Trước thềm niên vụ mới, Mía đường Sơn La giảm mục tiêu lợi nhuận
Niên độ 2020 – 2021, công ty đặc mục tiêu 816 tỷ đồng doanh thu, lãi sau thuế 26 tỷ đồng; giảm lần lượt 22% và 78% so với niên độ trước.
Công ty cổ phần Mía đường Sơn La (mã SLS) vừa công bố báo cáo thường niên niên vụ 2019 – 2020.
Niên độ 2020 – 2021, công ty đặt mục tiêu 816 tỷ đồng doanh thu, lãi sau thuế 26 tỷ đồng; giảm lần lượt 22% và 78% so với niên độ trước. Mức chia cổ tức niên độ 2020 – 2021 dự kiến là 20% vốn điều lệ (gần 20 tỷ đồng).
Ông Đặng Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cho biết, nhiều thách thức vẫn còn ở phía trước thềm niên vụ mới. Lượng tiêu thụ đường suy giảm cũng như việc lưu thông hàng hóa gặp nhiều trở ngại do thực hiện giãn cách xã hội nhằm kiểm soát dịch COVID-19 và áp lực cạnh tranh với đường nhập khẩu từ Thái Lan sau đợt hạn hán là những vấn đề cấp bách công ty sẽ phải đối mặt trong niên vụ 2020- 2021.
Theo dự báo niên vụ 2020 - 2021 ngành mía đường vẫn phải tiếp tục đương đầu với khó khăn thách thức từ nhiều phía.
Ngành đường đang mong chờ các Bộ, cơ quan triển khai có hiệu quả nội dung Thông báo Kết luận số 88/TB-VPCP ngày 10/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường. Đặc biệt là mong chờ Bộ Công Thương áp dụng biện pháp phòng vệ phù hợp với pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế để bảo vệ sản xuất mía đường trong nước; áp dụng biện pháp chống phá giá đối với đường lỏng sirô ngô và các chất tạo ngọt khác; tăng cường chống buôn lậu đường, đặc biệt tại các địa bàn trọng điểm; tăng cường quản lý thị trường, chống gian lận thương mại ...
Với Công ty cổ phần Mía đường Sơn La, để tạo nền tảng tiếp tục phát triển bền vững trong tình hình mới, công ty chủ động tự đổi mới cách làm, có các giải pháp, đối sách phù hợp với thực tế, thực hiện tốt quản lý diện tích vùng nguyên liệu nhằm hạn chế nguy cơ phá vỡ kế hoạch sản xuất nguyên liệu mía. Bên cạnh đó, tập trung nguồn lực đầu tư phát triển cây mía theo chiều sâu, tăng cường áp dụng tổng hợp các biện pháp thâm canh, giống, phương pháp trồng, chăm sóc và ổn định giá cả thu mua nguyên liệu mía.
Trong nhiều nghiên cứu về mía đường trên thế giới cho thấy chi phí để trồng mía xu thế ngày càng tăng. Trái ngược với điều này, giá đường trên thế giới trong những năm trở lại đây lại liên tục giảm. Vì vậy, để tồn tại và phát triển Công ty cổ phần Mía đường Sơn La phải tìm cách giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh để có thể đáp ứng tốt hơn với mọi khó khăn thách thức.
Ông Đặng Việt Anh cũng cho biết, tác động của dịch bệnh, thiên tai, xóa bỏ hạn ngạch thuế quan nhập đường đối với các nước ASEAN, giá đường giảm sâu,... đã có những ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sản xuất kinh doanh của công ty. Tuy vậy, niên vụ 2019-2020 Mía đường Sơn La đã lấy lại đà tăng trưởng và đạt được những thành tích đáng khích lệ.
Cụ thể, tổng doanh thu của công ty đạt hơn 1 nghìn tỷ đồng, vượt 23,35% kế hoạch đề ra. Lợi nhuận trước thuế cũng vượt xa kế hoạch và kết quả thực hiện của niên vụ 2018-2019, đạt 119,31 tỷ đồng.
Niên vụ 2019-2020, bắt đầu từ ngày 1/7/2019 và kết thúc vào ngày 30/6/2020, nhưng ngày 5/12/2019, Công ty cổ phần Mía đường Sơn La mới chính thức bước vào vụ ép 2019-2020, đến ngày 5/5/2020 công ty đã tiếp nhận hết toàn bộ lượng mía trong vùng nguyên liệu, chính thức kết thúc vụ ép.
Trong niên vụ 2019-2020, công ty đã ký hợp đồng với hơn 10 ngàn hộ nông dân trồng mía, tổng diện tích mía toàn vùng là 7.771 ha, giảm 1.610 ha so với niên vụ 2018-2019. Nguyên nhân giảm diện tích là do thu nhập từ trồng mía thấp hơn nhiều so với trồng cây ăn trái nên một số diện tích đất bằng nông dân chuyển sang trồng cây ăn trái.
Bên cạnh đó, niên vụ 2019-2020 kết thúc vụ khá muộn so với khung thời vụ, một số diện tích mía thu hoạch muộn tỷ lệ mọc mầm kém phải phá bỏ.
Diện tích mía toàn vùng của công ty trong niên vụ 2019 - 2020 đạt 7.771 ha, năng suất bình quân 65,16 tấn/ha, sản lượng mía chế biến là 485.572 tấn./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận