tự sức vượt qua khủng hoảng, đặc biệt nhóm SMEs”, Tiến sĩ Thành nói và kỳ vọng vào gói hỗ trợ mới sẽ góp phần hỗ trợ sản xuất kinh doanh mà vẫn đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo Báo Đầu tư
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận