TS. Nguyễn Đức Thành: Dừng xuất khẩu gạo chỉ làm lợi cho các nhóm lợi ích
TS. Nguyễn Đức Thành, thành viên Liên minh Chính sách nông nghiệp Việt Nam cho rằng, Chính phủ không nên dừng xuất khẩu gạo hoặc áp dụng chế độ hạn ngạch vào thời điểm hiện nay.
Ông Thành cho rằng, dừng xuất khẩu gạo chỉ làm lợi cho các nhóm lợi ích núp bóng nhà nước, đồng thời gây thiệt hại và phân hoá các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, khiến thị trường bị đẩy lùi hàng chục năm.
Nngười nông dân miền Tây chịu thiệt hại nặng nề nhất vì đang được mùa được giá, giờ lại phải bán gạo với giá rẻ vì "an ninh lương thực". Đáng nói hơn, những ngày này, trong khi Việt Nam đóng cửa xuất khẩu gạo thì Thái Lan lại đang tung hoành trên thị trường thế giới như "Triệu Tử Long cưỡi ngựa trắng trong trận Trường Bản".
Thái Lan đang không ngừng đẩy giá mặt hàng này lên cao. Cụ thể, ngày 26/3, gạo 5% tấm của Thái Lan được chào bán với giá 480 - 484 USD/tấn (bình quân 482 USD/tấn), gạo 25% tấm là 448 - 452 USD/tấn (bình quân là 450 USD/tấn).
Ngày 27/3, gạo 5% tấm tăng lên mức 493 - 497 USD/tấn (bình quân là 495 USD/tấn), gạo 25% tấm là 461 - 465 USD/tấn (bình quân là 463 USD/tấn). Đến ngày 31/3, gạo 5% tấm của Thái Lan được đẩy lên mức giá 518 - 522 USD/tấn (bình quân là 520 USD/tấn), trong khi gạo 25% đã ngưng chào giá.
Theo ông Chookiat Ophaswongse, Chủ tịch danh dự Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, đầu năm 2020, triển vọng xuất khẩu gạo của Thái Lan vốn rất ảm đạm do sản lượng gạo của quốc gia này trong vụ vừa qua rất thấp.
Với hạn hán đang diễn ra kể từ tháng 11, Thái Lan chỉ đủ lương thực để đảm bảo không thiếu hụt trong nước và thặng dư dưới 8 triệu tấn cho xuất khẩu.
Tuy nhiên, với sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19, ông Chookiat cho rằng, xuất khẩu gạo của Thái Lan đang đứng trước vận hội lớn. Giá gạo 5% tấm của quốc gia này hiện đã tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái và lên mức cao nhất kể từ tháng 8/2013.
Mặc cho nỗi lo an ninh lương thực ngày càng gia tăng trên toàn thế giới, xuất khẩu gạo Thái Lan dự kiến sẽ tăng doanh số trong quý hai năm nay. Chính phủ Thái Lan cho biết, quốc gia này không có kế hoạch hạn chế xuất khẩu để đảm bảo an ninh lương thực.
Bình luận về việc Thái Lan "một mình một chợ", thao túng, đẩy giá gạo xuất khẩu, ông Thành cho rằng, Việt Nam cũng nên mở cửa cho xuất khẩu gạo trong nước.
Trước thực trạng cầu lúa gạo của thế giới đột ngột tăng cao, xuất khẩu gạo trong bối cảnh hiện nay là một cơ hội tốt. Nó không chỉ giúp ngành nông nghiệp Việt Nam phục hồi trong mùa dịch mà còn cải thiện vị thế của quốc gia như một nước luôn xuất khẩu ròng lúa gạo. Việc lo sợ quá mức về thiếu hụt nguồn cung có thể sẽ khiến Việt Nam đánh mất cơ hội cho cả người sản xuất lúa gạo lẫn các nhà xuất khẩu.
Liên quan đến vấn đề này, mới đây, sau khi làm việc với đại diện các tỉnh thành, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và 20 doanh nghiệp xuất khẩu lớn nhất, Bộ Công thương cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục xuất khẩu gạo trong thời gian tới.
Theo bộ này, dự báo các vụ lúa năm 2020 sẽ cho thu hoạch ước đạt 43,5 triệu tấn thóc. Trong đó vụ đông xuân sản lượng ước đạt 20,2 triệu tấn thóc, sản lượng vùng Đồng bằng sông Cửu Long ước đạt 10,8 triệu tấn.
Trong khi đó, các số liệu tổng hợp cho thấy, tổng lượng hợp đồng đã ký của các doanh nghiệp nhưng chưa giao hàng là gần 1,67 triệu tấn gạo. Lượng hiện có trong kho của các doanh nghiệp là hơn 1,7 triệu tấn gạo và 144.000 tấn thóc (tương đương 75.000 tấn gạo).
Như vậy, tình hình sản xuất lương thực của Việt Nam vẫn dư sức đảm bảo an ninh lương thực trong nước và phục vụ xuất khẩu. Sản lượng lúa gạo của Việt Nam cao hơn nhiều so với mức 20 triệu tấn gạo của Thái Lan mỗi năm.
Báo cáo của Bộ Công thương cũng cho hay, Tổng cục Dự trữ nhà nước đang mua vào 300.000 tấn gạo và sẽ giữ lại thêm 400.000 tấn gạo để dự phòng. Như vậy, lượng gạo xuất khẩu giữ lại cho nhu cầu trong nước trong hai tháng 4 và 5 đạt 700.000 tấn.
“Lượng gạo xuất khẩu dự kiến trong hai tháng tới vào khoảng 800.000 tấn, trước mắt trong tháng 4 cho phép xuất khẩu 400.000 tấn. Vào tuần cuối cùng tháng 4, căn cứ diễn biến dịch bệnh và báo cáo của các bộ, ngành, Thủ tướng chính phủ sẽ xem xét, quyết định phương hướng điều hành xuất khẩu gạo tháng 5”, Bộ Công thương đề xuất.
Nên đánh thuế xuất khẩu gạo
Bên cạnh việc không nên áp dụng chính sách dừng xuất khẩu gạo, ông Thành cho rằng, Chính phủ nên đánh thuế đối với việc xuất khẩu mặt hàng này. Mức thuế này sẽ tạo ra sự chênh lệch giá giữa gạo trong nước phục vụ nhân dân, kho dự trữ quốc gia và giá gạo thế giới phục vụ doanh nghiệp và mang lại nguồn thu cho nhà nước.
Ông Thành lấy ví dụ, trong trường hợp đánh thuế xuất khẩu gạo là 30% giá bán, khi giá gạo thế giới là 800 USD/ tấn thì giá trong nước sẽ chỉ là 560 USD. Như vậy người dân vẫn được hưởng giá gạo tương đối thấp so với giá thế giới.
Doanh nghiệp cũng không có động lực xuất khẩu ồ ạt vì giá gạo xuất khẩu không khác gì bán trong nước. Trong khi đó, nhà nước sẽ thu được thuế 240 USD/tấn gạo vào thẳng ngân sách.
Theo ông Thành, lợi ích lớn nhất của việc đánh thuế này là doanh nghiệp có thể chủ động được bài toán xuất khẩu. Khi giá gạo thế giới tăng, doanh nghiệp có quyền xuất khẩu bất cứ lúc nào với khối lượng tùy ý. Đồng thời, doanh nghiệp sẽ biết rõ giá bán thu được là bao nhiêu với thuế suất cố định.
Qua đó, doanh nghiệp sẽ tính toán nên tích trữ chờ đợi hay bán ngay và không bị lỡ các cơ hội xuất khẩu tốt trên thế giới.
Về phía Chính phủ, ông Thành chỉ ra lợi ích của việc đánh thuế xuất khẩu gạo là Chính phủ không lo doanh nghiệp xuất khẩu ồ ạt, không lo giá gạo trong nước tăng và nguồn cung bị thiếu.
Trong khi đó, nếu dừng xuất khẩu gạo sẽ khiến doanh nghiệp và nông dân hoàn toàn bị động, không phát huy được trí tuệ và tính chủ động của họ, kéo lùi sự phát triển của thị trường.
Nhấn mạnh rằng chính sách thuế không thuộc thẩm quyền của Chính phủ mà thuộc Quốc hội, ông Thành cho rằng trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, Chính phủ cần coi đây là một tình huống đặc biệt để áp dụng chính sách thuế này. Thuế xuất khẩu gạo nên được áp dụng như một tình huống đặc biệt khi Chính phủ không tự tin với an ninh lương thực trong nước, mà cầu gạo thế giới thì đang gia tăng mạnh mẽ.
"Trong trường hợp không có cơ sở pháp lý để thực hiện, Chính phủ có thể áp dụng tạm thời một loại phí nhưng có chức năng giống hệt như thuế để bảo đảm đạt mục tiêu chính sách", ông Thành khuyến nghị.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận