menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
TS. Cấn Văn Lực

TS. Cấn Văn Lực đưa ra 8 giải pháp giúp doanh nghiệp Việt trong bối cảnh dịch Covid-19

Theo TS. Cấn Văn Lực và nhóm chuyên gia của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, nguy cơ kinh tế Việt Nam chịu tác động tiêu cực là tương đối cao, nhiều doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng song một số mô hình và lĩnh vực kinh doanh lại có thêm cơ hội nhất định.

TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV mới đây đã xây dựng mô hình đánh giá tác động của Covid-19 đến nền kinh tế Việt Nam dựa trên 3 kịch bản (cơ sở, tích cực và tiêu cực). Theo đó, với kịch bản cơ sở (có khả năng xảy ra cao nhất), nếu các hoạt động thương mại, du lịch, đầu tư dần phục hồi từ nửa cuối quý 2/2020 thì GDP 2020 giảm khoảng 0,83 điểm %; trong đó, GDP quý 1 giảm 1,23 điểm % và GDP quý 2 giảm 0,71 điểm %. Với kịch bản tích cực, nếu các hoạt động trở lại bình thường từ đầu quý 2/2020 thì mức giảm GDP quý 1 khoảng 1,22 điểm %; quý 2 giảm 0,39 điểm %, và GDP cả năm giảm khoảng 0,32 điểm %. Với kịch bản tiêu cực (xấu nhất), khi các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh không có hiệu quả, dẫn đến hệ lụy xấu, thậm chí làm kiệt quệ ngành nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ thì GDP quý 1 có thể giảm 1,24 điểm %, GDP quý 2 giảm 1,46 điểm % và GDP cả năm giảm khoảng 2,71 điểm %.

Trong báo cáo mới nhất mang tên Doanh nghiệp Việt nên làm gì trong bối cảnh dịch Covid-19?, TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đã chỉ ra những tác động tới doanh nghiệp.

Thứ nhất, dịch bệnh làm giảm doanh thu sản phẩm đầu ra, nhất là với các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc (như nông – thủy sản, máy vi tính-điện tử-điện thoại, dệt may-da giày, sản phẩm gỗ…; xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 15,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam).
Thứ hai, dịch bệnh làm giảm nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ (trừ y tế, dược phẩm…), khiến các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn, bất động sản, giải trí, vận tải, logistics, tài chính-ngân hàng …bắt đầu ngấm dần khó khan. Theo đánh giá sơ bộ của ANZ, lĩnh vực du lịch - lữ hành - khách sạn sẽ chịu tác động tiêu cực khiến GDP có thể giảm 0,37 điểm % trong trường hợp lượng khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam giảm 75% trong 3 tháng tới.
Thứ ba, dịch bệnh làm gián đoạn hoạt động sản xuất – kinh doanh do thiếu nguyên liệu đầu vào và thiếu hụt lực lượng lao động, đặc biệt là các ngành dệt may, sản xuất vật tư nông nghiệp, linh kiện điện tử, sản xuất ô tô, xe máy…v.v.
Thứ tư, làm giảm nhu cầu tín dụng và phát sinh nợ xấu tiềm ẩn (đối với lĩnh vực ngân hàng), tăng chi phí bảo hiểm do tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, hộ gia đình trở nên khó khăn hơn,…v.v.
Thứ năm, làm tăng rủi ro hoạt động, nhất là rủi ro bị gián đoạn kinh doanh, rủi ro giá cổ phiếu biến động mạnh (do niềm tin nhà đầu tư thay đổi), rủi ro tỷ giá và thanh toán khi tính bất định trên thị trường tăng và dòng tiền bị thay đổi…v.v.

Mặc dù vậy, một số mô hình và lĩnh vực kinh doanh lại có thêm cơ hội nhất định như dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, dược phẩm, công nghệ sinh học, thương mại điện tử, công nghệ tài chính (Fintech), giải trí trực tuyến, giáo dục và tư vấn trực tuyến…v.v.

Nhóm tác giả đồng thời nhấn mạnh lại rằng những ảnh hưởng tiêu cực trên thực tế phụ thuộc rất nhiều vào hiệu quả của các biện pháp ứng phó của Chính phủ, bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân.

Để vượt qua thách thức và có thể tận dụng tối đa những cơ hội mới; bên cạnh thực thi có hiệu quả các chính sách, giải pháp của Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương liên quan; theo nhóm tác giả, mỗi doanh nghiệp có thể xem xét thực hiện 8 giải pháp ứng phó sau:

- Một là, kịp thời phòng và chống bệnh dịch cho người lao động, đặc biệt là các bộ phận thường xuyên tiếp xúc với khách hàng và tại khu vực có dịch bệnh, chuẩn bị các phương án phong tỏa, cách ly khi cần thiết. Tổ chức truyền thông, thông tin chuẩn xác, phù hợp về dịch bệnh cho nhân việc và khách hàng. Một số doanh nghiệp FDI lớn như Samsung, Formosa,…đã triển khai kiểm tra thân nhiệt của nhân viên tại các cổng nhà máy, đề nghị nhân viên đeo khẩu trang đi làm và trong suốt quá trình làm việc, tạm dừng các hoạt động tập trung đông người. Ngoài ra, các doanh nghiệp có thể xem xét cho phép, khuyến khích làm việc tại nhà hoặc tạm nghỉ việc hưởng lương khi người lao động phải cách ly theo yêu cầu hoặc từ vùng có nguy cơ lây nhiễm về; tạm thời chia người lao động thành nhóm cố định để tránh lây nhiễm chéo, khuyến khích người lao động hạn chế di chuyển; thường xuyên vệ sinh môi trường làm việc…v.v. Khi đó, cần có quy định về cách thức làm việc tại nhà hoặc từ xa. Một số công ty tại Thượng Hải – Trung Quốc còn khuyến khích, hướng dẫn nhân viên tập thể dục tại nhà để duy trì sức khỏe và thói quen.
- Hai là, thiện chí phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để xử lý kịp thời những vướng mắc gây ách tắc các mặt hàng xuất nhập khẩu với Trung Quốc thông qua việc đẩy nhanh quá trình thông quan (doanh nghiệp cần tuân thủ chỉ đạo, qui định của Nhà nước về kiểm soát dịch bệnh; chuẩn bị nhanh nhất, sẵn sàng đầy đủ hồ sơ, nhân lực để xử lý nhanh); tích cực đẩy mạnh tiêu thụ trong nước (thông qua việc cung cấp hàng hóa vào các hệ thống siêu thị, đặc biệt đối với mặt hàng tươi sống…).
- Ba là, xử lý kịp thời tình trạng thiếu hụt nguồn nguyên vật liệu đầu vào thông qua ưu tiên sử dụng các nguyên vật liệu trong nước thay thế, xem xét nhập khẩu nguồn nguyên liệu tương tự từ thị trường khác (có thể đề xuất giảm thuế nhập khẩu nếu cần thiết). Một số doanh nghiệp FDI đã thay nguồn hàng từ Trung Quốc bằng nguồn hàng từ Ấn Độ, Hàn Quốc…v.v. Đồng thời, chủ động tìm kiếm nguồn cung, khách hàng, thị trường thay thế để tránh phụ thuộc quá lớn vào một thị trường hay một nguồn cung, đặc biệt là đối với các ngành nghề đang phụ thuộc lớn vào Trung Quốc như như dệt may, da giày, điện tử, năng lượng, xuất khẩu nông sản,…v.v. Đây là giải pháp vừa ngắn hạn và vừa mang tính lâu dài.

- Bốn là, đẩy nhanh và mạnh hơn phát triển kinh doanh số, giao dịch điện tử, nhất là các giao dịch thanh toán, chuyển tiền, nộp thuế/phí, thanh toán không dừng…v.v. Đồng thời, tăng cường quảng bá hoạt động kinh doanh trực tuyến; truyền thông, khuyến khích khách hàng sử dụng giao dịch điện tử. Giải pháp này vừa giảm thiểu rủi ro lây lan dịch bệnh, vừa tiết giảm chi phí, tăng minh bạch, vừa góp phần thực hiện tốt chủ trương phát triển kinh tế số, thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ.

- Năm là, rà soát kế hoạch, mô hình kinh doanh để có điều chỉnh phù hợp; chủ động tìm kiếm cơ hội, tham gia lĩnh vực kinh doanh mới trong điều kiện không mất quá nhiều chuẩn bị hay nguồn lực (như sản xuất khẩu trang, dược phẩm, kinh doanh trực tuyến,…v.v.). Một số doanh nghiệp tranh thủ những lúc khó khăn để đào tạo nhân viên, rà soát và tinh giản quy trình; xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp, vừa tạo cảm giác yên tâm, vừa tăng tính gắn kết lâu bền.
- Sáu là, các tổ chức tài chính cần sớm bắt tay vào cuộc, đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân trong việc rà soát, đánh giá tác động, thiệt hại đối với khách hàng một cách nghiêm túc và tương đối chính xác cũng như tìm hiểu kỹ lưỡng các nhu cầu của khách hàng để có biện pháp hỗ trợ phù hợp (như cấp tín dụng mới, miễn phí, giảm lãi vay, tư vấn và quản lý rủi ro…); bao gồm cả việc cung ứng các sản phẩm – dịch vụ mới, đáp ứng nhu cầu của mô hình – lĩnh vực kinh doanh mới.
- Bảy là, doanh nghiệp cần chuẩn bị phương án ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, các hoạt động kinh tế trở lại quỹ đạo với đà mạnh hơn (theo kịch bản cơ sở, chúng tôi dự báo là từ giữa quý 2/2020); khi đó, tâm thế sẵn sàng sản xuất kinh doanh năng suất hơn, cung ứng sản phẩm – dịch vụ tốt hơn là rất cần thiết.
- Cuối cùng, các doanh nghiệp cũng như tổ chức tài chính cần hết sức tỉnh táo, chủ động, hợp tác, gắn kết cùng với các hiệp hội ngành nghề để có đề xuất, hiến kế chuẩn xác cho Chính phủ, cơ quan chức năng, địa phương; nhưng trên hết là cần nỗ lực cao nhất, sáng tạo nhất để có thể "biến nguy thành cơ", vượt qua khó khăn, thách thức.
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại