Truyền thông TQ: Việt Nam sẽ 'nổi bật hơn' trong khu vực với ban lãnh đạo mới
Duy trì đường lối chính trị, kinh tế ổn định trước biến động của thế giới và trở thành lực lượng nổi bật hơn trong khu vực là những nhận định của báo chí Trung Quốc.
Việc Việt Nam bầu ra ban lãnh đạo mới đã nhận được sự quan tâm của truyền thông Trung Quốc.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn dành cho mạng Người quan sát, bà Phan Kim Nga, chuyên gia về Việt Nam của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho rằng, mặc dù có không ít bất ngờ về nhân sự trong ban lãnh đạo mới của Việt Nam, nhưng từ việc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử, tới việc nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được bầu làm Chủ tịch nước khi đã ở tuổi 67, hay việc bầu Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đều cho thấy Việt Nam cần những người giàu kinh nghiệm để “chèo lái” đất nước và muốn tiếp tục đường lối phát triển vốn có, “duy trì tính liên tục và ổn định của các chính sách” hiện hành.
Tờ “Tuần báo Tin tức Trung Quốc” bình luận, ban lãnh đạo khóa mới “đã thể hiện được mục tiêu phát triển của Việt Nam” từng được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh, đó là “ổn định về chính trị, phát triển về kinh tế, vị thế quốc tế được nâng cao”.
Bài viết nhắc lại những mục tiêu trung và dài hạn được đưa ra tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và phân tích cho rằng, nếu các vấn đề mang tính cơ cấu ở trong nước của Việt Nam giảm bớt, cơ sở thương mại và môi trường đầu tư liên tục được cải thiện, “Việt Nam được kỳ vọng sẽ trở thành điểm đến đầu tư nước ngoài hấp dẫn và cạnh tranh nhất ở Đông Nam Á”.
Trong khi đó, trang The Paper dẫn lời biên tập viên cao cấp Yang Razali Kassim của Viện Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam (RSIS) thuộc Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore khẳng định, sự trở lại của cơ cấu “bộ tứ” – tức 4 lãnh đạo cao nhất cho thấy, “đường lối chính trị của Việt Nam sẽ nhất quán và ổn định trong vài năm tới”. “Việc điều chỉnh bộ máy lãnh đạo của Việt Nam thể hiện sự kết hợp giữa cũ và mới, có lợi cho mục tiêu lâu dài của Việt Nam là trở thành một nước phát triển vào năm 2045”.
Chuyên gia này còn nhận định, nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ trở thành Chủ tịch nước “tầm cỡ”. Ông sẽ tận dụng những kinh nghiệm của mình trên cương vị Thủ tướng để mở rộng và tăng cường quan hệ của Việt Nam với các nước, nâng cao hơn nữa vị thế của Việt Nam trong khu vực và quốc tế. Ông khẳng định, "bộ tứ" mới sẽ đưa Việt Nam trở thành một “thế lực” nổi bật hơn trong khu vực.
Ông Mễ Lương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh khi trả lời phỏng vấn của The Paper cũng nhận định: “Nhìn chung, việc chuyển giao quyền lực diễn ra suôn sẻ, hợp pháp, trật tự, nhận được những phản ứng tích cực từ trong nước ở Việt Nam.” Ông dự báo, tình hình chính trị ở Việt Nam sẽ duy trì ổn định trong 5 năm tới.
Chuyên gia này còn cho rằng, sự phát triển kinh tế và xã hội nhanh chóng của Việt Nam trong gần một thập kỷ qua là do sự ổn định chính trị trong nước đem lại. Năm 2020, GDP của Việt Nam vẫn tăng 2,9% và GDP bình quân đầu người vượt mức 3.100 đô la Mỹ, điều này có được là do chính phủ Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh.
Ông dự đoán kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ tương đối cao trong tương lai, cụ thể là trong 5 năm tới tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của Việt Nam sẽ duy trì trong khoảng 5%-7%, thậm chí cao hơn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận